Hà Nội: Không có trường hợp nguy kịch phải thở máy
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 3/5 đến 18h ngày 4/5), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 705 ca Covid-19, trong đó có 198 ca cộng đồng và 507 ca đã cách ly.
Cụ thể, 705 bệnh nhân được ghi nhận trong 24 giờ qua phân bố tại 188 xã, phường, thị trấn thuộc 21/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (135), Đông Anh (127), Gia Lâm (67), Long Biên (62), Hoàng Mai (55), Hoài Đức (53).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.588.913 ca.
Cũng theo Sở Y tế, hiện chỉ còn hơn 97.500 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, chỉ 237 ca điều trị tại viện, bao gồm 44 ca nặng phải thở ô xy, mask, gọng kính. Không có trường hợp nguy kịch phải thở máy.
Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính từ chiều 16/4 đến hết ngày 3/5, Hà Nội đã có gần 146.000 trẻ được tiêm mũi 1.
Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên tăng số ca mắc mới Covid-19
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3.088 ca nhiễm mới tại 48 tỉnh, thành phố (tăng 379 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Dương (tăng 91 ca), Vĩnh Phúc (tăng 83 ca), Hưng Yên (tăng 48 ca).
24 giờ qua, có 15 địa phương không ghi nhận ca nhiễm mới. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đà Nẵng (giảm 35 ca), Yên Bái (giảm 31 ca), Bắc Ninh (giảm 29 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.418 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.662.446 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.763 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.654.696 ca, trong đó có 9.306.519 bệnh nhân đã được công bố khỏi.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.589.106), TP.HCM (608.531), Nghệ An (482.088), Bắc Giang (385.329), Bình Dương (383.465).
Về tình hình điều trị, có thêm 42.055 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.309.336 ca. Ngoài ra, hiện có 480 bệnh nhân đang thở ô-xy.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3 ca tử vong tại: An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Dương (1).
Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.047 ca, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm.
Chủ động ứng phó khi có ca bệnh xâm nhập
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, đơn vị này đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ nhỏ từ các tổ chức quốc tế như tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ.
Bộ Y tế đang xin ý kiến 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19. |
Cục Y tế dự phòng đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.
Trước đó, Tổ chức WHO đã có cảnh báo về các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân.
Theo đó, đã có ít nhất một trẻ tử vong sau khi gia tăng số mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Ít nhất 169 trường hợp mắc bệnh này đã được ghi nhận tại 12 quốc gia trên thế giới.
Các quốc gia đã ghi nhận những trường hợp trẻ mắc bệnh gan không rõ nguyên nhân như Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Israel, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italy, Na Uy, Pháp, Roamania, Bỉ.
Đáng chú ý, trong số các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại các quốc gia này, nước Anh ghi nhận 114 ca.
Cũng theo tổ chức WHO, các cơ quan y tế trên toàn thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu những trường hợp bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ.
Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, một số trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đều có kết quả xét nghiệm dương tính với một mầm bệnh phố biến được gọi là Adenovirus 41.
Adenovirus 41 được biết đến là loại virus gây bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em, tuy nhiên ít được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh.
Bộ Y tế xin ý kiến 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19
Trên cơ sở kế hoạch của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế đưa ra 2 tình huống dịch Covid-19 như sau:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số ca nặng và tử vong giảm dần. Từ đó, các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Với tình huống này, Bộ Y tế đề xuất tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới. Duy trì đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, Bộ đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Bộ Y tế sẽ kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn giám sát phù hợp, kịp thời với diễn biến dịch bệnh, bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Ngoài ra, từng bước nới lỏng các biện pháp quản lý y tế đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và F0 không có triệu chứng để có thể tham gia một số hoạt động xã hội và vẫn bảo đảm phòng chống dịch.
Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Với tình huống này, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, các nhà sản xuất vắc-xin để cập nhật các loại vắc-xin phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Bộ sẽ tập trung giám sát, theo dõi bệnh dịch và tác động của biến thể mới virus SARS-CoV-2 bằng việc tăng cường giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực, các ca tử vong;
Giải trình tự gene để phát hiện biến chủng đang lưu hành và biến chủng mới tại các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường, người nhập cảnh có yếu tố dịch tễ liên quan.
Nâng cao khả năng cảnh báo sớm thông qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thường xuyên đánh giá nguy cơ, tác động của dịch để điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K vắc-xin, thuốc điều trị công nghệ ý thức người dân các biện pháp khác".
Triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát, xét nghiệm để phát hiện các trường hợp nhiễm, từ đó kịp thời khoanh vùng, cách ly, dập dịch một cách sớm nhất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, báo cáo và chia sẻ thông tin về tình hình dịch tễ và xét nghiệm.
Trong cả 2 tình huống, Bộ Y tế nhấn mạnh một trong 4 nguyên tắc đặt ra là vắc-xin là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong.
Tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.