- TP.HCM đề xuất sớm tiêm vắc-xin cho người lao động doanh nghiệp ngành công thương và shipper
- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: “Hai mũi giáp công” tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19 của Hà Nội rất đúng
- Tin mới về dịch Covid-19 ngày 13/9: Nhiều nơi ở Hà Nội hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1; Ổ dịch Thanh Xuân thêm 18 ca mắc mới
Thêm 10.489 ca mắc Covid-19, TP.HCM có hơn 5.700 F0
Theo thông tin từ Bộ Y tế tối ngày 16/9 tại 37 tỉnh, thành phố ghi nhận thêm 10.489 ca mắc Covid-19. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 101 ca. TP.HCM tăng 434 ca, Bình Dương giảm 230 ca, Đồng Nai giảm 241 ca, Long An giảm 143 ca, Kiên Giang tăng 15 ca.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.347 ca/ngày.
Các địa phương có số ca mắc cao là TP.HCM (5.735), Bình Dương (2.998), Đồng Nai (567). Số bệnh nhân tử vong là 234, trong đó, TP.HCM có 160 trường hợp.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 656.129 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.669 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 651.726 ca, trong đó có 420.777 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, 10.901 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19. Tổng số ca được điều trị khỏi: 423.551 người.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.750 ca, trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ: 3.640, thở oxy dòng cao HFNC: 1.058, thở máy không xâm lấn: 135, thở máy xâm lấn: 885, ECMO: 32.
Tổng hợp số liệu tử vong do các sở y tế công bố trên cdc.kcb.vn, nước ta ghi nhận 234 ca tử vong tại TP.HCM (160), Bình Dương (46), Long An (10), Tiền Giang (6), Nghệ An (3), Tây Ninh (2), Bến Tre (2), Thanh Hóa (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Cà Mau (1), Hà Nội (1). Ngoài ra, Bộ Y tế bổ sung 5 ca tử vong tại Tiền Giang (3), Kiên Giang (2).
Như vậy, trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 256 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.425 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).
Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 206.892 xét nghiệm cho 884.347 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 15.959.983 mẫu cho 46.697.477 lượt người.
Ngày 15/9, 715.550 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 32.296.517 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 26.307.653 liều, tiêm mũi 2 là 5.988.864 liều.
Hà Nội ghi nhận 3 ca Covid-19 mới tại khu vực cách ly, phong tỏa
Từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận thêm 3 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 1 ca tại khu cách ly, 2 ca tại khu vực phong tỏa.
Cả 3 ca nhiễm này đều là F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt liên quan đến ca F0 tại quận Thanh Xuân.
Trường hợp đầu tiên là nam, sinh năm 1959. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa có nhiều ca dương tính, được chuyển cách ly tập trung tại Chương Mỹ. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ hai là nữ, sinh năm 2010. Bệnh nhân là F1 là con của bệnh nhân N.T.H, ngày 3/9 được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung sau khi mẹ có xét nghiệm dương tính.
Trường hợp thứ ba là nữ, sinh năm 1988. Bệnh nhân là F1 là con của bệnh nhân N.T.T, ngày 3/9 được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung sau khi mẹ có xét nghiệm dương tính.
Như vậy tính từ 18 giờ ngày 15/9 đến 18 giờ ngày 16/9 ghi nhận 16 ca trong đó có 13 ca khu vực cách ly, 3 ca khu vực phong tỏa.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay là 3.872 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.276 ca.
Phát hiện chùm ca lây nhiễm mới, Hậu Giang giãn cách xã hội toàn TX. Long Mỹ từ 14h00 ngày 16/9
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh vừa ký ban hành Công văn số 1732, quy định từ 14 giờ ngày 16/9, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 toàn thị xã Long Mỹ, nhanh chóng xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, cách ly và dập dịch tại địa phương này.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thị xã Long Mỹ, với 24 trường hợp nhiễm Covid-19 được ghi nhận, trong đó có 23 trường hợp ở ổ dịch tại xã Long Phú (ấp Long Hòa 2 có 22 trường hợp, ấp Tân Bình 1 có 1 trường hợp) và 1 trường hợp tại xã Long Trị A, đã truy vết được 75 F1 và 127 F2. Tất cả F1 đã được cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà và được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm đối với 100% người dân xã Long Phú tiếp tục ghi nhận thêm 3 trường hợp test nhanh dương tính ở ấp Long Hòa 2, xã đã tạm thời phong tỏa khu vực có 3 trường hợp test nhanh dương tính này để triển khai các biện pháp kiểm soát dịch trong khi đợi kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định. Hiện chưa phát hiện thêm ca phát sinh mới trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc gia đình giãn cách với gia đình; ấp, khu vực giãn cách với ấp, khu vực; xã, phường giãn cách với xã, phường; thị xã Long Mỹ giãn cách với các huyện, thành phố trong Tỉnh và các địa phương giáp ranh.
Mọi người dân ở tại nhà, không ra đường nếu không thật sự cần thiết; các trường hợp cần thiết đi ra ngoài như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa; khám, chữa bệnh, cấp cứu; các trường hợp làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “5K”; luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 02 người tại 01 địa điểm ở nơi công cộng và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động.
