Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 14/6: Nguy cơ sốt xuất huyết tăng nặng trên nền Covid-19
D.Ngân - 14/06/2022 09:21
Theo chuyên gia, trẻ đã từng mắc Covid-19 trước đó và hiện bị sốt xuất huyết thì khả năng gặp sốc phản vệ cao hơn nhóm trẻ chưa từng nhiễm Covid-19.

Cả nước ghi nhận 856 ca Covid-19 mới

Tính từ 16h ngày 13/6 đến 16h ngày 14/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 856 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành phố, có 664 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-51), Hải Phòng (-23), Hà Nội (-6). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lai Châu (+41), Nghệ An (+37), Đà Nẵng (+30).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 775 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.733.285 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.372 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.725.519 ca, trong đó có 9.566.071 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.225), TP. Hồ Chí Minh (609.699), Nghệ An (485.092), Bắc Giang (387.640), Bình Dương (383.791).

6.365 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.568.888 ca; thở ô xy qua mặt nạ: 36 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy không xâm lấn: 0 ca; thở máy xâm lấn: 4 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 13/6 đến 17h30 ngày 14/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.511.370 tương đương 85.820.575 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 223.974.640 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.106.445 liều: Mũi 1 là 71.486.508 liều; Mũi 2 là 68.819.089 liều; Mũi 3 là 1.507.420 liều; Mũi bổ sung là 15.023.579 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.115.279 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.154.570 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.507.931 liều: Mũi 1 là 8.951.604 liều; Mũi 2 là 8.556.327 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.360.264 liều: Mũi 1 là 4.692.699 liều; Mũi 2 là 667.565 liều.

Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng

Theo ECDC, mặc dù ở thời điểm hiện tại, phần lớn các nước EU đều ghi nhận tỷ lệ ca mắc 2 biến thể này ở mức thấp, song cũng có nước, như Bồ Đào Nha, ghi nhận số ca mắc 2 biến thể này tăng vọt.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 13/6 cảnh báo 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU) trong vài tuần tới.

Điều quan trọng, mặc dù 2 biến thể phụ này không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng do Covid-19, song vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong, gây áp lực cho hệ thống y tế. ECDC khẳng định với diễn tiến dịch bệnh hiện nay, BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước EU.

Theo số liệu thống kê của worldometers.info, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, châu Âu ghi nhận 198.789.669 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.847.694 ca tử vong.

Tại Việt Nam theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn;

Các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch do tiêm vắc-xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững.

Gia tăng các dịch bệnh mùa hè

Ngoài nỗi lo Sars-Cov-2, hệ thống y tế có nguy cơ quá tải do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng… đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây. Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh, vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch tập trung truyền thông về đẩy mạnh tiêm chủng; Đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Nhiễm sốt xuất huyết dễ nặng hơn trên nền hậu Covid-19

Theo chuyên gia nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu Covid-19 là rất lớn. Trẻ đã từng mắc Covid-19 trước đó giờ bị sốt xuất huyết thì khả năng gặp sốc phản vệ cao hơn nhóm chưa từng nhiễm Covid-19.

Trong thời gian gần đây một số cơ sở y tế đã đã tiếp nhận một số trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19 kèm theo bệnh sốt xuất huyết. 

Cho tới nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về những trường hợp này nhưng các chuyên gia nhận thấy trẻ đã từng mắc Covid-19 trước đó giờ mắc sốt xuất huyết thì khả năng gặp sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm Covid-19. Từ đó có thể thấy Covid-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết.

Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Khi viêm đa hệ thống hậu Covid-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông.

Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Chuyên gia cũng cảnh báo rằng, trẻ có thể bị sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời.

Khi nhập viện trễ quá trình điều trị rất khó khăn và trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí là tử vong.

Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc Covid-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. 

Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.

Các bác sĩ cần phải khai thác bệnh sử của trẻ cẩn thận khi tiếp nhận trẻ có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Cần xét nghiệm thêm phản ứng viêm, cân nhắc cẩn trọng để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19

Tin liên quan
Tin khác