Ghi nhận thêm 1.587 ca Covid-19 trong nước
Tính từ 16h ngày 19/5 đến 16h ngày 20/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.587 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 1.587 ca ghi nhận trong nước tại 51 tỉnh, thành phố, có 1.380 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-60), Hải Phòng (-31), Bình Dương (-20). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+48), Hà Tĩnh (+23), Đà Nẵng (+19).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.708 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.706.111 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.163 ca nhiễm.
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.698.354 ca, trong đó có 9.387.215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.597.114), TP Hồ Chí Minh (609.131), Nghệ An (483.942), Bắc Giang (387.504), Bình Dương (383.759).
7.151 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.390.032 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 221 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 182 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 19 ca; thở máy không xâm lấn là 5 ca; thở máy xâm lấn là 13 ca; ECMO là 2 ca.
Từ 17h30 phút ngày 19/5 đến 17h30 phút ngày 20/5 ghi nhận 2 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.075 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.507.380 mẫu tương đương 85.813.406 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 218.799.777 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.126.724 liều: Mũi 1 là 71.471.429 liều; Mũi 2 là 68.700.170 liều; Mũi 3 là 1.506.133 liều; Mũi bổ sung là 15.161.374 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 41.228.531 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 59.087 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.420.852 liều: Mũi 1 là 8.925.005 liều; Mũi 2 là 8.495.847 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.252.201 liều: Mũi 1 là 3.240.970 liều; Mũi 2 là 11.231 liều.
Hà Nội có 373 F0
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua thành phố có 373 Covid-19: 124 ca cộng đồng; 249 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 155 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (33); Hoàng Mai (32); Đông Anh (26); Hoài Đức (23).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.597.906 ca.
Đến nay, trên địa bàn thành phố còn 84.220 ca đang điều trị, trong đó có 110 ca điều trị tại bệnh viện và 84.110 ca theo dõi tại nhà.
Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16/4 cho đến hết ngày 19/5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.670 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
4 dấu hiệu cần đi khám sớm
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19 (còn gọi là hậu Covid-19).
Theo Bộ Y tế, mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19, được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.
Ảnh minh hoạ |
Mệt mỏi về thể chất: khi mệt mỏi sau mắc Covid-19, chúng ta sẽ cảm thấy cơ thể mình rất nặng nề và ngay cả những hoạt động thể lực dù nhẹ nhàng cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Mệt mỏi về nhận thức và tinh thần: Khi mệt mỏi, mỗi người sẽ khó tập trung suy nghĩ, hoặc tiếp nhận thông tin mới, trí nhớ cũng như công việc, học tập của bạn bị ảnh hưởng.
Thậm chí cả việc tìm từ ngữ đơn giản để viết hay nói cũng có thể trở thành khó khăn. Mệt mỏi làm cho người đã mắc Covid-19 kiệt sức sau khi hoàn thành những công việc thường ngày.
Cũng tại quyết định Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19, về "Dấu hiệu cảnh báo"cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế.
Các dấu hiệu cụ thể là: Khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở nào.
Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi bạn nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục.
Bạn thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực.
Tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói.
Thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay bạn có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.
Ngoài ra, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau mắc Covid-19, đồng thời có bệnh mạn tính về tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim...), bệnh nội khoa (đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc có biến chứng về tim mạch, hô hấp...trong thời gian nhiễm Covid-19, bạn không nên trì hoãn mà cần khám và quản lý sớm tại các phòng khám chuyên khoa tương ứng...
Tránh để bệnh diễn biến nặng mới đi khám
Để hạn chế ảnh hưởng của hậu Covid-19 Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng nhịp độ là một chiến lược giúp người đã bị mắc Covid-19 tránh bị tổn thương đồng thời quản lý các hoạt động của bạn mà không làm nặng thêm các triệu chứng hiện có.
Theo đó, mỗi người nên xây dựng một kế hoạch linh hoạt cho phép hoạt động trong khả năng hiện tại của mình và tránh bị quá tải. Sau đó, mức độ hoạt động có thể được tăng dần lên một cách có kiểm soát theo thời gian, khi mức năng lượng và các triệu chứng của bạn được cải thiện.
"Quan trọng là đừng nên so sánh với người khác hoặc với chính mình trước kia”, Hướng dẫn này lưu ý.
Cũng theo Bộ Y tế, nếu sau mắc Covid-19 tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, kèm theo một số triệu chứng như:
Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ; Ngủ không yên giấc; Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung; Đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; Đau họng hoặc loét miệng; đau đầu ... thì bạn cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.