Theo bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ đã mắc Covid-19, vẫn có thể mắc lại.
Khi trẻ đã mắc Covid-19 thì nguy cơ diễn biến nặng, có thể tử vong, hay mắc các tình trạng hậu Covid, và cả các biến chứng khác là thường trực. Vì vậy khi dịch bệnh đang tiếp tục diễn ra thì vắc-xin dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc Covid-19 tiếp tục cần thiết.
Khi dịch bệnh đang tiếp tục diễn ra thì vắc-xin dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc Covid-19 tiếp tục cần thiết. |
Để đảm bảo an toàn khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc Covid-19 trước đó, căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm đã công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 là 3 tháng.
Đây là khoảng thời gian được cho là nếu trẻ đã mắc Covid-19, thì cũng gần như đã hồi phục hoàn toàn, đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên thu được khi trẻ nhiễm bệnh cũng suy giảm, vì vậy tiêm vắc-xin cho trẻ là phù hợp.
Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn.
Về vắc-xin tiêm cho trẻ, ngày 9/4, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông báo lô vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em đầu tiên do Úc viện trợ với 921.600 liều đã về đến nước ta vào tối 8/4.
Dự kiến, tổng cộng hơn 7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Moderna do Úc viện trợ sẽ về đến Việt Nam trong tháng 4 này. Theo đó, lô thứ 2 với khoảng hơn 2 triệu liều dự kiến về ngày 13/4 và lô thứ 3 với hơn 4 triệu liều dự kiến về trước ngày 18/4.
Đại diện Bộ Y tế cho biết sau khi hoàn thành kiểm định vắc-xin, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến sẽ được triển khai ngay vào cuối tuần tới.
Với các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 viện trợ và mua, việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.
Theo kế hoạch của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong chiến dịch này, các địa phương tổ chức tiêm cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng.
Trẻ được tiêm miễn phí tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ lớp 6 được tiêm trước, sau đó sẽ tiếp tục tiêm cho trẻ lứa tuổi nhỏ hơn.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho biết trong chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Việt Nam sử dụng 2 loại vắc-xin là Pfizer và Moderna.
Cụ thể, Bộ Y tế cho phép sử dụng vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi, vắc-xin Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong đó, vắc-xin Pfizer sử dụng cho nhóm trẻ này có hàm lượng 10 mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều của người từ 12 tuổi trở lên; lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Với vắc-xin Moderna, liều tiêm bằng 1/2 liều của người lớn (tương đương 0,25 ml), 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Bộ Y tế khuyến cáo với vắc-xin Pfizer, trẻ có thể gặp phản ứng thông thường như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, ớn lạnh, sốt, buồn nôn…
Phản ứng ít gặp hơn gồm nổi hạch, phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch, giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, suy nhược... Phản ứng gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim rất hiếm gặp (thấp hơn 1/10.000). Với vắc-xin Moderna, trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt...
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, chỉ có 0,5%-10% số trẻ được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của nhà sản xuất, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã ghi nhận.
"Trong hơn 17 triệu mũi đã tiêm, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương ghi nhận 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc-xin có phản ứng nặng, phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị", PGS.TS Dương Thị Hồng dẫn chứng.
Liên quan tới tình trạng hậu Covid-19 ở trẻ theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 dao động tùy theo nghiên cứu ở mỗi quốc gia khác nhau, ở lứa tuổi và quần thể khác nhau, cũng như cách xác định thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau.
Bên cạnh đó, triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em cũng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc các di chứng này cũng khác nhau. Do đó, hiện nay, con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em chưa rõ.
Đến nay chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các di chứng sau khi khỏi bệnh.
Tuy nhiên, nếu mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ,... sau khi khỏi bệnh. Đây là những triệu chứng hay gặp ở trường hợp đã phải điều trị hồi sức.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, có tiền sử dị ứng, mắc các bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn những nhóm trẻ khác.
Khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như trên hoặc xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho con đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý.
Đặc biệt, trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc Covid-19 cấp tính, cha mẹ nên cho con đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4-12 tuần sau khi khỏi bệnh.
Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu Covid-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Chẳng hạn, một em bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc Covid-19, trẻ hoàn toàn có thể bị bệnh lao phổi hoặc các bệnh lí hô hấp khác. Do đó, trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại.