Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc-xin đến hết năm 2022 và kết hoạch sử dụng vắc-xin năm 2023. Trên cơ sở đề xuất nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 của các địa phương, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện kế hoạch phân bổ vắc-xin đến hết năm 2022 và kế hoạch sử dụng năm 2023.
Ảnh minh hoạ |
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ địa phương triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm triển khai của các quốc gia để đưa ra khuyến cáo và xác định nhu cầu vắc-xin tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi nếu đủ cơ sở và bằng chứng khoa học triển khai tiêm chủng.
Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp.
Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch
Trong tờ trình, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở Kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO với 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/ theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.
TP.HCM đã có 17 ca tử vong do sốt xuất huyết kể từ đầu năm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, thành phố ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy đã có 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, tăng 14 ca so với năm 2021.
Trong tuần đầu tiên của tháng 8 (từ ngày 1-7/8), TP.HCM ghi nhận 3.066 ca bệnh sốt xuất huyết, tương đương so với số mắc tuần trước, giảm 6,4% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó số ca nội trú giảm 3,5% và ngoại trú giảm 9,4%.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc có xu hướng giảm so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm.
Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 39.449 trường hợp mắc bệnh do sốt xuất huyết, tăng 378,8% với cùng kỳ năm 2021, với số ca sốt xuất huyết nặng là 679 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết tính đến tuần qua là 1.72%, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng trong tuần qua, có 7/22 quận huyện có số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước, bao gồm Quận 1, Quận 6, Quận 8, Quận 11, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình. Riêng Quận 11 có số ca bệnh trong tuần 32 tăng báo động so với trung bình 4 tuần trước.
TP.HCM cũng ghi nhận thêm 181 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh ở 96 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; giảm 18 ổ dịch mới so với tuần 30.
Ninh Thuận: Tăng cường luân phiên bác sĩ từ Trung tâm về Trạm y tế
Theo Sở Y tế Ninh Thuận, địa phương sẽ triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các đơn vị trực thuộc; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung tâm Y tế huyện, thành phố và Trạm Y tế xã, phường để góp phần duy trì đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Triển khai đào tạo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, quy định chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ y tế cơ sở và chuyên ngành hiếm giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục thực hiện Đề án 1816, bao gồm tiếp nhận các kỹ thuật điều trị từ tuyến trên và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tăng cường quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần phân liệt, động kinh, hen phế quản và bệnh phổi tắt nghẽn; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa...
Nâng cấp Trạm y tế xã và bảo đảm các điều kiện đạt tiêu chí quốc gia; phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn ở vùng Ninh Thuận đạt tiêu chí quốc gia và duy trì đến năm 2030. 100% trạm y tế có nữ hộ sinh và 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc. Ưu tiên phát triển nguồn lực cho ngành y tế, phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 11 bác sĩ/vạn dân; 35 giường bệnh/10.000 dân....
Nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, trong cả 2 lĩnh vực phòng bệnh và khám chữa bệnh. Thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho Trạm Y tế, gắn kết chặt chẽ hoạt động của Trung tâm Y tế và Trạm y tế.
Tăng cường luân phiên bác sĩ từ Trung tâm Y tế về Trạm y tế để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Trạm y tế. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc để sơ cứu, khám chữa bệnh thông thường cho người dân tại Trạm y tế...
Bổ sung nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở từ thôn đến xã, huyện, bảo đảm đủ nhân lực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe, khám bệnh chữa bệnh cho người dân...