Số ca mắc Covid-19 lại vượt mức hơn 10.000 ca/ngày
Bản tin dịch Covid-19 ngày 18/11 của Bộ Y tế cho biết có 10.223 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành phố; TP.HCM, Hà Giang và Tây Ninh tăng số mắc. Trong ngày có 6.723 ca khỏi và 139 trường hợp tử vong.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (-156), Đồng Nai (-101), Kiên Giang (-92).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP HCM (+272), Tây Ninh (+256), Hà Giang (+101).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 9.126 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.065.469 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.812 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.060.394 ca, trong đó có 878.776 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Từ 17h30 ngày 17/11 đến 17h30 ngày 18/11 ghi nhận 139 ca tử vong tại TP.HCM (42), An Giang (22), Kiên Giang (16), Bình Dương (14), Đồng Nai (7), Long An (6), Bạc Liêu (5), Tiền Giang (5), Nghệ An (3), Trà Vinh (3), Tây Ninh (3), Vĩnh Long (3), Bình Thuận (2), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Sóc Trăng (2), Ninh Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 90 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kịch bản của TP.HCM khi số ca mắc cao
UBND TP.HCM ban hành quyết định quy định tạm thời biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19". Sở Y tế TP.HCM văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các sở, ban ngành về việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong đợt 2, thời gian tiêm mũi 2 là từ ngày 22/11 đến ngày 28/11.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong giai đoạn vừa qua, số lượng ca F0 tại TP.HCM có chiều hướng tăng, một số đơn vị cũng có cách xử lý chưa khéo léo khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ người dân.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi công văn để chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc về vấn đề này. Ngoài ra, Sở Y tế cũng tiếp tục củng cố lực lượng hỗ trợ, chăm sóc F0, từ việc kích hoạt mạng lưới thầy thuốc đồng hành với 2.500 bác sĩ để hỗ trợ F0 đến tận phường, xã khi trạm y tế chưa xử lý tốt. Bên cạnh đó, TP.HCM duy trì phát triển Tổng đài 1022, phím 3,4 để hỗ trợ người dân.
Về ngưỡng đáp ứng của ngành y tế TP.HCM khi số lượng F0 có xu hướng tăng lên, bà Mai cho biết mục tiêu chung của thành phố là làm sao để duy trì, bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua, kéo giảm ca nhập viện, tử vong, củng cố hệ thống y tế.
Với tinh thần đó, Sở Y tế họp với các sở, ngành để bàn giải pháp, xây dựng kịch bản cụ thể. Trong tờ trình gửi UBND TP.HCM về phương án ứng phó với dịch. Toàn thành phố hiện có khoảng 9.100 bác sĩ, 19.600 điều dưỡng. Tất cả nhân viên y tế đều thực hành tốt trong thời gian qua, xử lý được mọi tình huống.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng duy trì được số lượng giường ô-xy, giường hồi sức cấp cứu (ICU), khả năng đáp ứng, chấp nhận được cùng lúc là trên 120.000 F0.
"Sở Y tế Thành phố cũng xây dựng 7 kịch bản cho từng tình huống tăng giảm số lượng F0", bà Mai nói.
Hà Nội có thêm ổ dịch mới tại Chương Mỹ
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 18/11, Thành phố vừa xác định được 277 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 114 ca cộng đồng, 137 trường hợp ở khu cách ly và 26 người sống tại vùng phong tỏa.
Như vậy, Thành phố có thêm ổ dịch mới tại thôn Mới, Tốt Động, Chương Mỹ. Từ ngày 17/11, ổ dịch này đã có tổng cộng 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, Hà Nội cũng ghi nhận số ca cộng đồng cao kỷ lục trong đợt dịch thứ 4.
114 trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được phân bổ tại các quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng (21), Chương Mỹ (15), Hà Đông (11), Hoài Đức (10), Ba Đình (8), Mê Linh (7), Bắc Từ Liêm(7), Hoàng Mai (7), Nam Từ Liêm (6), Long Biên (3), Sơn Tây (3), Đống Đa (3), Quốc Oai (2), Thanh Trì (2), Thanh Xuân (2), Cầu Giấy (1), Hoàn Kiếm (1), Thanh Oai (1), Phúc Thọ (1), Mỹ Đức (1), Gia Lâm (1), Phú Xuyên (1).
Từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 7.016 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 2.542 ca cộng đồng và 4.474 trường hợp đã được cách ly.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Thành phố đã tiêm tổng cộng 11.389.583 mũi vắc-xin, đạt tỷ lệ người dân trên 18 sống trên địa bàn được tiêm một liều là 98,86%, mũi 2 là 84,85%.
Long An có 6/15 địa phương không có ca phát sinh F0 trong ngày
Ngày 17/11, Long An có 6 địa phương không có ca phát sinh trong ngày: Cần Đước, Châu Thành, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Tân Thạnh, Tân Hưng.
Hiện Long An đang là tỉnh vùng xanh (cấp độ 1) duy nhất của vùng ĐBSCL.
Theo Sở Y tế Long An, trong ngày 17/11, Long An ghi nhận 82 ca nhiễm Covid-19 giảm 71 ca so với số ca mắc ngày 16/11/2021 (153 ca); ghi nhận 08 ca trong cộng đồng, điều trị khỏi 197 ca (tăng 37 ca); tử vong 06 (tăng 02 ca).
Lũy kế đến nay Long An ghi nhận 36.969 ca nhiễm Covid-19 (trong đó 8.794 cộng đồng, 24.325 khu phong tỏa, 3.850 khu cách ly); điều trị khỏi 34.661 ca (93,75%); tử vong 548 ca (1,48%), đang điều trị tại bệnh viện 1.465 ca (3,96%), chờ khu cách ly tạm 295 ca (0,79%
Tiểu ban điều phối và tiêm vắc-xin – Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Long An vừa có quyết định 11453/QĐ-TBVX phân bổ vắc-xin đợt 17 cộng đồng/đợt ngày 16/11.
Theo đó, tổng số người được tiêm vắc-xin Pfizer là 65.768 người, trong đó có 55.687 người từ 16 - 17 tuổi và 12.081 người 15 tuổi. Đồng thời, Tiểu ban điều phối và tiêm vắc-xin cũng có quyết định 11447/QĐ-TBVX phân bổ vắc-xin đợt 16 cộng đồng. Theo đó, tổng số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm là 15.332 người, trong đó, có 1.027 người được tiêm vắc-xin Pfizer, 13.539 người được tiêm vắc-xin Vero Cell và 766 người được tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Hậu Giang vượt mốc 3.000 ca F0
Theo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang thông tin, hôm qua 17/11 ghi nhận tổng số 173 trường hợp nhiễm Covid-19 mới.
Đây là ngày có số trường hợp nhiễm bệnh cao nhất từ trước đến nay ở tỉnh, tăng 18 người nhiễm so với ngày 16/11 và là ngày thứ 8 liên tiếp tỉnh ghi nhận trên 100 trường hợp nhiễm Covid-19, tổng số trường hợp nhiễm 8 ngày này đã là 1.055 người.
Đáng lưu ý, từ ngày 1/11 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 1.627 trường hợp nhiễm Covid-19, chiếm hơn một nửa trong tổng số trường hợp nhiễm ghi nhận ở tỉnh từ ngày 8/7 (ngày ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở tỉnh) đến nay, với 3.035 người nhiễm Covid-19 (trong số này đã có hơn 50% được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Hiện số bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở Hậu Giang thuộc tỷ lệ thấp nhất khu vực cũng như bình quân cả nước).
Liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại một Công ty cổ phần Thủy sản thuộc huyện Châu Thành, Hậu Giang, đến nay đã có tổng số 106 trường hợp nhiễm bệnh. Công tác kiểm soát dịch đang được quyết liệt triển khai để dập dịch. Hiện tại, có khoảng 2.500 công nhân đang cách ly tại công ty và khoảng 1.500 công nhân được cách ly tại nhà. Công tác kiểm soát dịch sẽ được tiếp tục triển khai, nhất là tăng cường xét nghiệm sàng lọc bóc tách F0 ở ổ dịch này. Liên quan các trường hợp nhiễm Covid-19 ở ổ dịch này, các xã, thị trấn huyện Châu Thành đã tích cực truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan ở cộng đồng và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa phòng dịch.
Cần Thơ ghi nhận số ca mắc F0 cao nhất từ đầu dịch
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, tính đến 17 giờ 17/11/2021, thành phố Cần Thơ ghi nhận 712 ca nhiễm mới, cao nhất từ đầu dịch.
Trong đó, 173 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cơ sở y tế, 21 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 83 trường hợp trong khu cách ly, 178 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 257 trường hợp trong thời gian cách ly tại nhà. Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được chuyển đến các cơ sở y tế cách ly và điều trị.
Trong hôm qua, đã có 194 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện và tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định; nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tính từ ngày 8/7/2021 đến nay là 14.152 người, 8.354 trường hợp điều trị khỏi.
Đến nay, tổng số ca mắc theo quận, huyện: Ninh Kiều 3.537 ca, Bình Thủy 2.487 ca, Thốt Nốt 2.306 ca, Ô Môn 1.859 ca, Cái Răng 1.209 ca, Thới Lai 732 ca, Phong Ðiền 506 ca, Vĩnh Thạnh 381 ca và Cờ Ðỏ 361 ca.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp lực lượng công an đã truy vết được 78 F1, 4 F2 liên quan và đang tiếp tục điều tra, truy vết; đồng thời, tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm liên quan theo quy định.
Số trường hợp đang cách ly tập trung là 2.365 người; số người đang trong thời gian theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà là 11.311 người.
Hiên TP. Cần Thơ tiếp tục tăng tốc xét nghiệm và tiêm vắc-xin, trong ngày, thành phố đã thực hiện xét nghiệm test nhanh cho 4.411 người và xét nghiệm PCR cho 5.685 người; có thêm 28.206 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Đến nay, có 1.302.468 liều được tiêm cho các đối tượng (chiếm 73% dân số và 31,4% người được tiêm mũi 2).
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết qua theo dõi và giám sát, bên cạnh những địa phương đảm bảo tiến độ, một số tỉnh, thành phố còn tiêm chậm, để vắc-xin tồn kho. Một số địa phương cũng cập nhật thông tin tiêm chủng chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến kết quả chung.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh không để vắc-xin tồn trong kho. |
Trước tình hình đó, từ ngày 15/10 đến 14/11, Bộ Y tế đã liên tục gửi văn bản nhắc các địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm sớm đạt mục tiêu bao phủ mũi một cho 100% người trên 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương báo cáo dự trù nhu cầu vắc-xin trong thời gian còn lại của năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, chỉ hơn 50% tỉnh, thành phố gửi về Bộ.
Ông Tuyên nhấn mạnh, tiếp cận vắc-xin đã khó nhưng việc tiêm chủng chậm sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ bao phủ vắc-xin của cả nước.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm và nhập liệu. Tình trạng chậm trễ xảy ra ở khâu nào sẽ bị xử lý nghiêm.
Về vấn đề báo cáo dự trù nhu cầu vắc-xin, ông Tuyên nói, sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất sẽ được hiểu là không có nhu cầu. Bộ Y tế sẽ không cấp vắc-xin cho địa phương. Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và nhân dân về việc không đủ vắc-xin để tiêm chủng do không có đề xuất.
Vị lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết vắc-xin về đến đâu sẽ phân bổ đến đó. Do vậy, các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm việc nhận và tiêm nhanh vắc-xin để đảm bảo mục tiêu đề ra.
Về việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, ông lưu ý các địa phương cần quán triệt, tập huấn cho các điểm tiêm tuân thủ yêu cầu chuyên môn (3 tra, 5 chiếu), thực hiện đúng quy trình, tránh sai sót không đáng có.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cập nhật kết quả tiêm lên cổng thông tin tiêm chủng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 129,6 triệu liều vắc-xin phòng Covi-19 đã được phân bổ trên cả nước. Trong đó, khu vực miền Nam được phân bổ nhiều nhất với 59,3 triệu liều. Xếp sau đó là miền Bắc (gần 49 triệu liều), miền Trung (hơn 14,1 triệu liều) và Tây Nguyên (hơn 4,7 triệu liều).
Tính đến chiều 17/11, Việt Nam đã tiêm được tổng cộng hơn 102 liều vắc-xin Covid-19. Số lượng mũi một đã thực hiện là khoảng 65,3 triệu liều, mũi 2 là 36,8 triệu liều. Qua đó, Việt Nam đạt tỷ lệ 88,2% người trên 18 tuổi được bao phủ mũi một vắc-xin Covid-19 và 50,9% với mũi 2.
17 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang.
Tổng số lượng vắc-xin đã tiêm được cho trẻ 12-17 tuổi là 1.519.686 liều, trong đó có 1.516.714 mũi một và 2.972 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ dân số 12-17 tuổi ít nhất một mũi vắc-xin Covid-19 là 16,6%.
Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương khi nhận các nguồn viện trợ vắc-xin khác ngoài nguồn phân bổ của Bộ Y tế thì phải báo cáo về Bộ Y tế để Bộ tổng hợp, có sự điều chỉnh trong phân bổ phù hợp.
Đồng thời, trong công tác tiêm chủng, các địa phương phải làm tốt vấn đề kiểm tra, giám sát về quy trình chuyên môn, đối tượng tiêm, việc vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vắc-xin.
Hà Nội: Điều trị F0 “4 tại chỗ” đáp ứng kịch bản 100.000 ca bệnh
Mới đây, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tới đây TP.Hà Nội sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung, mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động.
Ông Tuấn cũng thông tin, mô hình hoạt động trạm y tế lưu động của Hà Nội hơi khác với TP.HCM. Ở TP.HCM, F0 ở nhà, gọi điện liên hệ với nhân viên y tế đến khám, cấp thuốc.
Nhưng ở Hà Nội các trạm y tế lưu động sẽ vẫn có nhiệm vụ điều trị thu dung tập trung F0 tại một cụm. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.
Kiên Giang điều chỉnh cấp độ dịch
Ngày 17/11, UBND thành phố Long Xuyên, An Giang cho biết, vừa xảy ra ổ dịch tại Công ty TNHH may xuất khẩu Đức Thành 1 tại phường Mỹ Thới.
Trước đó, công ty tầm soát 1.511 công nhân phát hiện có 222 trường hợp nhiễm đều là công nhân và hầu hết tiêm đủ hai mũi vắc-xin.
Các F0 được đưa vào khu cách ly của công ty, cho tạm dừng hoạt động khu vực có F0 để tiếp tục sàng lọc và khử khuẩn, cách ly các trường hợp F1 tại nhà.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã tiêm hai mũi vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 65,35%; tiêm mũi 1 cho học sinh lớp 12 được 17.931 em.
Ngày 17/11, UBND tỉnh Kiên Giang điều chỉnh và công bố cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang cấp độ 2, nguy cơ trung bình (vùng vàng). Về cấp huyện có hai đơn vị cấp độ 1, nguy cơ thấp (vùng xanh); 12 đơn vị cấp độ 2 và một đơn vị cấp độ 3, nguy cơ cao (vùng cam).
Đáng lưu ý, huyện đảo Kiên Hải từ một địa bàn “vùng xanh” đã chuyển mầu nhanh chóng trở thành “vùng cam”. Đến nay, toàn tỉnh có 15.678 ca mắc Covid-19.