Quyết định này quy định về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19, bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe.
Ảnh minh hoạ |
Đối tượng áp dụng gồm: các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao quyền tự chủ tài chính năm 2021 theo quy định có tổng nguồn thu, bao gồm nguồn thu sự nghiệp và dự toán chi thường xuyên năm 2021 được ngân sách nhà nước cấp (nếu có) không đủ bảo đảm chi hoạt động thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19; các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19.
Quyết định này không áp dụng đối với các cơ sở được thành lập để thu dung, điều trị người mắc Covid-19 gồm: bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19; bệnh viện điều trị Covid-19; bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19; trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Cần sớm xây dựng môn bệnh lý Covid-19
Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ngành truyền nhiễm nên sớm có môn bệnh lý Covid-19 giảng dạy cho các sinh viên, nhân viên y tế để bất cứ giai đoạn nào dịch Covid-19 xảy ra hay có bất kỳ đại dịch nào tương tự, chúng ta đã có lý thuyết và thực tiễn để chống dịch.
Việt Nam có hệ thống chuyên nghiệp theo dõi sát diễn biến của Covid với các tiêu chí: Sự xuất hiện của chủng mới; Địa phương bùng phát dịch với số lượng lớn; Tiêu chí ca nặng nhập viện và tử vong. Khi bám sát tiêu chí này sẽ xây dựng được hệ thống phản ứng trong sự thay đổi của dịch bệnh để nếu dịch bùng phát trở lại sẽ có biện pháp tương tự. Theo đó, khi dịch thoái trào sẽ có biện pháp phòng chống giảm bớt mức phòng, chống trên diện rộng.
Khi dịch Covid-19 ra đời có nhiều lý thuyết mô hình cũ bị phá sản. Do đó, sự biến đổi của môi trường rất sợ sẽ còn những dịch diễn biến phức tạp tương tự như Covid-19. "Tôi rất mong điều này không xảy ra, nhưng nếu có thì khi đó ngành Covid học sẽ là ngành có kinh nghiệm chữa cho đại dịch khác trong tương lai", ông Hiếu nói.
Covid-19 là đại dịch có sức tác động lớn đầu tiên trên thế giới nên các mô hình sẽ xây dựng theo thời gian. Việt Nam tự tin có đủ kiến thức, nhưng ngành y tế cũng lo ngại sự thiếu hụt của nguồn lực.
Hệ thống y tế công đã oằn mình chống dịch suốt thời gian qua. Hiện chúng ta có phương án chống dịch, có lý thuyết, kinh nghiệm nhưng điều lo nhất hiện nay là vấn đề có đủ nguồn lực dự trữ để có thể đối diện với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới hay bất kỳ dịch nào khác.
Hiện vắc-xin là cứu cánh của hệ thống y tế toàn thế giới, là phương pháp điều trị cơ bản để khống chế được dịch. Còn tất cả phương pháp điều trị thông thường như đang chữa bệnh Covid-19 hiện nay không thể nào làm giảm tỷ lệ tử vong xuống thấp và không bao giờ kết thúc được đại dịch Covid-19.
Việc giải thích cho người dân hiểu về vắc-xin để tiêm là quan trọng nhất. Đồng thời, việc tiêm mũi bổ sung cần cá thể hóa từng trường hợp, đòi hỏi vai trò lớn của y tế cơ sở.
Ngành y tế phía Nam tìm cách níu chân nhân viên y tế
Trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt khiến hệ thống y tế tại một số tỉnh phía Nam rơi vào cảnh thiếu hụt nhân lực trầm trọng đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở.
3 nguy cơ lớn là: dịch chồng dịch; thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và nguy cơ lớn nhất là khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn đến đứt gãy hệ thống y tế. Vì thế, các tỉnh thành cũng đang kiến nghị nhiều giải pháp nhằm giữ chân nhân viên y tế.
Nguyên nhân chính khiến lực lượng nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt là thu nhập thấp, trong khi áp lực công việc quá lớn. Hầu hết nhân viên y tế nghỉ việc có tuổi đời trẻ, thời gian gắn bó với nghề chưa dài (từ 10 năm trở xuống), kinh tế chưa vững vàng. Trong xu thế giá cả, chi phí sinh hoạt không ngừng gia tăng như hiện nay, nếu thu nhập không tăng thì tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn tiếp tục xảy ra.
Để giữ chân nhân viên y tế, ngành y tế cần tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật, thu hút người bệnh. Có như vậy, người bệnh mới tin tưởng vào năng lực của cơ sở y tế, tới khám và điều trị, từ đó bệnh viện có thêm nguồn thu, tăng thu nhập cho nhân viên y tế.
Giải pháp trước mắt để giữ chân nhân viên y tế là các cơ sở y tế phải làm sao có cơ chế hỗ trợ về tài chính, thu nhập, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các Sở Y tế cần tập trung hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Trong đó phải đề xuất được giải pháp nhằm giữ chân nhân viên y tế, những người có nhiều đóng góp, nỗ lực vượt qua khó khăn thời gian qua; đồng thời, xem xét lại công năng, nhiệm vụ của các trạm y tế cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ngoài vấn đề lương, thu nhập, cần nghiên cứu giải pháp để giảm tải công việc cho nhân viên y tế.