Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch bệnh ngày 24/5: Chưa cần tiêm phòng vắc-xin hàng loạt chống đậu mùa khỉ?
D.Ngân - 24/05/2022 09:52
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa cần tiêm phòng hàng loạt khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở bên ngoài châu Phi.
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội có thêm hơn 320 ca mắc Covid-19 sau 24h

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 23/5 đến 18h ngày 24/5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 321 ca Covid-19, trong đó có 109 ca cộng đồng, 212 ca đã cách ly.

Cụ thể, 321 bệnh nhân phân bố tại 126 xã, phường, thị trấn thuộc 24/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hai Bà Trưng (27), Ba Đình (26), Hoàng Mai (24), Nam Từ Liêm (24), Đông Anh (23).

Như vậy, trong hơn một năm qua, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc Covid-19 với 1.336 ca tử vong.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Thành phố còn gần 82.367 ca đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 500 ca so với hôm qua), trong đó có 94 ca điều trị tại bệnh viện (giảm 6 ca) và gần 82.300 ca theo dõi tại nhà.

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16/4 đến nay, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cả nước có thêm hơn 1.300 ca Covid-19, không có bệnh nhân tử vong

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.323 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh và 1.322 ca tại 43 tỉnh, thành phố (tăng 143 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Phú Thọ (tăng 56 ca), Bình Phước (tăng 34 ca), Hà Nam (tăng 29 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Quảng Trị (giảm 60 ca), Đà Nẵng (giảm 30 ca), Quảng Bình (giảm 21 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.487 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.711.389 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.205 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.703.631 ca, trong đó có 9.409.586 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.598.484), TP.HCM (609.206), Nghệ An (484.208), Bắc Giang (387.530), Bình Dương (383.770).

Về tình hình điều trị, có thêm 6.495 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.412.403 ca. Ngoài ra, hiện có 216 bệnh nhân đang thở ôxy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.076 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Chưa khuyến cáo tiêm phòng hàng loạt

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa cần tiêm phòng hàng loạt khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở bên ngoài châu Phi, vì các biện pháp như vệ sinh tốt và hành vi tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát sự lây lan.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa cần tiêm phòng hàng loạt khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở bên ngoài châu Phi (ảnh minh họa)

Trước đó, WHO đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về sự bùng phát gần đây của bệnh đậu mùa khỉ. Trong đợt bùng phát mới, các ca mắc đã xuất hiện ở Mỹ, Australia và nhiều nước châu Âu như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Italy và Thụy Điển.... Các nhà chuyên môn e ngại còn các ca bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Riêng ở Anh, số ca mắc tăng từ 10 (ngày 7/5) lên 20 người vào thời điểm hiện tại. Chính quyền thủ đô Berlin của Đức ngày 22/5 thông báo ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố này, trong khi Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhận định số ca mắc bệnh này sẽ sớm gia tăng ở Đức.

Bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ xuất hiện ở Tây Phi và Trung Phi. Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỉ lệ tử vong ở bệnh này khoảng 10%.

Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Thông tin hiện có cho thấy, đậu mùa khỉ lây từ người sang người xảy ra ở các trường hợp tiếp xúc gần.

Trong bối cảnh phát hiện các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm ở nhiều nước và những trường hợp này đều chưa từng đến vùng dịch, WHO kêu gọi các nước nâng cao ý thức phòng chống bệnh này.

Một quan chức điều hành cấp cao khác tại WHO hôm 23/5 nói chưa có bằng chứng nào về việc virus đã biến đổi. Nhiều người được chẩn đoán nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát mới nhất là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. 

Hầu hết các ca nhiễm không liên quan tới du lịch ở châu Phi, do đó, điều này cho thấy có thể một số lượng lớn ca mắc chưa được phát hiện. Một số cơ quan y tế nghi ngờ rằng bệnh đã lây lan trong cộng đồng ở mức độ nào đó.

Tại Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Từ đó, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người tại các quốc gia Trung và Tây Phi.

Cũng theo tổ chức này, đậu mùa khỉ là bệnh do virus truyền từ động vật sang người. Biểu hiện của bệnh tương tự nhưng nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức.

Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của 2 bệnh là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.

Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ lúc nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) đối với bệnh đậu mùa khỉ thường là 7-14 ngày nhưng có thể là 5-21 ngày.

Đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do vậy đợt bùng phát hiện nay ở châu Âu đang gây lo ngại. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng đợt bùng phát có thể tiến triển thành đại dịch như Covid-19.

Tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi nhắc lại ở Thái Bình thấp

Tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc tiêm bao phủ hai mũi vắc-xin Covid-19 cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên từ khá sớm, nhưng hiện nay việc triển khai tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại đang gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, từ tháng 4/2021, Thái Bình bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 1,245 triệu người từ 18 tuổi trở lên; 150 nghìn trẻ độ tuổi từ 12-17 tuổi và 207 nghìn trẻ độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tính đến hết ngày 22/5, Thái Bình đã thực hiện 46 đợt tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Trong đó, 100% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai mũi; 99,18% số trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin.

Tuy nhiên, việc triển khai các mũi tiêm bổ sung và nhắc lại để duy trì miễn dịch với Covid-19 chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, mũi bổ sung cho  người từ 18 tuổi trở lên mới đạt 27,38%; mũi nhắc lại lần 1 đạt 55,47% và nhắc lại lần 2 đạt con số rất khiêm tốn 0,12%.

Lý giải về tiến độ tiêm đạt thấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình giải thích, sau khi các hoạt động xã hội mở cửa trở lại, sự biến động dân cư lớn.

Một bộ phận người dân tỉnh Thái Bình đi lao động, học tập tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, dẫn đến không thể nắm bắt, quản lý, thống kê được đối tượng tiêm vắc-xin.

Mặt khác, một bộ phận người dân đã mắc Covid-19, hiện chưa đủ khoảng cách 3 tháng sau khi mắc để tiêm mũi nhắc lại lần 2. Bên cạnh đó, có thể thấy rõ tâm lý e ngại, chủ quan, coi Covid-19 là bệnh thông thường, do đó không muốn tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại.

Một khó khăn nữa cho địa phương, đó là vắc-xin sau khi tiếp nhận có thời gian sử dụng không dài. Nếu bảo quản ở nhiệt độ từ +2 đến +8 độ C, vắc-xin Pfizer chỉ có thời gian sử dụng 31 ngày; vắc-xin Moderna có thời gian sử dụng 30 ngày.

Mặt khác, các đơn vị y tế tuyến cơ sở cũng đang rơi vào tình trạng quá tải, gặp nhiều áp lực. Hiện nay, nhân lực hạn chế, trong khi khối lượng công việc thực hiện lại rất lớn.

Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã tiến hành tuyên truyền, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vắc-xin. Cụ thể, các huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để thống kê, lập danh sách những người đủ điều kiện tiêm mũi cơ bản, mũi bổ sung, mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 theo thời gian; người đã mắc Covid-19 bảo đảm không để sót lọt đối tượng.

Ngoài ra, chỉ đạo rà soát số người lao động tại các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên để tổ chức tiêm vắc-xin. Có các biện pháp, hình thức xử lý các doanh nghiệp cố tình không hợp tác, để người lao động lỡ thời điểm tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.

Tin liên quan
Tin khác