Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 29/10: Công khai giá xét nghiệm Covid-19
D.Ngân - 29/10/2021 08:25
Sở Y tế TP.HCM đã công khai danh sách các cơ sở y tế công lập và tư nhân được hoạt động xét nghiệm Covid-19 và giá xét nghiệm.

Thêm 4.889 người mắc Covid-19, TP.HCM có 977 ca

Tính từ 17h ngày 28/10 đến 17h ngày 29/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.899 ca nhiễm mới, gồm 4.889 ca trong nước và 10 ca nhập cảnh (tăng 13 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố với 2.305 ca cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-124), TP.HCM (-92), Quảng Nam (-91).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (+398), Kiên Giang (+89), Bình Dương (+79).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.110 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.243 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 905.558 ca, trong đó, 813.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).

Theo Hệ thống Quản lý Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày 29/10, 2.169 F0 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số điều trị khỏi lên 816.132.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca, chủ yếu cần thở oxy qua mặt nạ. 19 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Từ 17h ngày 28/10 đến 17h30 ngày 29/10, số ca tử vong trên cả nước là 56 trường hợp. Các bệnh nhân tử vong được ghi nhận tại TP.HCM (32), Bình Dương (6), Bạc Liêu (5), Đồng Nai (4), Tiền Giang (2), Sóc Trăng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Quảng Ngãi (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 1108.197 xét nghiệm cho 167.733 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 22.008.414 mẫu cho 59.953.593 lượt người.

Trong ngày 29/10, nước ta đã tiêm được 1.712.435 liều vắc-xin Covid-19.

Như vậy, tổng số liều vắc-xin Covid-19 được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.78 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.

Trên 40 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thích ứng trong phòng chống dịch

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau gần 20 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch.

Đã có trên 40 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thích ứng của địa phương hoặc có văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất và hoạt động giao thông...

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chuyển hướng phòng chống dịch sang nới lỏng, xây dựng lộ trình mở cửa, đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả cũng như phát triển kinh tế.

Lý giải về việc Việt Nam phân vùng nguy cơ xanh, vàng, da cam, đỏ, Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng đã phân vùng nguy cơ từ thấp đến cao.

Các nước cũng phân vùng và chia màu. Vùng nguy cơ được căn cứ vào các vấn đề chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ mắc trên 100 nghìn dân, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tiêm chủng, cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Song, không phải quốc gia nào cũng sử dụng 4 chỉ số, mà có thể là 1 hoặc 2.

Một số quốc gia chia phân vùng nguy cơ theo 4 hoặc 5 màu như: Xanh, đỏ, vàng, cam, xám. Hoặc, với các nước chia 3 vùng nguy cơ sẽ gồm các màu: Đỏ, cam, vàng. Bà Liên Hương nhấn mạnh, Việt Nam cũng phân vùng tương tự các nước.

Về vấn đề cách ly, phòng chống dịch tại các quốc gia trên thế giới, bà Liên Hương nhấn mạnh, ngay từ đầu dịch và các đợt dịch trước đã nêu vấn đề cách ly với người mắc Covid-19 và nhập cảnh.

Các quốc gia áp dụng cách ly tập trung với người nhập cảnh, tương tự Việt Nam. Đồng thời, cách ly người tiếp xúc gần (F1) cũng là phương pháp chống dịch được các quốc gia áp dụng, bao gồm cách ly y tế tại khách sạn.

Trong bối cảnh tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 tăng, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo các Vụ, Cục Bộ Y tế nghiên cứu về vấn đề giảm thời gian cách ly của F1.

Bộ Y tế cũng đã xin ý kiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cũng như các chuyên gia trong ngoài nước.

Hà Nội ghi nhận 47 ca dương tính với SARS-CoV-2

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28/10 đến 18h ngày 29/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca dương tính, trong đó có 6 ca tại cộng đồng, 27 ca tại khu cách ly và 14 ca tại khu phong tỏa.

Các bệnh nhân phân bố tại 13 quận, huyện: Mê Linh (14), Quốc Oai (14), Hoài Đức (3), Long Biên (3), Nam Từ Liêm (2), Bắc Từ Liêm (2), Hoàng Mai (2), Đống Đa (2), Sóc Sơn (1), Thanh Trì (1), Gia Lâm (1), Hà Đông (1), Mỹ Đức (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.311 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.675 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.636 ca.

Quảng Ngãi: Thêm 6 ca dương tính với SARS-CoV-2

Sáng 29/10, Sở Y tế thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca bệnh cộng đồng.