Yêu cầu toàn thể Nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động khai báo y tế, tích cực tham gia cùng chính quyền 2 cung cấp thông tin giám sát người từ địa phương khác vào địa bàn; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; mọi hành vi vi phạm phải được chấn chỉnh và xử phạt theo quy định.
Thực hiện quy định người dân không ra đường kể từ 18 giờ 00 phút ngày hôm trước đến 05 giờ 00 phút ngày hôm sau, trừ trường hợp ưu tiên, đặc biệt khác…
Lãnh đạo Tỉnh yêu cầu thị xã Long Mỹ tập trung cho công tác truy vết, xác định cụ thể nguồn lây để dập dịch. Đối với giáo viên và học sinh Trường THPT Tân Phú đang được cách ly tập trung tại trường, phải chăm lo tốt công tác hậu cần. Thị ủy Long Mỹ phân công thêm Thường trực Thị ủy chỉ đạo công tác phòng dịch ở xã Long Phú. Sau khi hoàn thành test 100% người dân xã Long Phú thì tiếp tục test nhanh SARS-CoV-2 ở xã Long Trị A. Đối với các khu vực đã được phong tỏa ở xã Long Phú và Long Trị A phải test cho tất cả người dân 3 ngày 1 lần...
Hơn 800.000 liều vắc-xin Covid-19 do Đức hỗ trợ về đến Việt Nam
852.480 liều vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 đã về đến Hà Nội hôm nay 16/9. Đây là đóng góp của chính phủ Đức thông qua cơ chế COVAX cho chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Với lô vắc-xin do chính phủ Đức ủng hộ, Việt Nam đã nhận 12.578.110 liều vắc-xin Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh vắc-xin (GAVI) đồng khởi xướng và UNICEF là đối tác thực hiện chính.
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 16/9, Việt Nam đã thực hiện được 32,375,467 mũi vắc-xin Trước đó, trong 5 ngày liên tiếp (từ 9-13/9), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất (số mũi tiêm/số vắc-xin được cấp theo quyết định) cập nhật đến trưa 16/9 là Bắc Ninh, Lào Cai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Phước.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất (số mũi tiêm/số vắc-xin được cấp theo quyết định) cập nhật đến trưa 16/9 là Nghệ An, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nam Định, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam và Tiền Giang.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 37 triệu liều vắc-xin COVID-19 các loại khác nhau, trong đó nhiều nhất là vắc-xin AstraZeneca.
Đã có 6.209 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 được xuất viện
Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, đến ngày 16/9 đã có 6.209 bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 TP.HCM được ra viện.
Bệnh viện Dã chiến số 3 TP.HCM (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP.Thủ Đức) bắt đầu đi vào hoạt động từ 6/7/2021 với quy mô hơn 2.500 giường. Sau hơn 2 tháng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, đến nay đã có hơn 6.200 trường hợp được ra viện.
Theo đại diện Bệnh viện, tính từ ngày 6/7 đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 8000 bệnh nhân COVID-19, đến sáng 16/9, 6.029 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Dự kiến trong chiều 16/9, Bệnh viện dã chiến số 3 sẽ cho xuất viện khoảng 300 bệnh nhân. Mỗi ngày chúng tôi đều cho xuất viện vài trăm người đã điều trị khỏi, có ngày cao điểm là hơn 1.600 trường hợp.
Được biết, khi bắt đầu hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 3 được Sở Y tế TP.HCM phân công chức năng làm nơi thu dung ca nhiễm không triệu chứng (tầng 1). Tuy nhiên sau một thời gian do số ca nhiễm tại TP.HCM gia tăng, Bệnh viện này được nâng lên thành nơi thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và dấu hiệu chuyển nặng) để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Hà Nội thêm 12 ca mắc mới Covid-19 sau 6 giờ
Trưa 16/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 12 ca Covid-19, trong đó, 11 ca tại khu cách ly, 1 ca khu vực phong tỏa.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.869 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.273 ca.
Tính đến 12 giờ trưa ngày 16/9, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, kết quả thực hiện tiêm được 110.996 mũi tiêm.
Cộng dồn tới 12 giờ ngày 16/9/2021, toàn TP.Hà Nội đã triển khai 16 đợt tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP. Hà Nội, tổng 16 đợt thực hiện tiêm được 5.237.565 mũi tiêm, sử dụng 4.792.608 liều vắc-xin/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 89,4%.
Đồng Nai: Nhân viên y tế nhiễm Covid-19 được tham gia điều trị cho F0
Ngày 16/9, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết, Sở vừa có văn bản chấp thuận cho nhân viên y tế nhiễm Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng mức độ nhẹ được tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đồng Nai.
Trước đó, để đảm bảo nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 và các bệnh nội, ngoại trú khác của bệnh viện, Bệnh viện Đồng Nai kiến nghị Sở Y tế cho phép nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được tham gia khám, điều trị cho bệnh nhân F0 tại các đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện.
