Thêm 9.342 người mắc Covid-19 mới
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, ngày 27/9, các ổ dịch ghi nhận thêm 9.342 người mắc Covid-19 mới.
TP.HCM và Bình Dương có số ca mắc Covid-19 trong ngày dẫn đầu cả nước. Số F0 tại TP.HCM giảm trong khi Bình Dương tăng.
Tính từ 17h ngày 26/9 đến 17h ngày 27/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.362 ca nhiễm mới, trong đó, 20 người nhập cảnh và 9.342 trường hợp ghi nhận trong nước (giảm 669 ca so với ngày trước đó). Trong số này, 4.453 ca được phát hiện tại cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-987), Đồng Nai (-130), Bình Phước (-26).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (461), An Giang (50), Tây Ninh (43).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.035 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 766.051 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca nhiễm).
Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 761.527. Trong đó, 533.275 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (375.794), Bình Dương (203.989), Đồng Nai (46.283), Long An (31.979), Tiền Giang (13.845).
Lượng F0 được xuất viện cao hơn số ca mắc mới
Trong ngày 27/9, Bộ Y tế công bố 10.528 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 538.454 người.
Cùng ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 174 ca tử vong tại TP.HCM (122), Bình Dương (32), Tây Ninh (4), An Giang (4), Đồng Nai (4), Cần Thơ (3), Đồng Tháp (2), Tiền Giang (1), Bình Thuận (1), Đà Nẵng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 208 người. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.758 người, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,0%).
Trong ngày 26/9, 865.610 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 39.232.772 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.946.214 liều, tiêm mũi 2 là 8.286.558 liều.
Hà Nội phát hiện 4 người nhiễm Covid-19
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 26/9 đến 18h ngày 27/9, Thành phố đã ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Người đầu tiên là chị B.K.L., 38 tuổi, trú tại ngõ Hòa Bình 2, Minh Khai, Hai Bà Trưng. Người này vào chăm con tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang từ ngày 31/8 và trở thành F1. Kết quả xét nghiệm mới đây của chị L. cho thấy người này nhiễm nCoV.
Trường hợp thứ 2 là chị T.T.T., 21 tuổi, ngụ Thịnh Liệt, Hoàng Mai. Người này là F1 và được cách ly tập trung từ ngày 19/9. Chị T. có triệu chứng của bệnh từ ngày 25/9 và được chuyển tới Bệnh viện Đông Anh điều trị.
Người thứ 3 là chị T.T.T., 35 tuổi, có địa chỉ ở Ngọc Thụy, Long Biên. Chị T. cũng là F1, vào chăm con tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang từ ngày 18/9.
Trường hợp cuối cùng là anh N.M.Q., 30 tuổi, trú tại khu vực ổ dịch Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Anh Q. được chuyển cách ly tập trung từ ngày 1/9 theo kế hoạch giãn dân. Tới ngày 21/9, người này được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để chăm con và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 ngày 24/9.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, một số ổ dịch trên địa bàn Thành phố đang có những diễn biến phức tạp gồm: Thanh Xuân Trung (595 ca nhiễm), Văn Miếu (120), Văn Chương (100), Minh Khai (61), chung cư A1-A4-A5 khu đô thị Đền Lừ (28), tổ 4 Việt Hưng (27), chung cư Đồng Phát (5).
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.969 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Từ ngày 28/9, UBND Hà Nội cho phép người dân thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người. Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa.
Trong khi đó, tại TP.HCM, từ 0h ngày 16/9, Thành phố tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động, lên phương án mở lại các chợ.
Bộ Y tế nghiêm cấm mọi hành vi thu phí, trục lợi tiêm vắc-xin Covid-19
Bộ Y tế đã có Công điện số 1478/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Công điện của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành nêu rõ, ngày 24/8/2021, Bộ Y tế cũng đã có Công điện số 1242/CĐ-BYT gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học về việc chấn chỉnh công tác tiêm vắc-xin Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Công điện số 6741/CĐ-VPCP ngày 22/9 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 điện thủ trưởng các đơn vị tiếp tục thực hiện tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Tại Công điện 1478, Bộ Y tế tiếp tục nghiêm cấm mọi hành vi thu phí, trục lợi từ tiêm vắc-xin Covid-19 dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời nhấn mạnh thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại đơn vị mình.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng bảo đảm diện bao phủ vắc-xin.
