Thêm 5.490 ca Covid-19, số lượng F0 ở TP.HCM giảm
Tính từ 17h ngày 1/10 đến 17h ngày 2/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.490 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 5.477 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.464 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 3.004 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-947), Bình Dương (-270), Đồng Nai (-226).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (59), An Giang (23), Khánh Hòa (21).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.065 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 803.202 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.160 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 798.626 ca, trong đó có 659.759 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (395.052), Bình Dương (214.360), Đồng Nai (49.839), Long An (32.682), Tiền Giang (14.107).
Hơn 28.000 F0 khỏi bệnh, xuất viện
Theo thông tin của Bộ Y tế, trong sau 24 giờ qua, Việt Nam tiếp tục ghi nhận số người khỏi Covid-19 tăng cao (28.857 bệnh nhân). Tổng số ca được điều trị khỏi: 664.938.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.337 ca, trong đó có hơn 25 người phải can thiệp ECMO.
Trong ngày, nước ta ghi nhận 164 ca tử vong tại TP.HCM (123), Bình Dương (24), Đồng Nai (5), Long An (5), Kiên Giang (2), Quảng Ngãi (1), Tiền Giang (1), An Giang (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 165 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.601 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
***
Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội có nhiều diễn biến mới. Ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phát hiện 28 F0 liên quan Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nam Định, Hải Dương.
***
TP.HCM và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ TP.HCM, Bình Dương di chuyển tự phát về quê.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Thủ tướng đưa mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay bao phủ được hơn 90% người dân trên 18 tuổi tại tất cả địa phương và có kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em 12-17 tuổi.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng cùng với Hội đồng vắc-xin quốc gia họp, thảo luận và bước đầu đưa ra thống nhất xem vắc-xin nào có thể tiêm được cho trẻ em dưới 18 tuổi, vắc-xin nào không tiêm được.
20 ca mắc mới Covid-19 liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Trong ngày 2/10, Hà Nội ghi nhận 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, và thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 2/10, trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại khu phong tỏa và liên quan đến chùm ca bệnh Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Bệnh nhân là Đ.V.T., nam, sinh năm 1991, địa chỉ Yên Nhân, Yên Mô, Ninh Bình. Bệnh nhân là người chăm sóc người bệnh tại tầng 7, phòng 737, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 22-28/9, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương với xét nghiệm PCR âm tính.
Ngày 1/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh, có kết quả dương tính, sau đó bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để cách ly, điều trị và có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính ngày 2/10.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận tổng số 3.997 ca dương tính với SARS-CoV-2 (đã trừ đi 5 ca do Bệnh viện Đa khoa Medlatec xét nghiệm ngày 30/9), trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.394 ca.
Riêng chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đến nay đã ghi nhận tổng số 23 ca dương tính tại Hà Nội (trong đó có 11 người là của thành phố Hà Nội còn lại của các tỉnh, thành phố khác), phân bố tại Hoàn Kiếm (15), Hà Đông (2), Sóc Sơn (2), Ba Đình (1), Quốc Oai (1), Thanh Oai (1), Thanh Trì (1).
Hà Nam thêm 42 ca mắc Covid-19, có nhiều cán bộ y tế
Trong ngày 2/10, Hà Nam ghi nhận thêm 42 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, sáng 2/10 trên địa bàn ghi nhận 28 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong 28 trường hợp, có 11 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế, còn lại các trường hợp khác được phát hiện ở khu cách ly và phong tỏa.
Trong số này có 3 bệnh nhân là cán bộ y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hà Nam và 1 bệnh nhân là cán bộ y tế huyện Thanh Liêm.
Chiều tối cùng ngày, CDC Hà Nam công bố thêm 14 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh. Trong đó có đến 6 bệnh nhân là học sinh các trường tiểu học và THCS được phát hiện trong khu cách ly và khu vực đã phong tỏa.
