Cập nhật, chia sẻ các kỹ thuật tiến tiến trong điều trị các bệnh lý tim mạch
Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của hơn 500 chuyên gia y tế trong và ngoài nước, với 27 phiên họp khoa học, 160 bài báo cáo trực tiếp; trong đó có 2 phiên quốc tế do Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam phối hợp với Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ (SCAI) và Hội Tim mạch Can thiệp châu Á - Thái Bình Dương (APSIC) thực hiện.
Hội nghị là diễn đàn để các bác sỹ chuyên ngành tim mạch can thiệp toàn quốc cập nhật, chia sẻ những kiến thức mới, các kỹ thuật tiên tiến nhất đang được ứng dụng trên thế giới trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý tim mạch.
Trong bối cảnh các bệnh lý về tim mạch gia tăng nhanh, vai trò của tim mạch can thiệp ngày càng quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vị toàn cầu. Cùng với ung thư, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người lớn tại các nước phát triển.
Ảnh minh hoạ. Trong ảnh: Phẫu thuật, điều trị các bệnh lý về tim mạch tại Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội |
Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số các nhóm bệnh tật và 72% tổng số tử vong, trong đó tử vong do các bệnh lý tim mạch chiếm 30%. Điều đáng báo động là tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là tử vong sớm do không được can thiệp kịp thời.
Trước đây, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp nhưng ngày nay, bệnh này đã trở nên phổ biến, là bệnh lý gặp thường xuyên tại khắp các bệnh viện trên toàn quốc. Tim mạch Can thiệp đang và sẽ là chuyên ngành mũi nhọn trong ngành tim mạch học Việt Nam và là chính sách y tế công cộng cần được chú trọng trong thời gian tới.
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, tim mạch can thiệp Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ hàng trăm bác sĩ có thể thực hiện thành thạo các kỹ thuật can thiệp khó, nhiều bác sĩ tim mạch can thiệp của Việt Nam trở thành chuyên gia hàng đầu tại châu Á và trên thế giới, thường xuyên được mời giảng dạy, tham gia đoàn chủ tịch, tham gia mổ trình diễn ở nhiều hội nghị tim mạch can thiệp quốc tế và được mời chuyển giao kỹ thuật tại nhiều quốc gia...
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức khai mạc triển lãm khoa học chuyên ngành tim mạch và các lĩnh vực liên quan quy mô lớn đã được tổ chức chuyên nghiệp, giới thiệu tới đông đảo đại biểu tham gia những máy móc, kỹ thuật mới nhất trong ngành tim mạch can thiệp nói riêng và điều trị các bệnh tim mạch nói chung.
Phấn đấu đưa tỉ lệ người trưởng thành sử dụng thường xuyên thực phẩm chức năng lên 80%
Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam vừa tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IV (2022-2027) nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập hiệp hội.
Sau 15 năm hoạt động, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành TPCN Việt Nam, trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý; giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp, cơ quan quản lý.
Lấy công tác tuyên truyền, giáo dục đi trước một bước trong các hoạt động, Hiệp hội đã góp phần nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng quản lý và người tiêu dùng để họ có sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về TPCN và làm cho toàn xã hội "Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng" về TPCN.
Cơ quan thường trực của Hiệp hội đã làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo các hội viên, tạo được sự tin cậy, ủng hộ của các hội viên và của toàn xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng được các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực TPCN và những lĩnh vực liên quan: hoạt chất tự nhiên, y học cổ truyền, luật pháp, sản xuất - kinh doanh, giáo dục, truyền thông... Xây dựng ngành TPCN vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Với 13 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng vào năm 2000, đến năm 2021, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã có hơn 3.100 cơ sở, cung cấp ra thị trường gần 12.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dân. Các mặt hàng trong nước chiếm ưu thế trên thị trường (khoảng 60-80%).
Tỷ lệ người sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng đã tăng lên 58,5% dân số trên 18 tuổi. Đến năm 2027, Việt Nam phấn đấu nâng tỷ lệ sản xuất thực phẩm chức năng trong nước lên 80%, đưa tỷ lệ số người trưởng thành sử dụng thường xuyên lên 80%.
Đánh giá cao những đóng góp của hiệp hội trong việc tham gia với cơ quan quản lý của Bộ Y tế để xây dựng các chính sách, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thực phẩm chức năng, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Y tế trong việc đấu tranh, ngăn chặn và phê phán các hành vi tiêu cực của một số ít các doanh nghiệp cố tình vi phạm, làm xấu đi hình ảnh của ngành thực phẩm chức năng Việt Nam.
Nhiệm kỳ IV (2022-2027), Ban chấp hành Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam với 37 thành viên tiếp tục tập trung vào mục tiêu phát triển thực phẩm chức năng thành một ngành kinh tế y tế mang tính dân tộc, khoa học, hiện đại, hội nhập phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đại hội thống nhất bầu PGS.TS Trần Đáng tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, bác sĩ Phạm Hưng Củng là Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội.
TP.HCM: Triển khai bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2022
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ban hành công văn về việc triển khai Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2022.
Chiến dịch bổ sung vitamin A đại trà sẽ diễn ra từ ngày 19/12 đến ngày 30/12 dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi (chưa uống bổ sung vitamin A liều cao trong tháng 12 năm 2022).
Bên cạnh đó, bổ sung vitamin A thường xuyên không theo chiến dịch cho các bà mẹ sau sinh (trong vòng 1 tháng) và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A (tiêu chảy kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ bị nhiễm sởi).
Tùy điều kiện của từng địa phương, có thể tổ chức cho trẻ uống vitamin A tại nhiều điểm ở khu dân cư. Tổ chức triển khai Chiến dịch một cách phù hợp, bảo đảm đủ cơ số thuốc, an toàn, hợp vệ sinh và theo hướng dẫn chuyên môn.
Trước đó, ngày 1/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã ban hành công văn số 5540/TTKSBT-KDD về việc tạm hoãn triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt 2 năm 2022 trên địa bàn TP.HCM do chưa nhận được nguồn thuốc vitamin A từ Viện Dinh dưỡng để thực hiện chương trình.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông báo các đơn vị liên quan đến nhận thuốc vitamin A vào ngày 14/12 để chuẩn bị triển khai chiến dịch.