Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 24/10: Tiêm 3 liều vắc-xin Abdala cho người từ 19-65 tuổi
D.Ngân - 24/10/2021 09:01
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vắc-xin phòng Covid-19 Abdala, lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Mỗi liều 0,5ml, tiêm bắp.

Số F0 tại Việt Nam và TP.HCM tăng sau 24 giờ

Tổng số người mắc Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam trong ngày 24/10 là 4.028 trường hợp, tăng 667 ca so với ngày trước đó.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-176), Tiền Giang (-78), Phú Thọ (-41).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+296), TP.HCM (+217), Đắk Lắk (+193).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.544 ca/ngày.

Hiện Việt Nam có 884.177 người mắc Covid-19 (tính từ 27/4), trong đó, 803.161 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (425.121), Bình Dương (228.840), Đồng Nai (61.532), Long An (34.227), Tiền Giang (15.626).

Trong ngày 24/10, Việt Nam ghi nhận 1.314 người khỏi Covid-19 và 53 ca tử vong tại TP.HCM (30), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (2), An Giang (2), Tây Ninh (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 68 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.673 người, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 89.574 xét nghiệm cho 186.901 lượt người.

Trong ngày 23/10, 936.739 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 72.929.311 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.883.474 liều, tiêm mũi 2 là 21.045.837 liều.

***

Ngày 24/10, UBND TP.HCM có thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn. Tính chung toàn TP.HCM, dịch đang ở cấp độ 2. Tại 22 địa phương cấp huyện, 9 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình), 1 địa phương ở cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao).

Sớm trình Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 276/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo xử lý trong phòng chống dịch sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Thông báo nêu rõ, các địa phương, các bộ ngành đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt là các địa phương vừa phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh vừa phải đảm bảo lưu thông thuận tiện trong khi tỷ lệ người đến từ một số khu vực đã bị nhiễm nặng vừa qua được phát hiện là khá cao.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan tới cơ chế tài chính; mua sắm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy một mặt các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, mặt khác các bộ ngành trung ương cần khẩn trương bám sát thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, hỗ trợ thực chất cho các địa phương.

Bộ Y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trong cả nước, đặc biệt tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tái bùng phát dịch cao.

Tiếp tục rà soát, cập nhật hướng dẫn về các tiêu chí phân loại, đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình trong đó lưu ý thực trạng một số tỉnh, thành phố vừa qua dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng nên dù đã kiểm soát được dịch bệnh (theo tiêu chí hiện hành do Bộ Y tế hướng dẫn) nhưng rủi ro mầm bệnh trong cộng đồng cao hơn các địa phương khác.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số địa phương về việc cần xác định các địa bàn tuy không thuộc vùng phong tỏa, cấp độ nguy cơ cao, rất cao (theo tiêu chí do Bộ Y tế hướng dẫn) nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp dịch tễ cần thiết, phù hợp (như xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế...) đối với người đi từ các địa bàn này để tránh dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác trong cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19; Kế hoạch đảm bảo vắc-xin, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Hướng dẫn thủ tục cung cấp vắc-xin sản xuất tại Việt Nam. Đôn đốc các đơn vị liên quan trong ngành Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để thúc đẩy tiến độ các dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế để có thể chủ động đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện phân bổ vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung trước một bước cho các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn và các địa bàn có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh cần phải bảo đảm không ngưng trệ, đứt gẫy, hoặc phải tái khởi động lại. Tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức tiêm vắc-xin khẩn trương, an toàn.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc đã có chủ trương của cấp trên.

Đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch, trong đó chú ý: Cơ chế, nguồn thanh toán lương và các chi phí cho các cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) tham gia chống dịch; cơ chế thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 trong các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt các bệnh nhân có nhiều bệnh.

Hà Nội: 4 ca dương tính với Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22/10 đến 18h ngày 23/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4 ca dương tính, trong đó có 3 ca đã được cách ly và 1 ca cộng đồng.

Các bệnh nhân được phân bố tại 2 quận, huyện: Thường Tín (3), Đống Đa (1) và phân bố theo các chùm ca: Chùm ca bệnh liên quan đến các tỉnh có dịch (1), chùm ca bệnh thứ phát liên quan các tỉnh có dịch (2), chùm sàng lọc ho, sốt (1). Cụ thể:

Một bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt: Bệnh nhân T.V.H, nam, sinh năm 2002, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. BN làm nghề cắt tóc tại salon số 36A Trần Quang Diệu, quận Đống Đa.

Ngày 19/10, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt. Ngày 22/10, bệnh nhân khám tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và được làm test nhanh dương tính.

Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu gửi đến CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định và ngày 23/10, có kết quả RT-PCR dương tính.

Một bệnh nhân thuộc chùm liên quan các tỉnh có dịch: Bệnh nhân Đ.P.A, nữ, sinh năm 2000, ở xóm 3 Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Bệnh nhân và con gái từ TP.HCM về đến Hà Nội ngày 13/10, được xét nghiệm âm tính và cách ly tại nhà.

Ngày 19/10, sau khi con gái (là bệnh nhân T.K.M) có kết quả dương tính, bệnh nhân A được chuyển đến cách ly và chăm sóc con tại Bệnh viện Đức Giang. Ngày 22/10, bệnh nhân A được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Hai bệnh nhân thuộc chùm thứ phát liên quan các tỉnh có dịch:

Bệnh nhân 1 - Bệnh nhân 2: N.T.H, nữ, sinh năm 1966; T.Q.D, nam, sinh năm 1963, ở xóm 3 Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Hai bệnh nhân là F1 (ông, bà) của bệnh nhân T.K.M (về từ TP.HCM). Ngày 19/10, các bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung và xét nghiệm âm tính. Ngày 22/10, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính (do CDC Hà Nội thực hiện).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.151 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.609 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.542 ca.

Vĩnh Long gỡ bỏ toàn bộ chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký ban hành công văn về việc tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Vĩnh Long tạm dừng hoạt động của các chốt kiểm soát phòng chống dịch của tỉnh tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 24/10/2021 cho đến khi có thông báo mới. Người về, đến tỉnh Vĩnh Long phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được quy định tại Công văn số 4506 ngày 17/10/2021 của Sở Y tế.

UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện, thị, thành chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng y tế, công an, quân sự và các lực lượng có liên quan rà soát, bố trí các “Điểm khai báo y tế phòng chống dịch COVID-19” phù hợp tại các vị trí cửa ngõ ra, vào địa bàn huyện (không nằm trên tuyến quốc lộ) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện việc khai báo y tế khi về, đến địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế khi về, đến địa phương theo quy định.

Lực lương Công an tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các tổ tuần tra lưu động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định công tác phòng chống dịch.

Sở Giao thông vận tải cần phối hợp Công an tỉnh, UBND cấp huyện bảo quản tài sản, cơ sở vật chất tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch của tỉnh theo quy định để có thể kích hoạt lại ngay khi cần thiết. Sở Thông tin - Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nhân dân biết, thực hiện.

Theo CDC Vĩnh Long, số ca nhiễm trong ngày hôm qua đã giảm chỉ còn 15 ca, được khám và sàng lọc cách ly kịp thời, nâng tổng số ca mắc đến nay là 2536 ca, điều trị khỏi 2.334 ca, 45 ca tử vong. Đã tiêm vacxin mũi 1 cho 632.123 người và mũi 2 cho 137.756 người.

Abdala được chỉ định tiêm cho người từ 19- 65 tuổi

Vắc-xin chống chỉ định cho người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin (bao gồm cả thiomersal). 

Lịch tiêm Abdala gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Mỗi liều 0,5ml, tiêm bắp.

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 Abdala: người mắc bệnh mạn tính, tự miễn dịch hoặc bệnh chuyển hóa nội tiết: phải cân nhắc trước khi tiêm; người bệnh tăng huyết áp: nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp; người đang bị nhiễm trung cấp tính: Hoãn tiêm chủng vắc-xin Abdala cho đến khi giải quyết hết được tình trạng nhiễm trùng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các phản ứng sau tiêm thể nhẹ chiếm 97% phản ứng sau tiêm chủng và không phải điều trị bằng thuốc, thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau tiêm vắc-xin. 

Các tác dụng không mong muốn xảy ra cao hơn sau liều đầu tiên và giảm sau các liều tiếp theo. 

Vắc-xin này đã được sử dụng hơn 3 triệu liều trong cộng đồng, ghi nhận rất hiếm các trường hợp phản vệ, không có trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến tiêm chủng.

Vắc-xin Abdala đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/9. 

Đây là vắc-xin phòng Covid-19 thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Vắc-xin Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba.

Lô vắc-xin phòng Covid-19 Abdala của Cuba gồm 1.050.000 liều đầu tiên đã được bàn giao cho Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Trong số 1.050.000 liều vắc-xin, có 900 nghìn liều nằm trong hợp đồng mua 10 triệu liều mà Việt Nam đã ký với Trung tâm Kỹ thuật sinh học và di truyền Cuba. 150.000 liều vắc-xin còn lại là quà tặng của Cuba.

Người nào cần thận trọng khi tiêm vắc-xin Hayat-Vax?

Bộ Y tế hướng dẫn vắc-xin Hayat-Vax cần thận trọng sử dụng tiêm cho người có bệnh lý về máu, bị chứng động kinh không kiểm soát và các rối loạn thần kinh tiến triển khác.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 22/10, vắc-xin phòng Covid-19 Hayat-Vax được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, mỗi người được tiêm 2 mũi cách nhau 2-4 tuần. Mỗi liều 0,5 ml, tiêm bắp. Đặc biệt, có thể sử dụng vắc-xin Hayat-Vax để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin Sinopharm.

Về tương tác của vắc-xin này với loại khác, hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết hiện chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Hayat-Vax tiêm cùng với các loại khác.

Những người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào (hoạt chất, tá dược) có trong thành phần của vắc-xin hoặc người có phản ứng dị ứng mạnh với lần tiêm vắc-xin này trước đó thuộc đối tượng chống chỉ định dùng Hayat-Vax.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng chỉ rõ vắc-xin này cần thận trọng sử dụng tiêm cho các đối tượng như: Những người có bệnh lý về máu như giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; Người bị chứng động kinh không kiểm soát và các rối loạn thần kinh tiến triển khác.

goài ra, người đang điều trị ức chế hệ thống miễn dịch hoặc mắc chứng suy giảm miễn dịch thì phản ứng miễn dịch với vắc-xin có thể bị giảm. Những người này nên trì hoãn tiêm chủng cho đến khi kết thúc đợt điều trị.

Về phản ứng sau tiêm của vắc-xin này cho thấy đau tại chỗ tiêm là phản ứng rất phổ biến. Bên cạnh đó, người tiêm có thể gặp phản ứng thường gặp khác như: Cơn đau thoáng qua, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy; đỏ, sưng, ngứa và chai cứng chỗ tiêm.

Những trường hợp phát ban da tại chỗ tiêm; buồn nôn và nôn, ngứa tại chỗ không tiêm, đau cơ, đau khớp, buồn ngủ, chóng mặt... ít gặp hơn. Hiện chưa quan sát thấy có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan vắc-xin.

Trước đó, ngày 10/9, vắc-xin Hayat-Vax đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Đây là vắc-xin Covid-19 thứ 7 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp.

Vắc-xin do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc-xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Ngày 16/9, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 30 triệu liều vắc-xin Hayat-Vax và ngày 28/9, một triệu liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên đã được nhập về Việt Nam.

Bình Dương: Hơn 99% bệnh nhân Covid-19 xuất viện

Theo Sở Y tế Bình Dương, ngày 23/10 tỉnh này ghi nhận 517 ca mắc Covid-19 qua xét nghiệm RT-PCR (tăng 46 ca so với ngày 22/10) và phát hiện 679 trường hợp nghi nhiễm qua test nhanh (giảm 146 ca so với ngày 22/10). 

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 228.316 ca mắc Covid-19

Tích lũy đến nay, toàn tỉnh đã có 226.536 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, khỏi bệnh, chiếm hơn 99% tổng số ca nhiễm trong toàn đợt dịch.

Hiện toàn tỉnh đang điều trị cho 8.534 bệnh nhân, trong đó có 4.186 người có sức khỏe bình thường, 1.082 người có bệnh nền, 1.332 người có triệu chứng nhẹ (sốt, ho, đau họng) và 319 người diễn tiến nặng (suy hô hấp, thở máy...).

Tính đến ngày 23/10, Bình Dương đã tiêm được 3.637.357 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; trong đó có 2.315.917 người tiêm mũi 1, chiếm 97,2% tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên và 1.321.440 người tiêm mũi 2, chiếm 55,4% tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên.

Cảnh báo biến chủng mới của Sars-Cov-2

Sau thời gian ngắn phát hiện biến chủng AY.4.2, giới chức y tế Anh đã tuyên bố có một số bằng chứng cho thấy nó lây lan mạnh hơn Delta.

Reuters đưa tin Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh thông báo họ đã chỉ định biến chủng phụ của Delta - AY.4.2 - là biến chủng đang được điều tra (Variant Under Investigation - VUI). Đại diện cơ quan này cũng nhấn mạnh có một số bằng chứng cho thấy AY.4.2 có thể lây truyền nhiều hơn Delta.

Dù vậy, trong cảnh báo mới nhất, giới chức y tế Anh vẫn khẳng định vẫn chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng AY.4.2 gây bệnh nặng hơn hoặc khiến vắc-xin Covid-19 kém hiệu quả.

Còn theo RTE, AY.4.2 xuất hiện khi hệ số lây nhiễm (R) hàng tuần ở Anh ước tính tăng lên 1,2. Hệ số R rơi vào 1-1,2 có nghĩa cứ 10 người nhiễm bệnh, trung bình họ sẽ lây virus cho 10-12 người. 

Tuần trước, ước tính R ở Anh chỉ từ 0,9 đến 1,1. Tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất nằm ở trẻ em ở lứa tuổi trung học, chiếm 7,8% tổng số ca nhiễm mới.

Trước đó, Financial Times dẫn lời TS Jeffrey Barrett, Viện Wellcome Sanger ở Cambridge, Anh, nhận định AY.4.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 10-15% so với biến chủng Delta ban đầu. Tuy nhiên, lúc này, vị chuyên gia cho rằng biến chủng phụ của Delta không phải là nguyên nhân khiến Anh gia tăng số ca mắc mới trong thời gian gần đây.

Chỉ ít ngày sau đó, giới chức y tế Anh đã phải thay đổi cảnh báo và khẳng định đang theo dõi, điều tra sát sao, đánh giá liên tục AY.4.2.

Theo BBC News, AY.4.2 là một trong 45 dòng phụ của biến chủng Delta đang lây lan ở Anh. Báo cáo cho thấy vào tuần bắt đầu từ ngày 27/9 - tuần gần nhất có các dữ liệu giải trình tự gene hoàn thiện - biến chủng AY.4.2 chiếm khoảng 6% các ca nhiễm virus corona đã được giải trình tự gene.

AY.4.2 chứa hai đột biến trong protein gai, được gọi là A222V và Y145H. Protein gai nằm bên ngoài virus corona và giúp virus xâm nhập vào tế bào. GS Ravi Gupta, Đại học Cambridge, cho hay những đột biến này của AY.4.2 chưa đáng quan ngại.

Nga là quốc gia mới nhất phát hiện ca nhiễm biến chủng AY.4.2. Theo ông Kamil Khafizov, nhà khoa học hàng đầu của Nga, biến chủng AY.4.2 đã lan rộng, là nguyên nhân khiến số ca mắc cũng như tử vong vì dịch bệnh ở Nga lập kỷ lục.

AY.4.2 đã xuất hiện tại một số nước châu Âu và được giải mã lần đầu tiên hồi tháng 4/2020. Ngoài châu Âu, Israel và Anh, theo Newsweek, cơ sở dữ liệu báo cáo virus GISAID, trang theo dõi Outbreak thống kê Mỹ, Canada, Astralia, Nhật Bản, Đan Mạch, đã phát hiện các ca nhiễm biến chủng mới.

Tin liên quan
Tin khác