Không xem nhẹ điều trị hậu Covid-19
Sau những ngày vật lộn với bệnh Covid-19, hàng loạt bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng chưa ổn định về tinh thần cũng như các bệnh nền nguy cơ bùng phát trở lại. Bởi vậy, điều trị hậu Covid-19 không thể xem nhẹ.
Để kịp thời ngăn chặn các di chứng hậu Covid-19, Bệnh viện Thống Nhất đã thành lập Khoa hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị Covid-19. Quy mô bước đầu ban đần 20 giường, nhưng đến nay bệnh nhân luôn tăng gấp 2 lần số giường.
Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho biết, việc phục hồi cả tinh thần, tâm lý người bệnh sau khi khỏi Covid-19 được Bệnh viện quan tâm.
Bệnh nhân muốn vào điều trị hậu Covid-19 cần được xét nghiệm lại. Nếu có kết quả âm tính hẳn sẽ sàng lọc kỹ và mời các chuyên khoa như tim mạch, hô hấp, thận, xương khớp… đến thăm khám và lên phương án điều trị.
Sau điều trị Covid-19, đa số bệnh nhân đều suy nhược cơ thể, nên điều trị kết hợp giữa đông y và tây y đang thể hiện rõ hiệu quả ở Bệnh viện Thống Nhất.
Điều trị hậu Covid-19 chính là mô hình tiếp nối các giai đoạn đầu để phục hồi bệnh nhân một cách toàn diện. Đến nay, Bệnh viện Thông Nhất có khá đầy đủ máy móc lẫn trang thiết bị, thuốc men phục vụ cho điều trị hậu Covid-19.
Nhiều bệnh nhân có tinh thần bất ổn được điều trị hậu Covid-19 chia sẻ rằng, vượt qua được thời điểm nguy kịch là niềm mong mỏi của tất cả người nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, những ngày triền miên bên máy thở, máy theo dõi sinh tồn đã để lại nỗi ám ảnh không nguôi. Bên cạnh đó, ở những người tuổi cao, bệnh nền nhiều đã tác động xấu đến sức khỏe. Thế nên lựa chọn điều trị hậu Covid-19 sẽ nhanh chóng đưa người bệnh trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như lúc chưa bị nhiễm Covid-19.
TP.HCM đề nghị cấp mã số cho F0 test nhanh dương tính
Ngày 26/9, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế về việc cấp mã số bệnh nhân cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính.
Trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, TP.HCM đã thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện sớm các ca dương tính và đưa vào chăm sóc, điều trị.
Từ ngày 20/8 đến nay, toàn Thành phố có khoảng 150.000 trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính được phát hiện. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay, chỉ những trường hợp có xét nghiệm rRT-PCR mới được lấy mã số.
Để có cơ sở chính thức báo cáo các trường hợp test nhanh dương tính, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế chấp thuận công bố chính thức số ca test nhanh kháng nguyên dương tính như ca khẳng định.
Từ ngày từ 15/8 đến 15/9, Sở Y tế đã triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn theo Kế hoạch 2716 của UBND TP.HCM.
Tiếp sau đó, Sở Y tế cũng thực hiện chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại TP.HCM về các biện pháp cụ thể trong công tác xét nghiệm giai đoạn 20-30/9. Hiện tại, Thành phố tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư qua nhiều đợt.
Từ 22/9, Thành phố bước vào đợt cao điểm xét nghiệm. Trong đó, vùng đỏ, cam xét nghiệm 2 ngày/lần tất cả người dân. Vùng vàng và xanh xét nghiệm 4 ngày/lần cho đại diện hộ gia đình.
Trong 4 ngày, ngành y tế đã lấy mẫu 2 đợt ở cả 4 vùng. Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ dương tính giảm dần qua từng đợt. Từ ngày 22/9 đến 25/9, tỷ lệ dương tính giảm từ 0,4% xuống 0,2% trên toàn Thành phố.
Thêm 1,3 triệu liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca về Việt Nam
Trưa 27/9, hơn 1,3 triệu liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca Việt Nam mua thông qua VNVC đã được bàn giao cho Bộ Y tế, kịp thời tăng cường cho Bộ Y tế và các địa phương chống dịch.
Đến hiện tại tổng số vắc-xin cung cấp cho tiêm chủng từ VNVC lên gần 15 triệu liều, trong đó có trên 5 triệu liều về riêng trong tháng 9.
Tính đến trưa 27/9, toàn quốc đã tiêm chủng được trên 39,32 triệu liều vắc-xin Covid-19, đã nhận trên 54 triệu liều vắc-xin, tính đến ngày 25/9 đã phân bổ 51,3 triệu liều cho các tỉnh, thành phục vụ tiêm chủng. Cũng đến ngày 25/9 đã có trên 41,1% người trên 18 tuổi ở nước ta được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
Nhiều học sinh tại Hà Nam dương tính với Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, ngày 26/9, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm 49 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, kể từ ca bệnh BN687470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, đến 18 giờ ngày 26/9, Hà Nam ghi nhận 179 ca bệnh mắc Covid-19.
Trong số đó, có 5 giáo viên, 54 học sinh F0 cùng hàng trăm F1 đang được cách ly tập trung. Hiện, sức khỏe của các em học sinh và giáo viên không có diễn biến bất thường và đang được theo dõi, điều trị.
Sau khi xem xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học. Từ ngày mai (27/9) sẽ chuyển sang học trực tuyến đến khi kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Riêng với số giáo viên và học sinh phải đi cách ly trong diện F0, F1 sẽ thực hiện giảng dạy và học tập bù sau khi đảm bảo điều kiện. Sở GD&ĐT tỉnh này cũng lên kế hoạch để động viên tinh thần số giáo viên và học sinh diện F0, F1 phải đi điều trị, cách ly.
Toàn tỉnh Bến Tre thực hiện Chỉ thị 19 từ 0 giờ ngày 27/9/2021
UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Công văn số 5819/UBND-KGVX về chuyển toàn Tỉnh sang thực hiện Chỉ thị 19 trong phòng chống dịch. Đồng thời, có bổ sung biện pháp tăng cường phù hợp với tình hình phòng, chống dịch của Tỉnh trong hiện nay, bắt đầu từ 00 giờ ngày 27/9/2021 đến khi có thông báo mới. Đây là địa phương đầu tiên của ĐBSCL chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19.
Theo đó, người ngoài vào Tỉnh, người đi/về Tỉnh phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ, khai báo y tế và cách ly theo quy định. Người ra khỏi Tỉnh khi thật cần thiết, phải có giấy xác nhận của UBND huyện, thành phố. Riêng bà con quê Bến Tre, đang thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg ở các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện nghiêm chỉ đạo chung. Nếu bà con có nhu cầu về Tỉnh thì đăng ký với Ban Liên lạc đồng hương Bến Tre, Tỉnh sẽ phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đưa đón theo kế hoạch để đảm bảo an toàn.
Tăng cường kiểm soát ở các chốt cửa ngõ vào Tỉnh cả đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển.
Các tuyến xe buýt nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng lượng người giảm 50% trên từng chuyến, tiếp tục dừng các xe khách liên tỉnh.
Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, các giải đấu thể thao. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, đám hỏi, đám cưới, đám tang (ngoại trừ phạm vi công sở, trường học, bệnh viện).
Người dân được tập thể dục ở công viên nhưng đảm bảo khoảng cách và mang khẩu trang. Được sinh hoạt thể thao với quy mô không quá 4 người với yêu cầu đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Các quán, nhà hàng phục vụ ăn uống (trừ uống rượu, bia) được mở trở lại, nhưng phải thực hiện giãn cách và phòng chống dịch; khuyến khích bán hàng mang về.
Học sinh kết hợp học trực tuyến với học tập trung ở những nơi có điều kiện. Khi tổ chức học tập trung cần giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể, bảo đảm không tập trung đông người để phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo thời gian đi học trở lại theo chỉ đạo của UBND Tỉnh.
Đáng chú ý, khung giờ hạn chế ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Người dân, phương tiện giao thông đăng ký trên địa bàn tỉnh được đi lại trong Tỉnh, đảm bảo 5K và dừng đỗ theo hướng dẫn của địa phương.
Hơn 200 tình nguyện viên Đồng Tháp lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch
Đồng Tháp vừa tăng cường lực lượng hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng chống dịch với 202 tình nguyện viên.
Theo đó, Đoàn gồm có 202 tình nguyện viên là công chức, viên chức ngành y tế Đồng Tháp, giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, sẽ chia thành các nhóm thực hiện công tác hỗ trợ xét nghiệm tại 3 quận: Quận 8, Bình Tân và Bình Chánh. Thời gian tham gia thực hiện từ ngày 25/9/2021 đến khi UBND TP. Hồ Chí Minh có quyết định kết thúc nhiệm vụ (tối đa 30 ngày).
Phát biểu tại lễ xuất quân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa bày tỏ niềm vui, xúc động khi được tiễn các tình nguyện viên lên đường thực hiện nhiệm vụ cao quý của người dân Đất Sen Hồng chia sẻ cùng tuyến đầu chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND Tỉnh cho rằng, các tình nguyện viên có một sứ mệnh đặc biệt là đại diện cho toàn dân Đất Sen Hồng, ngành y tế Đồng Tháp thể hiện nghĩa tình của Tỉnh đối với TP. Hồ Chí Minh, do vậy, đề nghị các tình nguyện viên hãy cố gắng hòa nhập, tận tụy phục vụ, xem việc hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh như hỗ trợ cho Tỉnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phải xem đây không chỉ là cơ hội để được học tập, giúp đỡ mà còn là cơ hội để rèn luyện, nâng cao kinh nghiệm, tay nghề cho bản thân.
Như vậy sau đoàn hỗ trợ của 250 tình nguyện viên của trường Đại học Y - Dược Cần Thơ và 1.000 cán bộ, y bác sĩ của quân khu IX lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch vừa qua, đây là một trong những tỉnh vùng ĐBSCL có lực lượng hỗ trợ nhiều nhất cho công tác phòng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Chấn chỉnh trình trạng loạn giá
Bộ Y tế gửi văn bản tới sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về việc tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm rRT-PCR. |
Bộ Y tế cho biết qua kiểm tra trực tiếp, tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị và phản ánh của truyền thông cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa phương, đơn vị còn chưa thực hiện tốt nguyên tắc 5K; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ nơi có ổ dịch, trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng.
Việc tiêm vắc-xin Covid-19 chưa tuân thủ theo đúng đối tượng và quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; chậm trễ trong việc tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện điều trị Covid-19.
Cụ thể, giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý đối với khẩu trang, trang phục phòng, chống dịch, các loại thuốc có thông tin liên quan đến hiệu quả điều trị Covid-19.
Theo Bộ Y tế, thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hướng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, từng bước kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian nhanh, sớm nhất, cơ quan này yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc bộ phối hợp lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi tránh lạm dụng, lãng phí; triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương và đơn vị thuộc bộ kiểm tra, giám sát, khắc phục ngay những tồn tại liên quan công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Các đơn vị tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; thực hiện tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm rRT-PCR xác định Covid-19. Việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch cần được kiểm tra, giám sát để phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.
Các địa phương và đơn vị thuộc bộ cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Hà Nội tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới
Sáng 27/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 26/9 đến 6 giờ ngày 27/9) TP không ghi nhận ca mắc mới.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.
Tính từ 18 giờ ngày 25/9/2021 đến 18 giờ ngày 26/9) xét nghiệm 5.365 mẫu, kết quả đều âm tính. Cụ thể: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 2.079 mẫu, kết quả đều âm tính. Xét nghiệm của bệnh viện, trong ngày thực hiện 3.286 mẫu, kết quả đều âm tính.
Kết quả tiêm (đến 18 giờ ngày 26/9), số mũi tiêm trong ngày 80.007 mũi; 15.149 mũi 1; 64.858 mũi 2
Các quận, huyện, thị xã tiêm được 5.742.548 mũi, trong đó có 5.023.089 mũi 1 và 719.459 mũi 2. Bệnh viện Trung ương tiêm được 1.073.350 mũi, trong đó có 765.491 mũi 1 và 307.859 mũi 2.
Như vậy tổng số tiêm được 6.815.890 mũi, trong đó, tiêm được 5.788.580 mũi 1 (đạt 96,15% dân số trên 18 tuổi), tiêm được 1.027.318 mũi 2 (đạt 17,06 % dân số trên 18 tuổi).
Bình Dương: Đã ghi nhận hơn 200.000 ca mắc Covid-19
Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 26/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 3.332 ca mắc Covid-19, giảm 297 ca so với ngày 25/9. Hiện số ca mắc Covid-19 của Bình Dương đã vượt 200.000 ca.
Theo bảng đáng giá mức độ nguy cơ dịch bệnh theo xã, phường, thị trấn của Bình Dương, ngày 26/9 có phường An Thạnh, TP.Thuận An giảm mức độ nguy cơ từ "vùng nguy cơ" thành "vùng bình thường mới".
Về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, trong ngày 26/9, Bình Dương có 3.598 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện trong đợt dịch lần thứ 4 của tỉnh lên 168.063 người.
Hiện còn 39.130 bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 28.900 người không có triệu chứng, 4.800 người có triệu chứng nhẹ sốt, ho, đau họng và hơn 1.200 người diễn tiến nặng, suy hô hấp.