Hậu Giang áp dụng Chỉ thị 19 từ 12h ngày 2/10/2021
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Chỉ thị số 1879, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Tỉnh về trạng thái bình thường mới, theo tinh thần Chỉ thị số 19 (trừ các khu vực, địa phương đang thiết lập vùng cách ly y tế, phong tỏa), áp dụng từ 12 giờ ngày 2/10/2021.
Theo đó, người dân trong Tỉnh được đi lại giữa các địa phương (trừ khu vực đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế) nhưng phải đảm bảo các biện pháp bắt buộc chung, đó là:
Thực hiện nghiêm quy định “5K”; người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xét nghiệm và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn của Bộ Y tế, đăng ký, cập nhật, tự đánh giá thường xuyên thông tin trên hệ thống antoancovid.vn.
Tăng cường các biện pháp giám sát dịch trên địa bàn quản lý; rà soát, bố trí các chốt kiểm soát, đảm bảo kiểm soát chặt người và phương tiện (thủy, bộ) ra vào Tỉnh; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Tiếp tục thực hiện quy định người dân không ra đường kể từ 20 giờ ngày hôm trước đến 04 giờ ngày hôm sau, trừ trường hợp: cấp cứu, thực thi công vụ, xử lý sự cố về điện, nước, thông tin liên lạc... Đồng thời kiểm soát, quy định cụ thể các đối tượng ra vào Tỉnh, gồm:
Người dân không tự ý đi ra ngoài Tỉnh, trường hợp cấp bách phải được sự cho phép (bằng văn bản) của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định được di chuyển ra, vào Tỉnh. Trường hợp khác phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với các nhà đầu tư đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang phải có văn bản gửi đến UBND tỉnh trước và đảm bảo các điều kiện: tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định; có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực; được bố trí ở và làm việc tại địa điểm lưu trú có phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Đối với người dân đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện) và có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực được vào Tỉnh nhưng khi đến/về địa phương phải thực hiện theo dõi sức khỏe tại nơi cách ly tập trung trong thời gian 07 ngày, thực hiện quy định 5K; thực hiện xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 2, ngày thứ 7, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 07 ngày.
Trường hợp người chưa tiêm hoặc tiêm 01 liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung từ ngoài tỉnh tự về, có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực thì phải cách ly tập trung 14 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung trong Tỉnh; thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày thứ 2, ngày thứ 7 và ngày thứ 14, sau đó tiếp tục theo dõi.
Thêm hai ca mắc mới là nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Theo CDC Hà Nội, có thêm 2 ca mắc số ca mắc mới được ghi nhận từ 6h ngày 2/10 đến 12h ngày 2/10.
Hai bệnh nhân mới này là nhân viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gồm chị V.H.T, sinh năm 1994, địa chỉ Thành Công, Ba Đình.
Bệnh nhân thứ hai là anh N.T.Đ, sinh năm 1991, địa chỉ Chương Dương, Hoàn Kiếm.
Bệnh nhân là nhân viên nhà ăn tại Bệnh viện Việt Đức. Ngày 1/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (CDC Hà Nội).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.996 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.393 ca.
Nhiều địa phương rà soát người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Liên quan đến việc phát hiện nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), nhiều địa đã phát thông báo khẩn rà soát người đến khám và điều trị tại bệnh viện này từ ngày 15/9 - 1/10 để kịp thời hỗ trợ.
Sở Y tế Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo các xã phường thị trấn, các đơn vị trên địa bàn thông tin tuyên truyền tới tất cả người bệnh, người nhà người bệnh, người có mặt tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 15/9 - 1/10 về Hải Phòng thực hiện khai báo y tế tại Trạm y tế xã, phường nơi lưu trú để được tư vấn, hướng dẫn làm xét nghiệm Covid-19.
Những người dân tại Hải Phòng sau khi tiếp xúc với người từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức về trong khoảng thời gian trên có dấu hiệu ho sốt, khó thở… thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.
***
Sở Y tế Hải Dương đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị y tế khẩn trương yêu cầu tất cả người dân đến bệnh viện nói trên từ ngày 15/9 đến nay phải khai báo y tế, khai báo trên các ứng dụng, hoặc khai báo qua đường dây nóng để được tư vấn. Trạm Y tế cấp xã lập danh sách theo dõi, quản lý, báo cáo các trường hợp này.
Những người từng đến, ở tòa nhà D, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (vùng đỏ), nếu sức khỏe bảo đảm phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày kể từ ngày cuối cùng đến, ở tòa nhà trên.
Nếu sức khỏe không bảo đảm, cần phải chăm sóc y tế thì cách ly tập trung tại khu cách ly người bệnh Covid-19; phải lấy mẫu 3 lần. Người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và xét nghiệm 2 lần.
Những người từng đến, ở các khu vực khác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (vùng vàng) phải cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm 2 lần. Những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến, về địa phương, xét nghiệm 2 lần.
Người tiếp xúc gần với các trường hợp trở về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được coi là F2, tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần. Nếu F1 xác định dương tính thì chuyển cách ly tập trung.
***
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa phát đi thông báo khẩn, đề nghị những công dân Thanh Hóa đã đến Bệnh viện này khám bệnh và điều trị từ ngày 15/9 đến ngày 1/10 liên lạc ngay đơn vị y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Những người đi đến làm việc, khám chữa bệnh hoặc chăm sóc người bệnh tại khoa phòng, tầng điều trị có bệnh nhân dương tính hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính thì xử trí như F1, cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 03 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc bất thường về sức khỏe, xử trí như ca nghi ngờ nhiễm Covid-19; với các trường hợp còn lại cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày rời khỏi bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
***
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Ninh đã có thông báo khẩn số 77 đề nghị những người từng đến làm việc, khám bệnh hoặc chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 40 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm từ 19/9 đến ngày 1/10 cần liên hệ ngay đến Trạm y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.
Cung cấp số điện thoại của những người đã tiếp xúc với mình. Thực hiện khái báo y tế tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn và hàng ngày cập nhật tình trạng sức khỏe. Cài đặt và sử dụng thường xuyên ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn.
Gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng tại tỉnh Bắc Ninh: 0965164919 hoặc số điện thoại tiếp nhận các thông tin về Covid-19 tại huyện thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Công bố danh sách sinh phẩm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh đã được cấp phép
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương công bố trên website của Sở, phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu để người dân dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, tiếp tục nâng cao ý thức người dân về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Hướng dẫn người dân chủ động, tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo, triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm theo vùng nguy cơ.
Tại khu vực nguy cơ thực hiện xét nghiệm định kỳ 5-7 ngày/1 lần; tại vùng bình thường mới thực hiện xét nghiệm khi cơ quan, đơn vị, người dân có nhu cầu hoặc theo đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế. Khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện tự lấy mẫu và xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.
Khi có kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh âm tính: tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Nếu kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và thông báo ngay kết quả dương tính xét nghiệm test kháng nguyên nhanh tới cơ sở y tế nơi sinh sống (trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh,...).
Hoặc đường dây nóng do cơ quan y tế trên địa bàn công bố hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin khai báo Covid-19 để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở hệ thống sẵn có, thành lập, duy trì, công bố trên website của Sở Y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.
Đồng thời công bố trên website của Sở Y tế, phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam và danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp các sinh phẩm này trên địa bàn để cơ quan, đơn vị và người dân dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả.
2 nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dương tính với Sars- CoV-2
Sáng 2/10, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 1/10 đến 6 giờ ngày 2/10, Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc Covid-19 trong khu vực phong tỏa liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Chỉ sau 3 ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, tới nay đã có 20 ca bệnh Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Các ca nhiễm mới gồm 2 nhân viên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 9 bệnh nhân và 6 người nhà chăm bệnh.
Như vậy, từ ngày 30/9 đến nay, có 20 ca Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Trong số các ca mắc mới có hai nhân viên của Bệnh viện là chị N.T.T., 41 tuổi, trú tại Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội. Người này được lấy mẫu xét nghiệm ngày 1/10 và cho kết quả dương tính với Covid-19.