Ca Covid-19 cộng đồng là nam (38 tuổi) ở xóm 5, thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). Người này là công nhân Công ty GE Dung Quất đóng tại KKT Dung Quất thuộc xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Chiều 28/10, người này nghe tin bạn là F0 nên đã tự đi lấy mẫu sàng lọc Covid-19 dịch vụ. Kết quả xét nghiệm Realtime-PCR cho thấy, bệnh nhân đã mắc Covid-19. Trước đó, vào ngày 23/10, bệnh nhân này có tiếp xúc với bệnh nhân F0 ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Hiện bệnh nhân không có triệu chứng mệt mỏi, sốt…

Chùm ca bệnh xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) ghi nhận thêm 3 ca bệnh mới, gồm 2 ca ở thôn Cổ Lũy Bắc là F1 và 1 ca ở thôn Cổ Lũy Nam đều là F1 của ca bệnh trước đó. Cả 3 người đều đã cách ly tập trung. Ngoài ra còn có 1 ca bệnh ở hẻm 495 Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), là F1 của bệnh nhân trước đó.

Sáng cùng ngày, Sở Y tế ghi nhận thêm 1 trường hợp về từ TP.HCM dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) về Quảng Ngãi vào ngày 27/10 và được phát hiện mắc Covid-19 khi đang cách ly tại nhà.

Tính tổng từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 1.595 ca Covid-19.

Australia giao thêm 800.000 liều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam

Với lần giao vắc-xin Covid-19 lần thứ 3 này, Australia đã hoàn thành cam kết chia sẻ 1,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca do Australia sản xuất trước khi kết thúc năm 2021.

Ngoài những liều vắc-xin này, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, gần đây đã thông báo Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam mua thêm khoảng 3,7 triệu liều vắc-xin thông qua thỏa thuận mua sắm với UNICEF và hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam. Tổng cộng, Australia hiện đã cam kết chia sẻ 5,2 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam.

1,5 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 mà Australia đã cung cấp, nằm ngoài gói hỗ trợ 60 triệu đô la Úc của Australia cho việc triển khai tiêm chủng của Việt Nam. Gói hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam mua sắm vắc-xin ngừa Covid-19, nâng cấp dây chuyền lạnh, đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế và hỗ trợ triển khai tiêm chủng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa.

TP. Nam Định cấp bách thực hiện các biện pháp “chặn đứng” COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Nam Định, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở Y tế, TP. Nam Định tổ chức nhanh việc xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ người dân thành phố, hoàn thành chậm nhất trong ngày 30/10.

Hiện tại, TP. Nam Định đã thiết lập 6 vùng cách ly y tế tại phường Vị Hoàng; phường Phan Đình Phùng; xã Nam Vân; xóm Nam Hùng 1, xã Nam Phong; phường Vị Xuyên; phường Nguyễn Du gồm 76 hộ dân với 255 nhân khẩu.

Để đảm bảo cách ly các công dân diện F1, Thành phố đã chỉ đạo kích hoạt 4 khu cách ly tập trung gồm: Trường Cao đẳng Công nghệ trên Quốc lộ 10 với sức chứa 100 giường (hiện đang cách ly 38 công dân); Trung tâm Điều dưỡng người có công 143 giường; Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định 250 giường và tại Trường Cao đẳng Xây dựng (Quốc lộ 10) với quy mô 500 giường.

Bên cạnh đó, xây dựng Kế hoạch thiết lập Trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và kế hoạch cung cấp ô-xy y tế cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi dịch bệnh diễn biến ở cấp độ 3, 4.

Cụ thể khi có từ 50-100 ca F0 thì sẽ thành lập một Trạm y tế lưu động, dự kiến xây dựng 5 trạm và bổ sung theo từng cấp độ dịch. Khi dịch ở cấp độ 3, tổ chức thiết lập theo phương án mỗi tổ dân phố có một tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Ưu tiên phân bổ vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân thành phố (bao gồm cả Khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung, cụm công nghiệp An Xá). Hoàn thành mũi 1 trước ngày 7/11, triển khai tiêm mũi 2 hoàn thành trước 31/12.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết. Yêu cầu nhân dân giảm quy mô tổ chức đám cưới, đám tang, đám giỗ; không mời người từ các tỉnh, thành phố khác, huyện khác trong tỉnh tham dự. Người dân không ra khỏi nhà sau 22 giờ đến 5 giờ sáng, trừ trường hợp cần thiết như làm nhiệm vụ, cấp cứu, lao động sản xuất...

Các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng được phép hoạt động tối đa đến 21 giờ hàng ngày, trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu như thuốc, lương thực, thực phẩm...

Các cơ quan, công sở thuộc tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố tăng cường làm việc trực tuyến, nhưng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ.

TP.HCM công khai giá xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế

Thống kê của Sở Y tế cho biết hiện có 59 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR. 

Sở Y tế TP.HCM đã công khai danh sách các cơ sở y tế công lập và tư nhân được hoạt động xét nghiệm Covid-19 và giá xét nghiệm.

Theo quy định, kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định các ca lâm sàng tại những cơ sở điều trị. Ngoài ra, có thể chỉ định để tầm soát các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng và điều tra dịch tễ. Các trường hợp bệnh không phải đóng phí vì đã có BHYT hoặc ngân sách Nhà nước chi trả. 

Trường hợp các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật này hoặc có hợp đồng với cơ sở được phép thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu của người không triệu chứng, xuất cảnh…, thì thu phí xét nghiệm đúng theo giá quy định nếu là cơ sở y tế công lập, và thu theo giá kê khai nếu là cơ sở y tế tư nhân.

