Hà Nội: Hơn 5.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc-xin
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 29/4 đến 18h ngày 30-4), trên địa bàn thành phố ghi nhận 837 ca Covid-19, trong đó có 205 ca cộng đồng và 637 ca đã cách ly.
Cụ thể, 837 bệnh nhân ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 189 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (137), Đông Anh (123), Hoàng Mai (71), Long Biên (65), Nam Từ Liêm (57).
Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29-4-2021 đến nay là 1.586.645 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố chỉ còn 102.772 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 232 ca điều trị tại bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà.
Trong 232 người điều trị tại các bệnh viện, có 42 ca nặng phải thở ôxy qua mặt nạ, gọng kính; chủ yếu là bệnh nhân mức độ trung bình (186 ca).
Hôm qua (29/4), Hà Nội có thêm hơn 5.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nâng tổng số trẻ trong nhóm tuổi này được tiêm lên gần 142.200 ca (tính từ ngày 16/4 đến hết ngày 29/4).
Cả nước có hơn 5.100 ca Covid-19 trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 5.109 ca Covid-19 tại 56 tỉnh, thành phố (giảm 959 ca so với ngày trước đó).
Như vậy, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.280 ca/ngày. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3 ca Covid-19 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.649.809 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.648 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.642.060 ca, trong đó có 9.259.438 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.586.134), TP.HCM (608.408), Nghệ An (481.516), Bắc Giang (385.223), Bình Dương (383.398).
Về tình hình điều trị, có thêm 16.727 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.262.255 ca. Ngoài ra, hiện có 475 bệnh nhân đang thở ôxy.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3 ca tử vong tại 2 tỉnh: Bình Thuận (2), Kiên Giang (1). Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 5 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.041 ca, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm.
Đảm bảo nguồn cung vắc-xin
Sanofi và VNVC vừa ký kết hợp tác chiến lược nhằm cung cấp vắc-xin cho Việt Nam.
Lần "bắt tay" này là bước tiến lớn tiếp theo của Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC khi trở thành đối tác với nhiều hãng vắc-xin hàng đầu thế giới như GlaxoSmithKline (Bỉ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ), Abbott (Hà Lan)….
Từ các sự hợp tác chiến lược này VNVC sẽ có được nguồn vắc-xin dịch vụ chất lượng cao, số lượng lớn cho người dân, góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng khan hiếm, biến động giá vắc-xin… vốn đã diễn ra nhiều năm trước đây tại Việt Nam.
Với sự hợp tác của Sanofi Việt Nam và Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, nguồn cung vắc-xin phục vụ cho công tác tiêm chủng tại Việt Nam được đảm bảo. |
Các thoả thuận hợp tác chính thức của VNVC với các nhà sản xuất vắc-xin còn giúp VNVC có được nhiều loại vắc-xin mới. Đặc biệt, VNVC được biết đến là đơn vị đầu tiên ký kết chính thức với tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới AstraZeneca đặt mua thành công 55 triệu liều vắc-xin Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước.
Việc này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sớm nhất được tiếp cận với nguồn vắc-xin Covid-19 chất lượng cao trên thế giới, góp phần quan trọng vào chiến dịch tiêm chủng thần tốc, hiệu quả, chặn đứng dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Tầm quan trọng của vắc-xin trong việc đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm đã được nhìn nhận rõ hơn trong việc giảm thiểu sự lây lan và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, từng làm gián đoạn mọi hoạt động sinh hoạt và giao thương trên toàn thế giới.
Việc ký kết hợp tác chiến lược dài hạn giữa Sanofi Việt Nam và VNVC nhằm tối đa hóa các tác động tích cực của tiêm chủng, tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin chất lượng cao, và góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam
Ông David Tick, Giám đốc ngành hàng vắc-xin, Sanofi Việt Nam & Campuchia cho biết, tất cả mọi đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên, đến người trưởng thành và người lớn tuổi ở bất kỳ đâu trên thế giới đều cần được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Và tiêm chủng là một trong những biện pháp dự phòng hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu hậu quả nặng nề mà các căn bệnh này đem lại.
Về phía VNVC, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng, VNVC luôn đặt trọng tâm phát triển quan hệ hợp tác với những đối tác hàng đầu.
"Việc phát triển hợp tác chiến lược với Sanofi Việt Nam thông qua hàng loạt các hoạt động đa dạng được kỳ vọng sẽ giúp VNVC hiện thực hóa mục tiêu đưa vắc-xin chất lượng cao đến với cộng đồng một cách nhanh nhất, sớm nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người dân Việt Nam", bà Hà nêu.
Triển khai tiêm vắc-xin mũi 4
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4.
Theo đó, ngày 25/4, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vắc-xin trong đó có việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Vắc-xin sử dụng là vắc-xin mRNA (vắc-xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc-xin do Astra Zeneca sản xuất; vắc-xin cùng loại với mũi 3.
Khoảng cách giữa mũi 3 và mũi 4 là ít nhất là 4 tháng. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19.
Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm rà soát, cập nhật thông tin về mũi 4 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 gửi Bộ Y tế.
Bộ Y tế xác định vắc-xin phòng Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ định.
Bộ Y tế bảo đảm cung ứng đủ vắc-xin, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.