Triển khai tiêm kháng thể đơn dòng
AstraZeneca Việt Nam và Hệ thống Tiêm chủng VNVC đã bàn giao lô kháng thể đơn dòng Evusheld đầu tiên cho Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để bảo vệ nhóm người suy giảm miễn dịch trước đại dịch Covid-19.
Ngày 26/3, Bệnh viện Đa kho Tâm Anh sẽ chính thức triển khai tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld ngừa Covid-19 tại Hà Nội và TP.HCM
Trước hết, bệnh viện sẽ ưu tiên cho nhóm người suy giảm miễn dịch từ vừa đến nặng, người không thể tiêm hoặc đã tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng không sản sinh đủ kháng thể để ngừa SARS-CoV-2.
Đặc biệt người bệnh ung thư, ghép tạng, người không thể tiêm vắc-xin hoặc tiêm vắc-xin mà có phản ứng sau tiêm nặng hoặc đã tiêm nhưng không sinh kháng thể đầy đủ.
PGS, TS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh viện tự hào đã tiên phong đưa được kháng thể đơn dòng Evusheld dự phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được FDA cấp phép về được Việt Nam, mang đến cho các thầy thuốc Việt Nam thêm một “vũ khí” phòng ngừa và điều trị Covid-19 và kịp thời bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trước đại dịch.
Bệnh viện đã bố trí phòng tiêm dành cho nam và nữ riêng biệt, và có ít nhất 10 phòng khám chuyên biệt để khám và chỉ định tiêm ngừa cho khách hàng như: Ung bướu, Miễn dịch, Nội thận, Tổng quát, Tim mạch, Cơ xương khớp, Nội tiết, Đái tháo đường, Nội thần kinh, Tiết niệu…
Khách hàng khi đến bệnh viện để tư vấn, sàng lọc hay thực hiện tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld ngừa Covid-19 cũng sẽ được chính các chuyên gia bác sĩ hàng đầu đến từ các chuyên khoa sâu trực tiếp thăm khám.
Đến nay, Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain...
Trước đó, ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc Evusheld đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Người bệnh phải được cơ sở khám, chữa bệnh thông tin về tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc và cơ sở chỉ được sử dụng thuốc khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
TP.HCM: Cảnh báo giả mạo nhân viên HCDC yêu cầu người dân cung cấp thông tin để đi cách ly y tế
Ngày 24/3/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận được phản ánh về giả mạo nhân viên HCDC, yêu cầu người dân cung cấp thông tin để được đưa đi cách ly.
Cụ thể, người dân cho biết đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ 0385xxxx34, tự xưng là nhân viên của HCDC, thông báo họ có kết quả dương tính với COVID-19. Kẻ mạo danh yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và xác nhận để HCDC đến đưa đi cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
HCDC khẳng định đây là cuộc gọi lừa đảo và người dân cần cảnh giác cao độ. Hiện nay, người dân khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19 sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để khai báo xác nhận là F0 và được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nơi lưu trú.
Hoặc có thể gọi y tế địa phương để được hướng dẫn thêm khi cần thiết. Riêng HCDC không gọi điện thoại trực tiếp cho người dân để xác minh và đến đưa đi cách ly.
Qua sự việc trên, HCDC khuyến cáo người dân hãy nâng cao cảnh giác trước các trường hợp giả mạo nhân viên y tế, nhân viên HCDC nhằm mục đích xấu.
Khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn về việc có cán bộ y tế đến tận nhà hỗ trợ phòng chống dịch, người dân cần phải xác minh, kiểm chứng để không bị lừa đảo.
Về công tác chống dịch tại TP.HCM, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cho biết, tại thành phố, sau khi đánh giá được tình hình số ca nhiễm, ca nặng, ca tử vong, ca nhập viện trên địa bàn, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành Văn bản số 882/UBNS-XV về hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) đi làm, học tập, cho phép F1 được đi làm và học sinh đi học trực tiếp với điều kiện để kiểm soát tránh lây lan dịch ra cộng đồng.
Đối với bệnh nhân F0, hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế là người bệnh Covid-19 vẫn được cách ly điều trị y tế ở nhà, ở bệnh viện. Sở Y tế tham mưu nhằm mục tiêu kiểm soát dịch thật tốt.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thời gian qua, dù số ca tử vong tại thành phố giảm ở mức rất thấp nhưng số ca nặng chưa thật sự giảm bền vững. Khi số ca nhiễm tăng thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng.