Không được cản trở, gây khó khăn, trục lợi trong xác nhận hộ chiếu vắc-xin
Để đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin và hộ chiếu vắc-xin khi tham gia tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm việc quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và hộ chiếu vắc-xin, không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và xác nhận hộ chiếu vắc-xin.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet |
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều ngày 28/4, có hơn 3,5 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc-xin. Trước 1/6, các địa phương phải hoàn thành việc cập nhật xác thực thông tin tiêm chủng phục vụ xác nhận hộ chiếu vắc-xin
Đến ngày 25/4, cả nước đã tiêm hơn 212 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân theo hướng dẫn, song vẫn còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa cập nhật lên hệ thống phần mềm, dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần thúc giục.
Trong số hơn 73,4 triệu người có căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.
Việc liên thông dữ liệu, xác thực thông tin không chỉ phục vụ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin mà còn có ý nghĩa quan trọng về sau này khi đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với ngành y tế (bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử...). Điều này nhằm tạo mọi tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.
Với Bộ Y tế, nhiệm vụ quan trọng là cập nhật thông tin tiêm chủng trên nền tảng Tiêm chủng Quốc gia để đồng bộ. Các địa phương phải xác thực, chính xác hóa thông tin; nếu chưa đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư, phải rà soát lại những thông tin nào chưa phù hợp, phải thay đổi thì phải cập nhật và chuyển cho trạm y tế xã để cập nhật lên hệ thống tiêm chủng.
Người mắc Covid-19 sẽ tiêm mũi 4 cách ít nhất 3 tháng sau khi đã tiêm mũi 3
Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin Bộ Y tế đã xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vắc-xin trong đó có việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4 gồm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19.
Đến nay cả nước đã có khoảng gần 60% người trên 18 tuổi tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19, với khoảng gần 56 triệu liều.
Nâng cao cảnh giác trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Tại nước ta, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tuy nhiên dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;
Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan quan liên quan để hoàn thiện xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 – 2023 trên cơ sở kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 được Tổ chức Y tế Thế giới ban hành ngày 31/3/2022, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và trước mắt xem xét tạm dừng thực hiện khai báo y tế nội địa để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Người nhập cảnh tham gia SEA Games 31 không phải khai báo y tế với Covid-19
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Tổng Cục thể dục thể thao (Trung tâm điều hành SEA Games 31) về việc dừng khai báo với Covid-19 phục vụ SEA Games 31.
Trước đó, ngày 14/4, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ SEA Games 31 trong đó có nội dung điều kiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế thông báo tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022. Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Tổng Cục thể dục thể thao (Trung tâm điều hành SEA Games 31) báo cáo cho Ban Tổ chức SEA Games 31 và thông báo cho tất cả các đoàn tham dự SEA Games 31.
Đối với quan chức, trọng tài, vận động viên, thành viên của các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và có chứng nhận xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện xét nghiệm cấp;
Thực hiện khai báo y tế tại tokhaiyte.vn, không yêu cầu phải cách ly, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khai báo cho trưởng đoàn thể thao và đầu mối của Ban Tổ chức để tổng hợp, theo dõi...