Sơn La, Vĩnh Phúc, Điện Biên có số ca mắc Covid-19 tăng cao
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 11.160 ca Covid-19 tại 59 tỉnh, thành phố (giảm 869 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Nông (giảm 208 ca), Hải Dương (giảm 111 ca), Gia Lai (giảm 89 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Sơn La (tăng 273 ca), Vĩnh Phúc (tăng 44 ca), Điện Biên (tăng 33 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.586 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 16h ngày 21/4 đến 16h ngày 22/4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.160 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.015 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.544.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.600 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.536.576 ca, trong đó có 9.076.448 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.537.814), TP.HCM (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).
Về tình hình điều trị, có thêm 2.338 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.079.265. Ngoài ra, hiện có 822 bệnh nhân đang thở ôxy.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua ghi nhận 7 ca tử vong tại: Đồng Nai (2), Phú Thọ (2), Bến Tre (1), Hà Tĩnh (1), Kon Tum (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 11 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.998 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội phát hiện thêm 980 ca Covid-19 trong 24 giờ qua
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 21/4 đến 18h ngày 22/4), trên địa bàn thành phố ghi nhận 980 ca Covid-19 mới, trong đó có 282 ca cộng đồng và 698 ca đã cách ly. Trong 24 giờ qua, quận Nam Từ Liêm là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất.
Cụ thể, 980 bệnh nhân phân bố tại 276 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm (64); Sóc Sơn (61); Hà Đông (60); Đông Anh (56).
Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là gần 1,54 triệu ca, trong đó có 1.335 ca tử vong.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố còn hơn 122.100 ca đang điều trị, theo dõi. Trong số này có 422 ca điều trị tại các bệnh viện; số còn lại đang theo dõi tại nhà.
Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Một số địa phương sau khi hoàn thành tiêm chủng cho các trẻ từ 11 tuổi đã hạ dần độ tuổi, tiêm cho trẻ 6 tuổi.
Tính từ ngày 16/4 đến hết ngày 21/4, Hà Nội đã triển khai tiêm 51.015 mũi vắc xin Moderna cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, có hơn 370.631 trẻ trong độ tuổi nêu trên cần tiêm trong đợt này. Như vậy, tiến độ tiêm tới hết ngày 21/4 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt gần 14%.
Bộ Y tế yêu cầu tăng tốc tiêm chủng
Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc yêu cầu các địa phương tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Hiện tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi 3 là 53,7%. |
Về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch và khẩn trương triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được phân bổ vắc-xin.
Triển khai tiêm chủng bảo đảm an toàn, khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng theo quy định.
Tăng cường chỉ đạo, truyền thông về lợi ích của tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tính an toàn của vắc-xin; vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy, đến 14h00 ngày 22/4, cả nước đã tiêm gần 211,3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó ngày 21/4 đã tiêm hơn 723.490 liều vắc-xin phòng Covid-19, cao gấp 1,5 lần số mũi tiêm so với ngày trước đó.
Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 53,7%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 96%.
Số vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 193.152.894 liều, trong đó mũi 1: 71.424.009 liều; Mũi 2: 70.067.924 liều; Mũi bổ sung: 15.103.741 liều và Mũi 3: 36.557.220 liều.
Số vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.280.462 liều, trong đó mũi 1: 8.843.756 liều; Mũi 2: 8.436.706 liều.
Thái Bình tăng tốc độ tiêm chủng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, tính từ ngày 19/4 đến hết ngày 21/4, tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi đã đạt gần 40%. Cụ thể, toàn tỉnh đã sử dụng 5.400 liều vắc-xin trên tổng số 13.700 liều được Bộ Y tế phân bổ.
Các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy và Tiền Hải là những địa phương có tiến độ tiêm đạt cao, bảo đảm kế hoạch đã xây dựng. Việc theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm được thực hiện đúng quy trình, cán bộ y tế xử trí bình tĩnh, nhịp nhàng.
Để việc tiêm vắc-xin bảo đảm an toàn, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn làm tốt khâu khám sàng lọc (tiền sử bệnh tật), theo dõi sau tiêm. Tại các điểm tiêm, đều bố trí sẵn khu vực cách ly tạm thời các trường hợp nghi mắc Covid-19; phân thời gian tiêm cụ thể theo khối, lớp…
Theo kế hoạch, việc hoàn thành tiêm 13.700 liều vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi ở tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành trong ngày 24/4/2022. Sau đợt tiêm này, tùy vào tiến độ phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tiêm phủ mũi 1 cho tất cả trẻ dưới 12 tuổi trên địa bàn (theo thống kê có khoảng 200 nghìn trẻ).
Theo tổng hợp của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đến hết ngày hôm qua (21/4), toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 3,4 triệu mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Trong đó, 100% số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi; trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 98,34%; người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi bổ sung hoặc nhắc lại đạt tỷ lệ 69,24%.
TP.HCM: Hơn 1.700 trẻ phải hoãn tiêm
Về tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 20/4, có tất cả 93.562 trẻ tại thành phố đã được tiêm và có 1.798 trẻ hoãn tiêm.
Ngoài ra, có 458 trẻ được chỉ định chuyển đến bệnh viện tiêm. Đối với các trẻ hoãn tiêm do đa số đã nhiễm Covid-19 nhưng chưa đủ thời gian (3 tháng) để tiêm vắc-xin. Trẻ có bệnh nền hoặc cơ địa béo phì được chuyển đến bệnh viện tiêm để bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các em.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay, các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định. Nhìn chung, công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến phản ánh của phụ huynh không liên lạc được với số điện thoại được cung cấp khi đi tiêm cho trẻ, theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, ngoài số điện thoại của trạm y tế cũng như các nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng cung cấp cho phụ huynh liên lạc, khi cần thiết phụ huynh có thể liên lạc các kênh thông tin hỗ trợ tư vấn hiệu quả là 1022 nhánh 3 để nhận được các thông tin sức khỏe hữu ích, chính thống, khoa học.
Tham gia tư vấn là đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm tất cả các ngày trong tuần theo khung giờ cố định. Buổi sáng từ 8-12 giờ, buổi chiều từ 14-16 giờ và buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ.