Cẩn trọng với đột quỵ tim khi trời lạnh
Theo các chuyên gia y tế đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm.
Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm…
Ảnh minh hoạ. |
Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim.
Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này.
Để phòng ngừa đột quỵ tim hoặc tái phát bệnh trong mùa lạnh, PGS-TS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thông tin, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây, kiêng rượu, bia, thuốc lá…
Vào mùa đông, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính (COPD) lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh, hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Bên cạnh đó, những người từ 30-45 tuổi có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ, người từ 45-55 tuổi có 1 yếu tố nguy cơ và người trên 55 tuổi nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ tim định kỳ, đặc biệt là trước mỗi đợt rét đậm, rét hại để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ tim và can thiệp kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo khi có một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp cần nhanh chóng đến bệnh viện như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức.
Cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày; tê mỏi tay chân; xây xẩm, chóng mặt; ngất xỉu.
Ngoài đột quỵ tim, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm xấu dễ gặp phải đột quỵ não mùa lạnh là vào rạng sáng hoặc nửa đêm. Do đó, để giảm thiểu những rủi ro của đột quỵ vì tác động của thời tiết, khí hậu, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
Thiết lập khẩu phần ăn có dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đẩy lùi nguy cơ đột quỵ mùa lạnh đến từ bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu do vậy người dân nên tuân thủ các chế độ ăn uống hợp lý như:
Gia tăng khẩu phần ăn có các loại rau củ quả, đậu, ngũ cốc tốt cho sức khỏe; chọn thịt trắng, hải sản, trứng để giúp bổ sung protein, hạn chế thịt đỏ; hạn chế đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn nhanh;
Hạn chế sử dụng các đồ uống có chứa nhiều đường; không nên dùng mỡ động vật để nấu nướng, chế biến thức ăn. Chẳng hạn như mỡ lợn đồng thời tránh ăn nhiều thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành; tăng cường uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành.
Vận động, tập thể dục đều đặn: Tập thể dục, vận động cơ thể có vai trò tăng cường lưu lượng tuần hoàn máu trong cơ thể, cải thiện sức khỏe, nhịp tim khỏe mạnh. Vì thế, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và 4 lần/ tuần để phòng tránh nguy cơ cao mắc tim mạch và đột quỵ mùa lạnh.
Giữ ấm cho bản thân: Nhiễm lạnh là yếu tố chính dẫn đến cao huyết áp làm cho mạch máu chịu áp lực và bị vỡ. Do đó, bạn nên giữ ấm cho bản thân đặc biệt là những người cao tuổi trong thời tiết mùa đông.
Hút thuốc lá, uống rượu bia mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến đột quỵ mùa lạnh tăng cao. Trong đó, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nếu bạn duy trì lối sống khỏe, bỏ thuốc lá từ 2 - 5 năm thì nguy cơ đột quỵ ngang bằng với người chưa hút thuốc bao giờ.
Chuyên gia cũng khuyến cáo việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ là một trong các cách giúp ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh cũng như có biện pháp phòng ngừa với người có tiền sử đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra kế hoạch điều trị tối ưu để kiểm soát tình trạng của bệnh hiệu quả, an toàn.
Tăng cao trẻ mắc đái tháo đường
Vừa qua, Phòng Khám Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân 4 tuổi, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP.Hà Nội vào khám trong tình trạng ho, sốt.
Theo mẹ của bé, từ trước đến nay cháu không phát hiện mắc bệnh lý. Trong vòng 3 tuần gần đây cháu sút 3kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu trong tình trạng nhiễm toan nặng và lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l. Khi đến viện các bác sĩ kết luận bé Mẹ mắc đái tháo đường rất nặng. Ngay trong đêm nhập viện cháu bé đã bị hôn mê, phải thở máy.
Đây là trường hợp mắc đái tháo đường trẻ em không được phát hiện sớm, dẫn tới biến chứng hôn mê, nhiễm toan nguy hiểm tới tính mạng.
Nói về bệnh lý đái tháo đường ở trẻ em, PGS-TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo dự báo của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, số trẻ em từ 0-19 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1 là 1.211.900 ca, trong đó mỗi năm có thêm 149.500 ca mắc mới.
Tại Việt Nam, số liệu tích lũy đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên qua các năm. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện khoảng 10 ca đái tháo đường/năm, thì những năm gần đây, lên tới cả trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường.
Trong 1.000 ca tại Bệnh viện Nhi đang theo dõi và điều trị, có khoảng 30% số ca ở Hà Nội, còn lại 70% số ca mắc ở các tỉnh khác.
Việc đi lại từ các tỉnh về Hà Nội điều trị đã ảnh hưởng đến học tập của trẻ em, cũng như tạo gánh nặng kinh tế và thời gia cho các gia đình.
Còn tại Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, trẻ em mắc đái tháo đường đến khám gia tăng theo từng năm. Nhiều người có suy nghĩ rằng chỉ có trẻ thừa cân, béo phì mới có nguy cơ mắc đái tháo đường nhưng thực tế không phải như vậy.
Lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, nhiều trẻ rất gầy nhưng đã phải nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 ở mức đường huyết cao.
Bên cạnh đó, cũng có một số hiểu lầm cho rằng, rằng đái tháo đường tuýp 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng.
Đái tháo đường tuýp 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ như cha mẹ hoặc anh, chị, em mắc bệnh này.