Đối với việc xét nghiệm nhanh, hiện có 169 cơ sở y tế được Sở Y tế thành phố thẩm định và cho phép thực hiện. Cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho các đối tượng ngoài phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách Nhà nước thì thu theo giá test mua vào. 

Đối với các trường hợp xét nghiệm nhanh theo yêu cầu, các cơ sở y tế tư nhân thu theo giá đã kê khai.

Kỹ thuật xét nghiệm nhanh không thay thế cho xét nghiệm RT-PCR, chỉ dùng hỗ trợ việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19. 

Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm Covid-19 tiếp tục kê và công khai giá theo quy định, nộp hồ sơ về Sở Y tế. Các cơ sở y tế nào cung ứng dịch vụ xét nghiệm không đúng quy định sẽ bị xử nghiêm. 

Liên quan tới vấn đề giá xét nghiệm Covid-19, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái đã yêu Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp trong quản lý điều hành giá, bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến sớm ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ xét nghiệm, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, dễ triển khai áp dụng thực hiện.

Đồng thời, Bộ Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến giá vật tư y tế nói chung, giá test xét nghiệm nói riêng,…để dư luận hiểu, đồng tình, ủng hộ.

Quy định điều kiện mở lại quán bar, karaoke, vũ trường

Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM cho phép các địa phương quyết định việc mở lại quán bar, karaoke, vũ trường với điều kiện cụ thể.

Cụ thể, với hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời, ngoại trừ cấp độ 1 được hoạt động không giới hạn, các cấp độ 2, 3, 4, người tham gia phải tiêm đủ vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. 

Với hoạt động trong nhà, công suất giảm dần theo các cấp độ dịch, lần lượt là 75% (cấp 2); 50% (cấp 3); và 25% (cấp 4). Hoạt động ngoài trời phải đáp ứng điều kiện tương tự, kèm theo bảo đảm khoảng cách tăng dần theo các cấp độ dịch, cụ thể là 1 m (cấp 2); 1,5 m (cấp 3); và 2 m (cấp 4).

Cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định.

Tuy nhiên, điều kiện để được hoạt động là người làm việc phải tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người tham gia phải tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Cấp độ 1 được hoạt động; cấp độ 2 hoạt động không quá 50% công suất; cấp độ 3 giảm xuống 25%; cấp độ 4 ngưng hoạt động.

Cơ sở làm tóc (bao gồm cắt tóc) được hoạt động với điều kiện người làm việc phải tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Công suất hoạt động giảm dần theo từng cấp độ dịch, cụ thể: Cấp 1 - không giới hạn; cấp 2 - 75% công suất; cấp 3 - 50%; cấp 4 - 25%.

Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo... được hoạt động ở cấp độ dịch 1, 2, 3. Riêng cấp độ 3, người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Nếu ở cấp độ 4, hoạt động này phải tạm ngưng.

Bao phủ nhanh nhất mũi 2 vắc-xin Covid-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 khẩn trương nhất có thể. 

Cũng theo yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ Y tế phân bổ kịp thời, đủ số lượng vắc-xin tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên theo lịch tiêm của các địa phương; phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức việc tiêm vắc-xin cho trẻ em trên địa bàn bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Về tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ tại TP.HCM, hiện tại Thành phố đã tiêm vắc-xin Pfizer cho 39.756 trẻ em 12-17 tuổi, tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Chiều ngày 28/10, tại buổi họp báo cung cấp tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đại diện Sở Y tế TP.HCM choa hay, các điểm tiêm tổ chức an toàn cả về y tế lẫn phòng chống dịch. Các trường hợp có phản ứng phụ đều nhẹ, được xử trí ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tác dụng phụ nặng sau tiêm.

Theo kế hoạch tiêm chủng mà Sở Y tế đã chuẩn bị, số lượng trẻ được tiêm chủng sẽ hạ dần độ tuổi, nghĩa là trẻ khối 12 tiêm trước sau đó hạ dần đến khối 10, và những khối tiếp theo. 

Tiến độ dự kiến trong 7 ngày sẽ hoàn thành mũi 1 cho 780.000 trẻ theo thống kê trước đó, khi đến thời gian tiêm mũi 2 cũng sẽ tiêm tương đương với tiến độ trên. Như vậy, hiện Thành phố đã đạt tiến độ khoảng 5%.

Về vắc-xin được sử dụng tiêm cho trẻ, Sở Y tế cũng đã dự trù số lượng để đảm bảo đủ vắc-xin tiêm. Với trẻ vì lý do khác không thể tiêm trong 2 đợt này, Thành phố cũng sẽ rà soát, thống kê tiếp tục để đảm bảo em nào cũng sẽ được tiêm chủng.

Tính đến 27/10, hơn 7,1 triệu người dân Thành phố đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi một, hơn 5,6 triệu người đã tiêm mũi hai.

Tin liên quan
Tin khác