Chị N.T.N.H., 29 tuổi, địa chỉ Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội. Chị H. làm việc tại tầng 7, đã tiêm chủng 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và không được xét nghiệm định kỳ hàng tuần.
Tới ngày 30/9, người này được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Một ngày sau, kết quả xét nghiệm khẳng định cho thấy chị H. nhiễm Covid-19.
15 trường hợp còn lại là bệnh nhân và người nhà chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.999 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế đề nghị Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức địa điểm cách ly, xét nghiệm
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc về việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bộ Y tế đề nghị Văn phòng UBND TP.Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức địa điểm cách ly y tế cho người nhà người bệnh, và khách sạn cho nhân viên y tế trong thời gian sớm nhất để bảo đảm công tác phòng chống dịch, công tác chuyên môn, điều trị, chăm sóc cho người bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ công tác xét nghiệm và các biện pháp phòng chống dịch khác cho bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đồng thời Bộ Y tế giao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và Sở Y tế Hà Nội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn.
TP.HCM: Tỷ lệ người trên 50 tuổi tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 đạt 60%
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính hết ngày 29/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là hơn 28.100 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung hơn 18.000 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 gần 33.000 người.
Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị hơn 3.000; số phụ nữ mang thai đang điều trị là 261; số ca xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay gần 207.000 người. Số ca tử vong trong ngày còn 96 người, giảm xuống dưới mốc 100 ca/ngày.
Phó giám đốc điều hành HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin mũi 2, đến nay, TP.HCM đã tiêm 60% mũi 2 cho nhóm người trên 50 tuổi. Như vậy, tỷ lệ tiêm 2 mũi cho nhóm này đã tăng 15% so với 2 ngày trước
Bình Dương cho phép nhiều dịch vụ hoạt động, khôi phục kinh tế
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa ký văn bản tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo nội dung văn bản, Bình Dương cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại; trong đó, mục sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 lĩnh vực được hoạt động.
7 nhóm hoạt động được mở lại:
Các cơ quan đơn vị Nhà nước được hoạt động với số lượng nhân sự phù hợp.
Các cơ quan, tổ chức, văn phòng hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng trụ sở tại Bình Dương.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập được hoạt động đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ có 9 lĩnh vực được hoạt động trở lại:
Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ gồm: Cung cấp lương thực, thực phẩm; dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu, sửa chữa; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; bưu chính, viễn thông; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của cơ quan, tòa nhà, chung cư;
Dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ rửa xe; các dịch vụ tiện ích như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải;
Bưu chính, viễn thông; in, xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cửa hàng sách, thiết bị văn phòng; đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập; công nghệ thông tin; thiết bị tin học; cửa hàng điện máy; cửa hàng mắt kính; cửa hàng thời trang, may mặc; cửa hàng vàng bạc đá quý và đồ trang sức;
Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa;
Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang đi; với nhà hàng trong cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet);
Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất và tối đa 10 người cùng thời điểm;
Hoạt động của văn phòng đại diện và chi nhánh thương nhân nước ngoài tại thành phố;
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics, dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, tư vấn thẩm định giá, kiểm toán, dịch vụ tài chính, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý - thanh lý tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động đất đai), chứng khoán; dịch vụ cầm đồ;
Các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm);
Đám cưới, đám tang trong nhà được tập trung tối đa 10 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia được tiêm đủ liều vaccine, đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 60 người. Nếu sự kiện ngoài trời được tập trung tối đa 15 người; trường hợp ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 90 người.
Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục dạy - học gián tiếp qua Internet, truyền hình; từng bước củng cố điều kiện để kết hợp dạy - học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã tiêm đủ liều vaccine có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo tiêu chí an toàn.
Hoạt động tập trung: Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo) được tối đa 10 người; nếu ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, được tập trung tối đa 60 người.
Hoạt động ngoài trời được tập trung tối đa 15 người; nếu ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, được tập trung tối đa 90 người.