Thêm 13.677 ca mắc Covid-19, giảm 829 người sau 24 giờ
Tính từ 16h ngày 1/12 đến 16h ngày 2/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới gồm 21 người nhập cảnh và 13.677 trường hợp trong nước.
So với hôm qua, số ca mắc giảm 829 người. Trong số này, 7.538 ca được ghi nhận tại cộng đồng.
Trong 60 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc ngày 2/12, chín nơi có số ca mắc cao trên 500 người: TP.HCM (1.738), Cần Thơ (985), Tây Ninh (768), Sóc Trăng (747), Bà Rịa - Vũng Tàu (637), Đồng Tháp (606), Vĩnh Long (594), Bến Tre (507), Bình Thuận (502).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (473.871), Bình Dương (283.287), Đồng Nai (88.230), Long An (38.404), Tây Ninh (30.125).
Trong ngày 2/12, Bộ Y tế công bố 13.258 ca khỏi Covid-19. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.600 ca.
Bộ Y tế cũng công bố thêm 210 người không qua khỏi, tăng 14 trường hợp so với hôm qua. Trong đó, TP.HCM có 80 người, bao gồm 9 trường hợp từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (1).
Các trường hợp còn lại ở: Đồng Nai (23), Cần Thơ (16), An Giang (14), Kiên giang (12), Long An (11), Tây Ninh (8), Bình Dương (8), Tiền Giang (8), Bạc Liêu (6), Đồng Tháp (5), Sóc Trăng (4), Bình Thuận (3), Khánh Hoà (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Hà Nội (1), Hà Giang (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1).
Trong ngày 1/12, 1.714.026 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 125.164.684 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.427.696 liều, tiêm mũi 2 là 52.736.988 liều.
Hà Nội: 509 ca nhiễm Covid-19 mới
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội chiều 1/12, trong 24 giờ qua, thành phố ghi nhận 509 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, F0 tại cộng đồng là 233 người. Số lượng còn lại là các bệnh nhân trong khu cách ly (198) và vùng phong tỏa (78).
Con số này tiếp tục vượt lượng ca nhiễm Covid được ghi nhận sau 24 giờ cao nhất tại Hà Nội từ trước đến nay của ngày 1/12 (469 ca).
Trong ngày, số lượng F0 được phát hiện tại 118 xã, phường thuộc 29/30 quận, huyện, gồm: Đống Đa (52), Gia Lâm (20), Sóc Sơn (15), Thanh Xuân (14), Hà Đông (12), Bắc Từ Liêm (11), Hoài Đức (11), Thường Tín (10), Ba Đình (9), Thanh Trì (9), Mỹ Đức (8), Hoàn Kiếm (7), Nam Từ Liêm (7), Chương Mỹ (6), Đan Phượng (6), Phúc Thọ (5), Thanh Oai (5), Hai Bà Trưng (4), Quốc Oai (4), Hoàng Mai (3), Mê Linh (3), Tây Hồ (3), Long Biên (2), Ứng Hòa (2), Ba Vì (1), Cầu Giấy (1), Đông Anh (1), Thạch Thất (1), Sơn Tây (1).
Như vậy, trong năm 2021, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 11.575 ca nhiễm, trong đó, F0 ngoài cộng đồng là 4.672, số mắc là người đã được cách ly là 6.903 ca.
Tính đến ngày 1/12, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc-xin cho người trên 18 tuổi ở Hà Nội đã đạt 89,77% với 12.188.604 liều được tiêm.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tăng cao, đặc biệt là số ca bệnh nhẹ, không triệu chứng.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đảm bảo đáp ứng công tác y tế kịp thời, thành phố quyết định thực hiện điều trị F0 tại nhà song song với việc điều trị tại trạm y tế lưu động tại xã, phường.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay, để điều trị F0 tại nhà, Hà Nội đã chuẩn bị các phương án, kịch bản từ rất sớm, song hiện mới là thời điểm thích hợp để thành phố triển khai việc này.
Vĩnh Phúc: Nhiều F0 liên quan đám cưới
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng rất phức tạp vì liên quan đến đám cưới có nhiều người từ các địa phương khác tới tham dự.
Trước tình trạng lộn xộn trong việc cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, TP.HCM yêu cầu các cơ sở chấn chỉnh. |
Theo đó, tại thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo) đã phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 toàn dân do trên địa bàn xuất hiện F0 trong đám cưới.
Ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại đám cưới trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Tam Đảo đã khẩn trương khoanh vùng, xét nghiệm toàn bộ người dân tổ dân phố Sơn Long, thị trấn Hợp Châu và những trường hợp có tiếp xúc, liên quan đến ca bệnh.
