Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 9/12: Đề xuất giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron
D.Ngân - 09/12/2021 08:49
Đại diện WHO cho biết, hiện chưa thể khẳng định chắc chắn Omicron dễ lây lan hơn so với các biến chủng khác, bao gồm cả biến chủng thống trị các ca bệnh hiện nay - Delta, hay không.

Thêm 15.311 ca Covid-19

Tính từ 16h ngày 8/12 đến 16h ngày 9/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.311 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 15.300 ca ghi nhận trong nước (tăng 705 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.843 ca trong cộng đồng).

Trong đó, TP.HCM vẫn là địa phương có số lượng F0 mới trong ngày cao nhất cả nước. Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+426), Tiền Giang (+261), Cà Mau (+209).

Những ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-223), Hải Phòng (-207), Trà Vinh (-148).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua đã lên mức 14.322 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.367.433 ca nhiễm. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.362.111 ca, trong đó có 1.048.162 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (483.376), Bình Dương (286.078), Đồng Nai (91.056), Long An (39.039), Tây Ninh (35.980).

Số bệnh nhân nặng, tử vong tiếp tục tăng

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số bệnh nhân khỏi bệnh là 14.586 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.050.979 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.697 ca, tăng 191 người so với ngày hôm qua. Trong đó, số bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ: 5.272 ca, thở ô-xy dòng cao HFNC: 1.302 ca, thở máy không xâm lấn: 285 ca, thở máy xâm lấn: 823 ca, ECMO: 15 ca.

Từ 17h30 ngày 8/12 đến 17h30 ngày 9/12 ghi nhận 256 ca tử vong, tăng 26 người.

Cụ thể, số lượng F0 tử vong ở TP.HCM là (76) trong đó có 12 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), Đồng Nai (1),Lâm Đồng (1), Long An (2), Phú Yên (2), Tây Ninh (3), Tiền Giang (1), Thanh Hóa (1).

Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (37 ca tử vong trong hai ngày 8-9/12), Tây Ninh (16), Bình Dương (16), Đồng Nai (13), Tiền Giang (11), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (17 ca tử vong trong hai ngày 8-9/12), Cần Thơ (10), Vĩnh Long (8), Long An (6), Bình Thuận (5), Bến Tre (5), Sóc Trăng (5), Đắk Lắk (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Hậu Giang (3), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Bắc Ninh (1), Bình Định (1), Ninh Thuận (1), Hải Phòng (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 218 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 8/12, cả nước có 662.110 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 129.965.296 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều.

Hà Nội: 704 ca Covid-19 mới sau 24h

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 8/12 đến 18h ngày 9/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 704 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 222 ca tại cộng đồng, 419 ca tại khu cách ly và 63 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, liên tiếp trong 4 ngày qua (từ ngày 6 đến 9/12), số ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố dao động từ 600 đến 700 ca/ngày. Trong đó, quận Đống Đa vẫn là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay) là 15.959 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.069 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 9.890 ca.

Hiện nay, số lượng F0 của thành phố đang cách ly, điều trị tại nhà ngày càng nhiều, một số xã, phường có nhiều trường hợp mắc Covid-19.

Thành lập cơ sở điều trị Covid-19 tại khu đô thị Nam Trung Yên

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5029/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý, điều hành Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 thuộc khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, do Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất làm Trưởng ban.

Theo đó, Ban Quản lý, điều hành có nhiệm vụ tổ chức hoạt động cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 thuộc khu đô thị Nam Trung Yên, gọi tắt là Cơ sở thu dung, điều trị theo phương án đã được UBND Thành phố phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Quản lý, điều hành hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; tự giải thể khi cơ sở thu dung, điều trị hoàn thành nhiệm vụ và được sử dụng con dấu của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Vĩnh Long lên kế hoạch tiêm mũi 3 phòng COVID-19

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, thời gian triển khai tiêm từ tháng 12/2021.

Vĩnh Long dặt mục tiêu từ cuối 2021 và năm 2022 sẽ có khoảng 95% dân số từ 18 tuổi trở lên của tỉnh được tiêm mũi 3.

Theo kế hoạch, sẽ có hơn 782.000 người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoàn toàn miễn phí; không thu tiền; không nhận tiền “bồi dưỡng” từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.

Trong đó, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng; người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng; người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế…

Hiện toàn tỉnh có 124 cơ sở tiêm chủng bao gồm 118 cơ tiêm chủng Nhà nước, 6 cơ sở tiêm chủng tư nhân cùng tham gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

UBND tỉnh giao Sở Y tế triển khai thực hiện, Trung tâm y tế các huyện - thị xã - thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng quy định.

Theo Sở Y tế Vĩnh Long thông tin: trong ngày 8/12 có 525 ca F0, nâng tổ số lên 15.342 ca, điều trị khỏi 10.530 ca, thêm 5 ca tử vong, nâng tổ số lên 129 ca. Tỉ lệ tiêm ngừa mũi 1 đạt 99,3% và mũi 2 là 93,2% người từ 18 tuổi trở lên.

Người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, xét nghiệm âm tính sẽ được tự cách ly tại nhà

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước ngày 15/12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước. 

Chưa thể khẳng định chắc chắn Omicron dễ lây lan hơn so với các biến chủng khác, bao gồm cả biến chủng thống trị các ca bệnh hiện nay - Delta, hay không.

Cụ thể, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh. 

Đối với người chưa tiêm vắc-xin phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho bà con và tổ chức tiêm vắc-xin.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, ngành hàng không và các bộ, ngành liên quan tích cực báo cáo các đồng chí lãnh đạo, xúc tiến công tác chuẩn bị mở lại các đường bay thương mại quốc tế, có quy trình để người Việt Nam ở nước ngoài đặt chỗ.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là nhu cầu cấp thiết của các hãng hàng không. 

Cục Hàng không đã kết nối với hệ thống "hộ chiếu vắc-xin" của các nước để bảo đảm tất cả những người đặt mua vé của các hãng hàng không Việt Nam đều đã được tiêm đủ vắc-xin. Những người chưa tiêm vắc-xin chỉ được mua vé sau khi đã đăng ký và có địa chỉ cách ly cụ thể trong nước.

Ứng phó với biến chủng mới Omicron

TS.Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết chưa thể khẳng định chắc chắn Omicron dễ lây lan hơn so với các biến chủng khác, bao gồm cả biến chủng thống trị các ca bệnh hiện nay - Delta, hay không.

Theo Reuters, tính đến ngày 8/12, 57 quốc gia đã báo cáo có ca nhiễm biến chủng Omicron.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia báo cáo các trường hợp mới khi họ tăng cường giám sát và phân tích.

Để đón đầu khả năng biến chủng Omicron xuất hiện, đại diện WHO đề xuất Việt Nam nên thực hiện 4 nhóm giải pháp chính. 

Đó là tăng cường giám sát và giải trình tự gene các ca bệnh, tiếp tục tuân thủ 5K và nâng cao độ bao phủ vắc-xin, củng cố hệ thống y tế, bảo đảm công tác truyền thông xuyên suốt.

Bàn về cách chuẩn bị ứng phó với biến chủng Omicron, đại diện WHO đề xuất trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát, bao gồm giải trình tự gene của các chủng SARS-CoV-2 đang lưu hành, gửi trình tự bộ gene đầy đủ cùng siêu dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, như tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).

Bên cạnh đó, ông nhận định việc đạt được tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 cao ở tất cả nhóm dân số đủ điều kiện tiêm chủng, kết hợp thực hiện các biện pháp 5K, là biện pháp hiệu quả nhất để cứu sống nhiều người trong đại dịch.

Điều tối quan trọng là tất cả nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm chủng đầy đủ.

Việc tiêm đủ liều cơ bản đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giảm thiểu số ca mắc, tử vong và lây lan dịch bệnh, bao gồm cả với biến chủng Omicron.

Theo ông, ở tất cả quốc gia, các trường hợp mắc và tử vong chủ yếu xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng.

Vì vậy, dù đối mặt với biến chủng nào, dựa trên lời khuyên từ Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE), vào ngày 25/10, WHO khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị suy giảm từ trung bình đến nặng nên được tiêm bổ sung một mũi vắc-xin ngừa Covid-19, như một phần của mũi tiêm cơ bản mở rộng

Đây là những đối tượng ít có khả năng đáp ứng miễn dịch đầy đủ với liều vắc-xin chính cơ bản. Họ cũng có nhiều khả năng tiến triển bệnh nặng sau khi mắc Covid-19

Bên cạnh đó, ông Park khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục tăng cường năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng, cùng với phối hợp tốt hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.

Cuối cùng, công tác truyền thông với công chúng cần chính xác, kịp thời, và minh bạch để người dân đưa ra quyết định sáng suốt nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.

Đại diện WHO cho biết các xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi sẽ tiếp tục phát hiện các ca mắc, bao gồm cả với trường hợp nhiễm Omicron. 

Song song đó là quá trình nghiên cứu để xác định xem liệu biến chủng có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, hay không.

Theo đại diện WHO, các biện pháp kiểm soát biên giới có thể trì hoãn quá trình virus xâm nhập nhưng mọi quốc gia và cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt tăng ca mắc Covid-19 mới.

Các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan toàn cầu của biến chủng Omicron. Chúng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế.

“Dựa trên thông tin hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron có thời gian ủ bệnh lâu hơn so với các trường hợp nhiễm chủng khác, bao gồm cả Delta”, ông nói thêm.

Đồng Nai: Xây dựng kịch bản ứng phó với biến chủng Omicron

Sở Y tế Đồng Nai ngày 8/12 đã có văn bản đề nghị giám đốc, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới Omicron.

Theo đó, cần thực hiện nghiêm, có hiệu quả nguyên tắc 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân. 

Trong đó, tập trung vào các trụ cột chính là xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị, đề cao ý thức của người dân.

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị, địa phương trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. 

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, bến xe…, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, trường học.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân từ 12 tuổi trở lên. Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới Omicron như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique) và một số quốc gia khu vực châu Âu.

Đồng thời thực hiện cách ly, xét nghiệm, giám sát, theo dõi người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát điều trị.

Tin liên quan
Tin khác