Cả nước ghi nhận thêm 164.596 ca Covid-19 mới
Tính từ 16h ngày 8/3 đến 16h ngày 9/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 164.596 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 164.576 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.161 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 106.573 ca trong cộng đồng).
Ngày 9/3/2022, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 45.896 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 30.353 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 24.318 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-2.363), TP Hồ Chí Minh (-620), Bình Dương (-513). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+5.139), Hải Phòng (+2.924), Bắc Ninh (+2.858).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 141.797 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.042.036 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 51.041 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.034.498 ca, trong đó có 2.852.397 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (557.003), Hà Nội (491.366), Bình Dương (322.628), Bắc Ninh (203.588), Quảng Ninh (158.445).
65.872 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.855.214 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.878 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.964 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 469 ca; thở máy không xâm lấn là 97 ca; thở máy xâm lấn là 344 ca; ECMO là 4 ca.
Từ 17h30 phút ngày 8/3 đến 17h30 phút ngày 9/3 ghi nhận 109 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.086 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.921.995 mẫu tương đương 80.763.591 lượt người, tăng 177.911 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 8/3 có 379.421 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 198.647.028 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.606.863 liều: Mũi 1 là 70.877.968 liều; Mũi 2 là 67.723.146 liều; Mũi 3 là 1.492.023 liều; Mũi bổ sung là 14.335.007 liều; Mũi nhắc lại là 27.178.719 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.040.165 liều: Mũi 1 là 8.745.928 liều; Mũi 2 là 8.294.237 liều.
Hà Nội có thêm 31.365 F0 mới
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã ghi nhận 31.365 ca bệnh (12.942 ca cộng đồng; 18.423 ca đã cách ly).
Bệnh nhân phân bố tại 536 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (1.498); Hoàng Mai (1.433); Sóc Sơn (1.412); Long Biên (1.406); Hoài Đức (1405); Nam Từ Liêm (1.381).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 494.540 ca.
Tính đến hết ngày 8/3, thành phố có gần 660.000 ca dương tính đang điều trị, theo dõi. Trong đó có 654.335 người theo dõi cách ly tại nhà; 710 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã.
4.853 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố, 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hiện các bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện tại Hà Nội có gần 900 ca nặng, nguy kịch. Số ca diễn biến mức độ trung bình cũng giảm 8,7% so với trung bình 7 tuần trước (tương ứng gần 3.500 ca).
Hiện còn 52 bệnh nhân thở máy, 31 ca thở máy không xâm lấn, gần 800 ca thở oxy mask/gọng kính và 16 ca thở HFNC. Ngoài ra có 8 ca đang lọc máu.
Tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi là 837.740 người. Ngày 8/3, Hà Nội có 8 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 tính từ ngày 27/4/2021 cho đến nay là 1.204 người.
Nới quy định quản lý F0 tại nhà
UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm cơ số thuốc, điều kiện vật chất, nguồn nhân lực; quản chặt F0, tổ chức tốt các tổ hỗ trợ, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, theo dõi các ca F0 chuyển tầng, tử vong.
TP.Hà Nội khiến nghị Bộ Y tế xem xét giảm thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà. |
Sở Y tế có trách nhiệm tăng cường tập huấn, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; hướng dẫn người dân căn cứ dịch tễ, sức khỏe để thực hiện xét nghiệm bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Cùng với đó tăng cường điều phối, bố trí, phân luồng; hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế phường, để tránh bị quá tải và hoàn thành tốt nhiệm vụ; bao gồm lực lượng y tế tư nhân, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, sinh viên, nhất là huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, Tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng.
Sở Y tế cũng có trách nhiệm thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong;
Phối hợp các đơn vị của trung ương để thực hiện giải trình tự gen các ca dương tính trong cộng đồng để xác định chủng vi rút lưu hành trên địa bàn nhằm có phương án phòng, chống dịch kịp thời.
Sở Y tế tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho lực lượng cơ sở, giảm thiểu thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà; tăng cường ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu dân cư;
Cung cấp bảo đảm túi thuốc gói thuốc C (thuốc kháng virus) cho các bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ điều trị tại nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm bao phủ một cách nhanh nhất mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn.
Sở cũng phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra quản lý, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, ngăn chặn kịp thời đầu cơ trang thiết bị y tế, thuốc điều trị... phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện công khai minh bạch cơ chế, chính sách thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát để có chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng, chống dịch, các đối tượng tham gia tổ Covid-19 cộng đồng; thực hiện công khai minh bạch, chi trả kịp thời chế độ, chính sách đối với các đối tượng.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động các lực lượng, nhất là huy động tối đa lực lượng cơ sở tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là tại xã, phường, thị trấn.