Huyện đã rà soát, xác định 214 trường hợp F1, trong đó, có 97 trường hợp là ngoài địa bàn tổ dân phố Sơn Long; lấy mấu test nhanh 907 trường hợp cho người dân tổ dân phố Sơn Long và lấy 166 mẫu xét nghiệm CT-PCR là các trường hợp F1, F2 có tiếp xúc gần với 2 ca F0 trên.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Tam Đảo nhận định, đây là những ca bệnh phát hiện trong cộng đồng rất phức tạp vì liên quan đến đám cưới có nhiều người từ các địa phương khác tới tham dự, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đang khẩn trương rà soát các trường hợp liên quan để xét nghiệm tầm soát, khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
Thị trấn Hợp Châu đã phong tỏa toàn bộ tổ dân phố Sơn Long, lập 6 chốt kiểm soát dịch bệnh ra vào tổ dân phố. Các trường học trên địa bàn thị trấn đã tạm dừng dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy học trực tuyến đối với các khối tiểu học và THCS.
Cần Thơ rà soát tỷ lệ tiêm vắc-xin
Ngày 1/12, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Cần Thơ.
Thành phố tự đánh giá đang ở cấp độ dịch 3, tuy nhiên do không đạt tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin, nên áp dụng cấp độ dịch trên địa bàn thành phố là cấp 4.
Về năng lực xét nghiệm, hiện Thành phố có 13 cơ sở xét nghiệm với công suất tối đa hơn 8.200 mẫu đơn/ngày. Thành phố đã triển khai cách ly F1 và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Hiện Cần Thơ hiện đang triển khai điều trị F0 tại nhà với các gói thuốc A,B, C. Lực lượng y tế tại các trạm y tế phường rất mỏng, Thành phố đã kích hoạt 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 trạm y tế lưu động với sự trợ giúp nhân sự của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Tại đây, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp, nhưng số F0 sử dụng thuốc này chưa nhiều. Trong những ngày qua, số lượng ca mắc mới tăng nhiều, số ca cần cấp cứu có xu hướng tăng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, việc tăng ca nhiễm đã được tiên liệu trước, tuy nhiên khi đã tiến hành bao phủ vắc-xin với tỷ lệ cao và có thuốc đặc trị, thì phải giảm tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, giảm số ca trở nặng và giảm số lượng tử vong.
Về đánh giá cấp độ dịch của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP.Cần Thơ xem xét lại tỷ lệ người trên 50 tuổi đã được tiêm vắc-xin, nếu đã đủ 80% người trên 50 tuổi được tiêm vắc-xin thì hạ cấp độ dịch xuống cho phù hợp với tình hình dịch thực tế.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát dịch tại các địa bàn, các khu vực tụ tập đông người, các đầu mối giao thông, các doanh nghiệp, nhà máy để phát hiện sớm để tách F0 khỏi cộng động.
Tại các bệnh viện phải được đảm bảo an toàn, đặc biệt các khoa có bệnh nhân dễ bị tổn thương như khoa bệnh phổi, khoa lão, khoa sản... phải theo dõi tầm soát cao hơn Các nhân viên y tế cũng cần được ưu tiên tầm soát để đảm bảo an toàn điều trị bệnh nhân.
Thứ trưởng yêu cầu khi địa phương đã thực hiện bao phủ 2 mũi vắc-xin có thời gian đủ 2 tuần sau mũi tiêm thứ 2, thì việc xét nghiệm không nên lặp lại nhiều lần. Đảm bảo xét nghiệm hợp lý, hiệu quả, khoa học, tiết kiệm chi phí.
Về tiêm chủng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về mũi tiêm nhắc lại, Cần Thơ cần nghiên cứu và đề xuất kế hoạch để bố trí tiêm cho phù hợp.
TP.HCM chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19
Chiều 1/12, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến Trung tâm y tế, Phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức; cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị của người bệnh Covid-19, hiện các thuốc kháng virus không có nguồn gốc, xuất xứ đang được chào bán trên mạng với giá cao.
Việc kinh doanh trái phép các thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ.
Để tăng cường kiểm soát hoạt động cấp phát thuốc cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà và hoạt động kinh doanh thuốc, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức hướng dẫn, tập huấn cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động khám bệnh, chỉ định cấp phát thuốc và tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà theo đúng quy định.
Thực hiện quản lý, kiểm soát việc sử dụng thuốc của người bệnh Covid-19 trên địa bàn, tránh thất thoát thuốc kháng virus được cấp phát ra ngoài thị trường.
Đối với cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu không kinh doanh thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, thuốc sử dụng trong chương trình thử nghiệm, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sở Y tế đề nghị các Phòng Y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường tiếp nhận thông tin về việc kinh doanh các thuốc kháng virus trôi nổi trên địa bàn quản lý; Tổ chức kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Hà Nội khẩn tìm người tới 10 chợ, quán ăn uống, hiệu thuốc
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thạch Thất ngày 1/12 phát đi thông báo tìm người tới 10 địa điểm liên quan tới 3 ca Covid-19 vừa phát hiện trên địa bàn huyện.
Hàng bán thịt, rau chợ Hương Ngải - xã Hương Ngải, thời gian: 9h30 ngày 26/11 và ngày 28/11.
Quán trà đá chị Hà, tại cổng trường Việt Hung- xã Bình Phú, thời gian từ 16h30 đến 17h30 các ngày 26, 28, 29/11.
Chợ Săn Thị trấn Liên Quan (hàng thịt, rau ở khu vực phía ngoài cổng chợ chính), thời gian từ 8h00 đến 9h00 ngày 27/11 và ngày 29/11.
Quán trà đá (chủ quán là phụ nữ khoảng trên 60 tuổi), gần Thế giới di động - Điện máy xanh Thạch Thất, thời gian từ 10h00 đến 10h45 ngày 28/11 và ngày 30/11.
Quán tạp hóa Hùng Chi - thôn 4, xã Hương Ngải, thời gian từ 9h30 ngày 29/11.
Quán gội đầu HeArts-HT thôn 5 - xã Canh Nậu, thời gian từ 9h30 đến 11h00 ngày 30/11.
Hiệu thuốc Thắng Nụ - thôn 2, xã Hương Ngải, thời gian từ 11h30 ngày 30/11
Quán trà đá cách cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất về phía bên phải khoảng 30m, thời gian từ 16h30 đến 16h45 ngày 30/11.
Siêu thị Vinmart - số nhà 17, đường 419, Thị trấn Liên Quan (gần cầu Đồng Mô 1- đi về hướng Nhà thờ Phú Nghĩa, phía bên phải), thời gian từ ngày 24/11 đến ngày 30/11.
Nhà chị Ngọc bán gà, chị Liên Vinh bán thịt tại chợ cổng Sông- thôn làng Kim 1- xã Kim Quan, thời gian 9h00 ngày 28/11.
Hà Nội đề nghị những người đến các địa điểm trên, cần chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với Trạm y tế xã, thị trấn để được hướng dẫn hoặc gọi điện đến đường dây nóng của Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất: 0868.458.522 hoặc 0974.847.464.
Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Bình Phước: Công bố nguyên nhân bé trai 12 tuổi tử vong sau tiêm vắc-xin
Ngày 1/12, Sở Y tế Bình Phước tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn để đánh giá nguyên nhân bé Đ.T. (12 tuổi, ngụ ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) tử vong sau tiêm vắc-xin.
Buổi họp có sự tham gia của Sở Y tế Bình Phước, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Bình Phước và Bệnh viện Quân dân y 16.
Hội đồng chuyên môn kết luận quy trình tổ chức tiêm chủng, bảo quản và sử dụng vắc-xin đúng theo quy định của Bộ Y tế. Nguyên nhân bé trai tử vong do sốc phản vệ độ 4 trên cơ địa nhạy cảm, tình trạng sốc nặng kéo dài dẫn đến thiếu máu và tổn thương cơ tim (viêm cơ tim), phổi, thần kinh và các cơ quan khác.
Sở Y tế Bình Phước cho biết vắc-xin mà địa phương triển khai tiêm cho bé T. là loại Pfizer-BioNTech (lô FK0888) có hạn dùng đến tháng 2/2022.
Xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú) được phân bổ 300 liều tiêm cho trẻ 12-15 tuổi trên địa bàn. Trong đó, 204 liều đã được sử dụng, còn 96 liều đang bảo quản tại trạm y tế xã. Trừ trường hợp tai biến của bé T., 203 trẻ cùng tiêm lô vắc-xin trên không ghi nhận phản ứng.
Theo báo cáo, khoảng 14h ngày 29/11, bé Đ.T. được mẹ đưa ra trạm Y tế xã Tân Lợi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Khi ra điểm tiêm, cán bộ y tế đều làm đúng các quy trình, như hướng dẫn khai báo thông tin, ghi vào phiếu, tư vấn, khám sàng lọc…
15h30 cùng ngày, cán bộ y tế tổ chức tiêm vắc-xin cho T. Sau đó, T. được đưa ra khu vực riêng theo dõi 30 phút. Nửa tiếng sau, bé T. được mẹ chở về nhà.
Khoảng 17h30 cùng ngày, sau khi ăn cơm, bé T. bắt đầu nôn ói, đi cầu, có biểu hiện mệt, khó thở. Đến 19h, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Quân dân y 16 cấp cứu.
Tại đây, T. được chẩn đoán sốc phản vệ độ III và đến 1h10 ngày 30/11, chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Do chuyển biến xấu, bé T. được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ngay trong đêm. Đến 5h cùng ngày, bé không qua khỏi.