Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 31/7: Số lượng ca bệnh xuất viện tăng; Biểu đồ ca mắc mới ở TP.HCM đi ngang
D.Ngân - 31/07/2021 09:12
Theo thông tin từ Bộ Y tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, 35.484 người đã được điều trị khỏi bệnh.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội giảm còn hai con số

Ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.620 ca ghi nhận trong nước.

Tính đến chiều ngày 31/7, Việt Nam có 145.686 ca mắc trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 141.877 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Theo Bộ Y tế, nước ta có thêm 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 31/7. Tính đến nay có 38.734 ca được điều trị khỏi; 441 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 145 ca tử vong do Covid-19 (số 1162-1306) từ ngày 19-31/7/2021 tại 6 tỉnh/TP: TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Quảng Nam, Trà Vinh. Số ca tử vong nhiều nhất là tại TP.HCM với 90 ca.

Trong 24 giờ qua đã  thực hiện 216.438 xét nghiệm cho 456.461 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.070.003 mẫu cho 17.356.646 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 5.931.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.342.483 liều, tiêm mũi 2 là 588.893 liều.

Về số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội, chiều 31/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 31/7, Thành phố ghi nhận 25 ca mắc mới, trong đó 4 ca phát hiện tại khu cách ly và 21 ca phát hiện tại cộng đồng. Như vậy từ 18 giờ ngày 30/7 đến 18 giờ ngày 31/7, TP. Hà Nội ghi nhận 74 ca mắc mới.

Trước đó, trong ngày hôm qua, 30/7 số ca mắc của Hà Nội tăng cao kỷ lục ở đợt dịch này với 3 con số, ở mức 119 ca.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.174 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 700 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 474 ca.

***

TP.HCM được phân bổ vắc-xin Covid-19 nhiều nhất

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP.HCM triển khai tiêm chủng chống dịch.

Đến ngày 31/7/2021, TP.HCM đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021, theo đó, TP.HCM sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin. Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TP.HCM sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Được biết trong ngày hôm nay, TP.HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vắc-xin Vero Cell do Sapharco mua.

Đến nay TP.HCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vắc-xin, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vắc-xin và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM, ngày 29/7, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho Thành phố và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại Thành phố.

Tại hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm chủng bao gồm tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; Ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền;

Cần đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng; Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…;

Tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, kể cả các khu vực đang phong toả; Đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

***

Liên qua tới việc thực hiện giãn cách xã hội, với 19 tỉnh, thành phía Nam (bao gồm TP.HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969 ngày 17/7 của Thủ tướng).

19 địa phương ngày gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng cho phép có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh.

Đối với khu vực liên tỉnh, phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

***

Phân chia 4 nhóm nguy cơ bệnh nhân Covid-19

Bộ Y tế phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 với 4 nhóm: Thấp, trung bình, cao và rất cao.

Việc phân loại nguy cơ tốt sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị.

Việc phân loại đúng cũng sẽ giúp xác định được các nhóm người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ khác nhau, từ đó giúp xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho từng đối tượng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế và xã hội.

Theo tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm được chia làm 4 loại tương ứng với từng màu khác nhau. Cụ thể, màu xanh là mức nguy cơ thấp, màu vàng là nguy cơ trung bình, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ và nguy cơ rất cao.

Nhóm nguy cơ rất cao: Những người từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền; Người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu; người có SpO2 từ 92% trở xuống; người bệnh đang có tình trạng: Thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.

Nhóm nguy cơ cao: Những người tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền; Phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi, người có SpO2 từ 93% đến 94%.

Nhóm này chỉ định nhập viện càng sớm càng tốt, chuyển đến bệnh viện thuộc "tầng 3 của tháp điều trị", các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng. Hướng dẫn người nhiễm SARS-CoV-2 liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu. Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Nhóm nguy cơ trung bình: Những người tuổi từ 46-64 tuổi và không mắc bất kỳ bệnh lý nền. Người có sức khỏe có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,5 độ C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực...; người có SpO2 từ 95% đến 96%; hoặc người tuổi dưới 45 tuổi và mắc một trong các bệnh lý nền.

Nhóm này cần chuyển vào cơ sở thuộc "tầng 2 của tháp điều trị", các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người bệnh Covid-19.

Trong thời gian chờ nhập viện, yêu cầu người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tự theo dõi sức khỏe; hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu như rối loạn ý thức, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt.

Nhóm nguy cơ thấp gồm: Những người dưới 46 tuổi và không mắc bệnh lý nền. Người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày.

Người có sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này được chuyển đến cơ sở thuộc "tầng 1 của tháp điều trị", các cơ sở cách ly người nhiễm F0 tập trung, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ban đầu.

Hoặc chỉ định điều trị ngoại trú tại nơi cư trú được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện điều trị ngoại trú như biệt thự, nhà riêng, có người theo dõi...).

Bộ Y tế yêu cầu người nhiễm tự theo dõi sức khỏe và thông báo tình trạng sức khỏe hằng ngày cho nhân viên y tế địa phương. Hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu như rối loạn ý thức, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt... Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, công tác thu dung và kết quả điều trị, ngành Y tế từng địa phương có thể kịp thời điều chỉnh, bổ sung phân loại nguy cơ nếu thấy cần thiết để có biện pháp xử trí người bệnh nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

***

Xét nghiệm diện rộng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã lập hàng loạt các chốt kiểm soát trên khắp các tuyến đường vào phường Chương Dương, ngay sau khi có quyết định phong toả tạm thời khu vực này từ 0 giờ ngày 31/7/2021.

Nhằm chủ động phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ nhiễm Sars-CoV-2 để kịp thời khoanh vùng xử lý ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lan ra cộng đồng, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên địa bàn quận - nơi đang được xem là ổ dịch của Thành phố.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, dự kiến đợt này địa phương sẽ lấy khoảng 30.000 mẫu xét nghiệm.

Đối tượng được lấy mẫu xét nghiệm là những người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao như mật độ dân cư cao, chợ dân sinh giao thương lớn, các hộ kinh doanh.

Về nguyên tắc lấy mẫu được UBND quận xác định, mỗi gia đình chọn 2 người (ưu tiên người thường xuyên đi lại, tiếp xúc nhiều). Để tránh việc người dân đến lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực bị ùn ứ, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, UBND quận Hai Bà Trưng đã giao cho các phường trên địa bàn thực hiện mời người dân theo khung giờ quy định để đảm bảo giãn cách theo quy định phòng, chống dịch. Thời gian lấy mẫu xét nghiệm được UBND quận Hai Bà Trưng triển khai trong hai ngày 31/7 và 1/8.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày đã có thêm 49 ca dương tính. Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.149 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 679 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 470 ca.

***

TP.HCM có thêm 2.826 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện

Ngày 31/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính đến 7h ngày hôm nay, TP.HCM có thêm 2.826 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay là 31.146.

Số bệnh nhân dương tính đang điều trị là 36.233 (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 878 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số ca tử vong tính cộng dồn từ đầu mùa dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 1.164 người.

HCDC cho biết thêm trong ngày hôm qua (30/7), Thành phố phát hiện thêm 3 chuỗi lây nhiễm mới ở khu vực dân cư tại quận 4, quận 5, quận 10. Hiện còn 27 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Từ ngày 26/5 đến 30/7, đã lấy 959.667 mẫu, trong đó có 512.855 mẫu đơn, 446.812 mẫu gộp, với 4.002.164 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...). Hiện tại tổng số mẫu chưa có kết quả là 12.084.

***

Trong thời gian tới, TP.HCM mở rộng đối tượng được tiêm chủng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên, bao gồm cả những người không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70% dân số Thành phố (trên 18 tuổi) được tiêm vắc-xin mũi 1.

Theo thống kê của ngành y tế, đến 8h sáng 31/7, TP.HCM đã tiêm được hơn 527.000 mũi vắc-xin Covid-19. Như vậy, sau 11 ngày triển khai đợt tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 5, Thành phố đã tiêm được gần 60% trên tổng số 930.000 liều vắc-xin được phân bổ đợt này.

Trung bình mỗi ngày Thành phố tiêm được khoảng 48.000 liều. Tốc độ tiêm vắc xin tại TP.HCM hiện đang được đẩy cao từng ngày.

Nếu tính cả hai ngày chạy thử, trung bình toàn Thành phố chỉ tiêm được 26.000 mũi/ngày thì 5 ngày sau đó, trung bình mỗi ngày tiêm được hơn 74.000 mũi. Trong đó, từ ngày 27/7 đến 30/7, mỗi ngày đều có hơn 70.000 người được tiêm. Riêng trong ngày 30/7 đã tiêm được gần 86.000 mũi.

Đợt tiêm vắc-xin được TP.HCM triển khai từ 14h ngày 22/7. Theo kế hoạch trước đó của UBND Thành phố, đợt này sẽ có ít nhất 624 điểm tiêm, trong đó mỗi xã phường, thị trấn ít nhất hai điểm tiêm (2 bàn tiêm).

Ngoài ra còn có 100 đội tiêm dự phòng được chuẩn bị để bổ sung, thay thế. Thành phố đặt mục tiêu mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/10 giờ/ngày. Nếu tính đều cho 624 điểm tiêm, Thành phố phải tiêm tối đa 74.880 liều/ngày.

UBND TP.HCM dự kiến sẽ tiêm hết 930.000 liều vắc xin trong 2-3 tuần. Tuy nhiên với tốc độ tiêm hiện nay, Thành phố chỉ mất 2 tuần để tiêm hết vắc-xin.

***

Vĩnh Long: Đăng “phương pháp chữa bệnh Covid-19 tại nhà”, chủ tài khoản facebook bị xử phạt 7,5 triệu đồng

Ngày 31/7/2021, Phòng An ninh Chính trị nội, Công an tỉnh Vĩnh Long tiến hành tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với V.K.L (sinh năm 1989, ngụ xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) do đã có hành vi sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân (được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 25/7/2021, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Long, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an huyện Long Hồ và Công an xã Lộc Hoà (Long Hồ) làm việc với V.K.L – là chủ tài khoản facebook “TanDat Cao”, vì đã đăng tải nhiều thông tin, video bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân.