Các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, đôn đốc, thiết lập lại và phát huy vai trò, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất của các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tại địa phương, đặc biệt hỗ trợ F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà.
Các sở, ban, ngành được giao nghiên cứu, xây dựng phương án “Thích ứng an toàn, linh hoạt” khi phát hiện các ca Covid-19 trong cộng đồng, tại cơ quan, công sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các di tích lịch sử, văn hóa...; kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch tại các trụ sở cơ quan, công sở như: Thực hiện nghiêm “5K” và cài đặt, quét mã QR.
Đề xuất nhà thuốc được kê đơn thuốc Molnupiravir
Nhà thuốc sẽ được kê đơn thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19, giúp người dân được sớm tiếp cận thuốc, theo đề xuất của Bộ Y tế…
Bộ Y tế vừa có đề xuất với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc điều chỉnh quy định cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19.
Bộ Y tế cho biết, do có quy định chặt chẽ như hiện nay vì Molnupiravir là thuốc mới, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.
Người dân chỉ được sử dụng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir khi có đơn thuốc của y bác sĩ. Việc tự ý sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do các tác dụng không mong muốn của thuốc cũng như có thể tạo ra những chủng virus mới.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng cao (chủ yếu là các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình, được điều trị và cách ly tại nhà).
Việc mua thuốc kháng virus điều trị Covid-19 phải có đơn thuốc do bác sĩ, y sĩ kê dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống và cán bộ y tế và bệnh nhân không sớm được tiếp cận với thuốc. Trong khi đó, thuốc này được khuyến cáo sử dụng sớm (trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc có kết quả dương tính).
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế đề xuất cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được kê đơn thuốc kháng virus như Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 có nguyện vọng tự chi trả.
Người được kê đơn (tại quầy thuốc, nhà thuốc) cần có xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2, kể cả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh;
Hoặc người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.
Hướng dẫn cũng đề xuất người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân.
Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu, kèm bản sao chứng minh thư của người bệnh.
Bộ Y tế cũng xây dựng tờ hướng dẫn sử dụng để người bán thuốc hướng dẫn người mua, trong đó có các thông tin: đối tượng sử dụng, liều dùng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng, cách xử trí khi gặp các phản ứng bất thường (không hiệu quả, tác dụng phụ…) cần báo cho cơ sở y tế.
Đồng thời cho biết sẽ áp dụng công nghệ thông tin phối hợp với Hệ thống cảnh giác dược quốc gia để nhà sản xuất, người bệnh, cán bộ y tế báo cáo các thông tin liên quan đến an toàn, hiệu quả của thuốc khi sử dụng và sau khi sử dụng để tiếp tục đánh giá an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi được cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị Covid-19 dùng đường uống và tại các địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định.
Lý do là vì các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 là thuốc mới, cần phải có sự giám sát an toàn hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi, quan trọng nhất là việc chỉ định sử dụng thuốc cho đối tượng nào, liều dùng cần có ý kiến của bác sĩ, y sĩ thông qua việc thăm khám theo quy định.
Việc cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng mục đích gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Tuân thủ 5K với F0, F1 khi đi làm
Theo một số chuyên gia, đề xuất của Bộ Y tế cho một số trường hợp F0, F1 đi làm là phù hợp trong tình hình chống dịch mới nhưng cần nâng cao ý thức cá nhân phòng dịch, tuân thủ quy định 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Mới đây, Bộ Y tế xây dựng một số nội dung điều chỉnh về cách ly y tế và biện pháp phòng tránh lây nhiễm xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Y tế đề xuất giảm thời gian cách ly y tế nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm do rút ngắn thời gian cách ly y tế. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly.
PGS.TS.Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, đề xuất để một số trường hợp F0, F1 làm việc trong thời gian cách ly của Bộ Y tế là phù hợp.
Những ngày qua, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 30 nghìn ca mắc mới Covid-19 nhưng thực tế có thể lên đến trăm nghìn ca bởi nhiều trường hợp nhiễm không khai báo hoặc nhiễm không có triệu chứng.
Về đề xuất F0 đi làm, theo PGS.Huy Nga, người nào có triệu chứng, đau ốm thì có thể nghỉ nhưng với F0 không triệu chứng, nhẹ cũng tùy hoàn cảnh, điều kiện khác nhau có thể quyết định đi làm trong thời gian cách ly.
Chẳng hạn, như công nhân làm đường hay bác nông dân làm ruộng ở môi trường thông thoáng, chung quanh không có người thì hoàn toàn có thể đi làm. Trong các cơ sở y tế, các y, bác sĩ bị phơi nhiễm vẫn công tác tại các khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19…
Ông Nga lưu ý, F0 đi làm cần phải lưu ý thực hiện tốt 5K, cần phải có những điều kiện để tránh lấy nhiễm như: cơ quan tạo điều kiện tránh tiếp xúc với người khác; bảo đảm phòng riêng không lây nhiễm... F0 không triệu chứng cần phải thông báo với cơ quan, người chung quanh mình là F0 để mọi người có biện pháp phòng ngừa.