Lãnh đạo Sở Y tế chấp thuận chủ trương cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổ chức cách ly, điều trị tại bệnh viện đối với nhân viên y tế nhiễm Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng mức độ nhẹ.
Đồng thời, cho phép các nhân viên này được khám, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các đơn vị điều trị Covid-19 trong bệnh viện nếu có đơn tình nguyện tham gia.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức điều trị, chăm sóc, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của các nhân viên y tế vừa là thầy thuốc, vừa là bệnh nhân này. Phân công công việc hợp lý, kịp thời, ngừng việc bố trí khám, chữa bệnh nếu sức khỏe của nhân viên y tế diễn biến không tốt. Tuyệt đối không để xảy ra tình huống xấu.
Chế độ phụ cấp cho những nhân viên y tế này thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành.
Hà Nội hoàn thành tiêm chủng, xét nghiệm theo kế hoạch
Sáng 16/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 15/9 đến 6 giờ ngày 16/9 trên địa bàn Thành phố là 1 bệnh nhân tại khu cách ly.
Với sự trợ giúp của nhiều địa phương, Hà Nội hoàn thành tiêm chủng thần tốc. |
Bệnh nhân là V.X.Đ., nam, sinh năm 2003, địa chỉ tại 11/553 Nguyễn Khoái, Thanh Trì, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân T.Đ.T được chuyển cách ly tập trung từ ngày 7/9 với xét nghiệm âm tính. Ngày 15/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm tiếp, kết quả dương tính.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận tổng số 3.857 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.261 ca.
Về công tác tiêm chủng, với sự hỗ trợ từ 12 tỉnh, thành và bệnh viện Trung ương, TP.Hà Nội đã hoàn thành cơ bản chiến dịch thần tốc tiêm vắc-xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch.
Đây là cơ sở quan trọng để Thành phố nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động dịch vụ, xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
***
Theo thống kê của ngành Y tế, TP.Hà Nội có gần 5,1 triệu người cần tiêm chủng, trên tổng số trên 8,2 triệu người.
Trước ngày 8/9, Thành phố đã triển khai nhiều đợt tiêm với trên 2,6 triệu mũi, chủ yếu là lực lượng tuyến đầu, công nhân và nhóm ưu tiên khác. Tuy nhiên, từ ngày 8/9, tốc độ tiêm của Hà Nội đã tăng rất nhanh, có ngày đạt tới gần 600.000 mũi.
Về xét nghiệm, trong ngày 15/9, toàn thành phố đã lấy 514.537 mẫu xét nghiệm. Tính từ ngày 8/9 đến nay, toàn thành phố đã lấy được tổng 4.197.528 mẫu (2.930.379 mẫu PCR, 1.267.149 test nhanh), phát hiện 19 ca dương tính.
Theo quy định của Hà Nội, từ 12h00, ngày 16/9/2021, đối với các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2011 của Chủ tịch UBND Thành phố) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh:
Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập;
Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng;
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
UBND Thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
TP.HCM: Thí điểm thẻ xanh Covid-19 tại 5 đơn vị
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết UBND Thành phố cho phép thí điểm "thẻ xanh Covid-19" tại 5 đơn vị: huyện Củ Chi; các khu chế xuất - khu công nghiệp, ban quản lý khu công nghệ cao, quận 7, huyện Cần Giờ.
Việc thí điểm này sẽ triển khai có lộ trình ở những nhóm đơn vị cụ thể, kiểm tra hằng ngày để thay đổi kịp thời. Trong trường hợp có địa phương đảm bảo các tiêu chí để thí điểm thẻ xanh thì TP.HCM sẽ triển khai chứ không nhất thiết chỉ 5 đơn vị này.
TP.HCM quyết tâm đảm bảo những giải pháp an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày.
Bên cạnh đó, khi xét nghiệm RT-PCR phải trả kết quả trong 12 giờ, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh.
Giám định hoạt chất, hàm lượng một số lô vắc xin Vero Cell nhập khẩu
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM lấy mẫu trưng cầu giám định tại các cơ sở kiểm nghiệm vắc-xin của Bộ Y tế để xác định thực tế hoạt chất, hàm lượng/nồng độ của vắc-xin Vero Cell nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, xem xét hồ sơ hải quan một số lô hàng vắc-xin Covid-19 Vero Cell do Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu theo Giấy phép số 7929/QLD-KD ngày 8/7/2021 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho thấy: hoạt chất, hàm lượng/nồng độ trên Giấy phép số 7929/QLD-KD là 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt, nhưng trên Phiếu kiểm nghiệm có kết quả là 7,2U; 7,4U; 7,8U hoặc 6,9U...
Để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đúng quy định của Luật Dược năm 2016, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM lấy mẫu trưng cầu giám định tại các cơ sở kiểm nghiệm vắc xin của Bộ Y tế để xác định thực tế hoạt chất, hàm lượng/nồng độ của kháng nguyên SARS CoV-2 bất hoạt.
Trường hợp kết quả giám định xác định hoạt chất, hàm lượng/nồng độ khác so với giấy phép nhập khẩu thì báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để trao đổi với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phối hợp xử lý. Thực hiện thông quan cho lô hàng theo quy định.