Qua làm việc, V.K.L đã khai nhận thời gian qua, V.K.L dùng facebook mang tên chồng để đăng video clip từ nước ngoài có nội dung tuyên truyền xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam; đăng bài viết về “phương pháp chữa bệnh Covid-19 tại nhà” mà chưa có căn cứ khoa học hay sự xác nhận của cơ quan chuyên môn, gây hoang mang trong dư luận xã hội và sự chủ quan cho nhân dân.

Qua trường hợp vi phạm của V.K.L, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nhận thức rõ nội dung, lựa chọn những nguồn thông tin chính thống để đăng tải, chia sẻ góp phần phổ biến thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống đến nhân dân.   

***

Tính từ 19h ngày 30/7 đến 6h ngày 31/7, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới trong nước.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, 35.484 người đã được điều trị khỏi bệnh.

Như vậy, tính đến sáng 31/7, Việt Nam có 141.122 ca mắc gồm 2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 137.317 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

***

Theo công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã tháo gỡ nhiều vướng mắc để tăng tốc độ tiêm vắc-xin tại TP.HCM ngay trong thời gian giãn cách xã hội.

TP sẽ tổ chức tiêm cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên, trong đó, vẫn duy trì việc tiêm chủng cho lực lượng y tế, người cao tuổi, trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.

***

Biểu đồ ca mắc mới ở TP.HCM đang đi ngang

TP.HCM vẫn là địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước. Tuy nhiên, trong 3 ngày gần đây, biểu đồ số ca mắc mới ở Thành phố đang đi ngang. Nhiều ngày gần đây, số bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện tại địa phương này liên tục tăng, mỗi ngày, trung bình khoảng từ 1.000-3.000 người. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu khả quan.

Nhận định dịch căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin hoặc có thuốc đặc trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch. Đặc biệt, phải áp dụng biện pháp chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức.

Với TP.HCM, do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu, Phó Thủ tướng cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt.

Thứ nhất, khu vực này phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để giảm lây lan. Với những vùng còn an toàn, nguy cơ chưa cao, phải giữ cho bằng được.

Thứ hai, chính quyền đoàn thể và các tổ chức làm thiện nguyện cùng tham gia chăm lo đời sống hàng ngày cho người dân.

Thứ ba, phải xây dựng hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng bảo đảm bất kỳ ai trong khu vực dân cư nào có triệu chứng nhiễm Covid-19 hoặc bệnh khác cần có sự hỗ trợ y tế thì phải được tiếp cận và hỗ trợ ngay. Có như vậy, người dân mới yên tâm ở trong nhà.

Đối với điều trị, ông nhấn mạnh phải rất sáng tạo và thực tiễn. Từ mô hình điều trị “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế, TP.HCM đã phân chia thành 5 lớp.

Trong đó, lớp đầu tiên tiếp nhận người nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Ông cho biết đã trực tiếp đến những khu thu dung có tỷ lệ 30% F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng ở TP.HCM. 

Những khu này chật chội nên nếu coi F0 không triệu chứng là bệnh nhân sẽ gây sự gò bó, bức bách cả về tinh thần lẫn thể chất.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện tư nhân, thậm chí một phần bệnh viện công không muốn tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 dù còn giường trống, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh phải huy động tất cả lực lượng y tế tư nhân vào ngay từ đầu, từ điều trị cho đến tiêm vắc-xin. 

Đến nay, đã có những bệnh viện tư nhân bắt đầu chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19, nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.

***

Hà Nội: 23 ca dương tính mới được phát hiện

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 5/7 đến nay, Thành phố có tổng cộng 854 trường hợp dương tính với Covid-19.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 31/7 ghi nhận 23 trường hợp dương tính với Covid-19. Các trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 liên quan một số ổ dịch gồm lây nhiễm từ Bắc Giang, TP.HCM và thông qua sàng lọc.

Liên quan chùm lây nhiễm từ Bắc Giang, 12 trường hợp mới được phát hiện có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đều là công nhân của Công ty SEI thuộc khu công nghiệp Thăng Long. 

Ngoài các trường hợp này, nhóm còn lại đều là F1, liên quan các ổ dịch cũ hoặc F0 phát hiện qua sàng lọc trước đó. Họ có độ tuổi từ 1 đến 73, trú tại các khu vực: Phùng Xá (Thạch Thất); Thượng Thanh (Long Biên); Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng); Tân Hội (Đan Phượng); Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) và Ngọc Hà (Ba Đình).

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.123 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 854 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Thông qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng mới đây, thành phố đã phát hiện thêm tổng cộng 277 trường hợp nhiễm Covid-19.

Tin liên quan
Tin khác