Đối với đề xuất F1 không cần cách ly, PGS Huy Nga lưu ý nhóm F1 vẫn cần phải theo dõi sức khoẻ bản thân và thực hiện 5K, xét nghiệm sau 5-7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Ý thức tự giác của F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng.
PGS. TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh trong quá trình các F1 đi làm, các trường hợp này cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K; không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).
Ông Phu đề xuất, với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc cho các trường hợp này để hạn chế tiếp xúc với các trường hợp khác.
Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần. Khi các F1 có dấu hiệu của bệnh thì cần thông báo cho cơ quan, đơn vị để tạm cách ly, sau đó thực hiện xét nghiệm.
Tăng cường tiêm vắc-xin mũi 3 để chống Omicron
Trong thông báo mới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nhóm chuyên gia của họ kết luận việc tiêm vắc-xin Covid-19 cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh Omicron rất dễ lây lan.
Cơ quan y tế toàn cầu nhận định việc tiêm phòng, bao gồm mũi tăng cường, đặc biệt quan trọng với những người có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19.
Như vậy, trong thông báo mới, WHO khuyến khích tiêm vắc-xin mũi tăng cường cho người dân thế giới, nhất là nhóm có nguy cơ cao.
Nhóm chuyên gia của WHO gồm 18 thành viên, tập trung vào tác động từ các biến chủng đáng quan ngại như Omicron và đánh giá hiệu quả của vắc-xin trước những biến chủng này.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh liều vắc-xin Covid-19 tăng cường giúp khôi phục khả năng miễn dịch đang suy yếu và bảo vệ khỏi nguy cơ trở nặng. Các chương trình tăng cường tiêm chủng ở Anh, Canada, Mỹ đã được ghi nhận là ngăn chặn sự gia tăng các ca nhập viện vì Omicron.
WHO cho biết họ đang theo dõi sự lây lan toàn cầu của Omicron, bao gồm phiên bản tàng hình BA.2, đã được phát hiện là tái nhiễm ở một số trường hợp.
Nhiều nghiên cứu đánh giá liệu hiện tượng này có gây bệnh nặng hơn hay không và đến thời điểm hiện tại, vắc-xin Covid-19 vẫn có hiệu quả chống lại nó.
Ngoài ra, WHO cũng lưu ý các loại vắc-xin Covid-19 hiện tại đều dựa trên chủng nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, cách đây 3 năm.
“Kể từ đó, virus tiến hóa liên tục, đáng kể, có khả năng quá trình này sẽ tiếp diễn, dẫn đến sự xuất hiện của các biến chủng mới, do vậy các công thức vắc-xin Covid-19 cần được cập nhật”, WHO nêu.
Trươc đó, tháng 1/2022 WHO đã nới lỏng quan điểm khi khuyến cáo các mũi tiêm tăng cường nên được sử dụng khi quốc gia có đủ nguồn cung cấp, bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất.
Dù cách đó không xa, cuối năm 2021, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi các nước tạm hoãn liều tăng cường và khuyến khích các quốc gia nên tặng vắc-xin cho nước nghèo. Thời điểm đó, các nhà khoa học của WHO cho biết sẽ tiếp tục đánh giá dữ liệu.
TP.HCM mở đợt cao điểm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao trước dịch Covid-19
UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ban ngành và các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo phân tích của Sở Y tế TP.HCM, phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Đặc biệt, khi có triệu chứng cần nhập viện thì những trường hợp này đã ở mức độ nặng và chưa được phát hiện là F0 trước đó nên chưa được sử dụng thuốc kháng virus.
Theo nhận định của UBND TP.HCM, việc mở đợt cao điểm của chiến dịch tại thời điểm hiện nay hướng đến những người thuộc nhóm nguy cơ cao là rất cần thiết nhằm giảm số trường hợp mắc Covid-19 nặng và góp phần giảm tử vong.
Theo đề nghị của Sở Y tế, UBND TP.HCM sẽ phát động đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, thời gian của đợt cao điểm từ nay đến ngày 31/3, đối tượng là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức triển khai "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao;
Đồng thời triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách đang quản lý và danh sách đã được cập nhật.
Theo đó, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà và được tư vấn từ xa qua mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"; nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cấp ngay và uống thuốc kháng virus, chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn của Sở Y tế về "Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0".
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, thuyết phục và phấn đấu tiêm vắc-xin cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm, thời gian hoàn thành tiêm vắc-xin trước ngày 29/3.