Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao
Số mắc tăng hơn 5 lần, số ca tử vong tăng 5,3 lần so năm 2021. Đáng lo ngại, từ đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so cùng kỳ năm trước), trong đó có 3 ca tử vong.
Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang gia tăng. |
Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: TP.HCM, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đối với covid-19, trong tháng 3/2023 cả nước ghi nhận 384 ca (giảm 8,6% so tháng 2), tuy nhiên hiện số ca mắc covid-19 có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Cụ thể, trong 7 ngày qua (từ ngày 6/4 đến ngày 12/4), cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so 7 ngày trước đó. Riêng ngày 13/4, ghi nhận gần 500 ca mắc mới.
Bệnh tay, chân, miệng ghi nhận hơn 66 nghìn trường hợp mắc, có 3 ca tử vong (số mắc tăng 1,7 lần, số ca tử vong giảm 8 ca). Bệnh dại, ghi nhận 70 ca tử vong, tăng 4 ca so năm 2022.
Riêng bệnh covid-19, tích lũy từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11.000 ca, trong đó có hơn 43.000 ca tử vong.
Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn; các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vắc-xin dự phòng trong nước như cúm, sởi... cơ bản được kiểm soát.
Theo Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân tình hình dịch bệnh ở nước ta gia tăng thời gian qua là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa;
Tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm; sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán.
Trong khi đó, việc hướng dẫn, thể chế hóa, các chủ trương, chính sách thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện;
Hạn chế đầu tư, huy động nguồn lực xã hội dẫn đến hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân; tỷ lệ tiêm chủng một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiếu số sinh sống; tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chưa đạt mong muốn.
Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2023, Phó Cục trưởng Nguyễn Lương Tâm cho biết thêm, dịch covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan (Marburg, cúm A (H5N1).
Mặt khác, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn; một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn; số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm.
Hà Nam: Tăng cường phòng chống, kiềm chế dịch covid-19
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hà Nam, tình hình dịch covid-19 trong 7 ngày qua có xu hướng gia tăng. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 42 ca mắc mới, trong đó có 4 ca đang có diễn biến nặng.
Riêng trong ngày 14/4, tỉnh Hà Nam ghi nhận 24 ca mắc mới. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng covid-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chưa đạt 80% theo mục tiêu đề ra.
Trước diễn biến mới về dịch covid-19 trong nước, ngày 14/4, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 706 về tăng cường công tác phòng, chống dịch covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Hà Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Giao Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo, hướng dẫn đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra, tiêm đúng lịch, đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp Sở Y tế và các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuyên truyền, vận động, rà soát, lập danh sách các đối tượng tham gia tiêm chủng phòng covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao, các nhóm tiêm chưa đạt tỷ lệ miễn dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các đơn vị chủ động triển khai công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn;
Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị các phương án và tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt các nhóm nguy cơ cao, như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch..
Đặc biệt, khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Bệnh nhi nguy hiểm tính mạng vì bị nhỏ nhầm Acid trichloracetic
Bệnh nhi 3 tháng tuổi bỏng khoang miệng vì bị nhỏ nhầm thuốc Acid trichloracetic
Mẹ bệnh nhi M.A chia sẻ, do trong gia đình có người bị mụn cóc nên đã mua thuốc Acid trichloracetic 80% (là một chất tương tự acid axetic, được sử dụng cho điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân) về điều trị.
Lọ thuốc này được đặt cạnh các loại thuốc dùng cho bé. Vào buổi sáng, khi người nhà lấy lọ vitamin D3 để nhỏ cho bé uống, do không để ý nên đã lấy nhầm lọ Acid trichloracetic 80% để ngay bên cạnh (do hình dáng và màu sắc của hai lọ giống nhau).
Ngay sau khi nhỏ thuốc vào miệng cho cháu, gia đình thấy xuất hiện chất màu trắng mỏng trong khoang miệng, cháu quấy khóc nhiều.
Lúc này gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn và đã sơ cứu tại nhà bằng cách lấy khăn thấm nước lau miệng cho con và đưa ngay đến Đơn vị Bỏng-Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé M.A được chẩn đoán bỏng hóa chất khoang miệng độ III. Đều đặn hằng ngày, các y, bác sĩ đã tiến hành các biện pháp điều trị cho bé. Sau một thời gian điều trị tích cực, hiện sức khoẻ bé ổn định và đã được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Công Sáng, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị Bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bỏng hóa chất là tình trạng bỏng do các loại hóa chất như acid hoặc bazơ gây ra.
Bỏng hóa chất có thể gây ra các tổn thương trên da hoặc niêm mạc các khoang trong cơ thể, bỏng sâu có thể tổn thương đến gân cơ, xương hoặc các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.
Theo bác sĩ Sáng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bỏng hoá chất ở trẻ em, trong đó có sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ.
Trường hợp bé M.A may mắn chỉ uống nhầm lượng nhỏ (theo giọt), diện bỏng không lớn, nên khi được điều trị đúng sẽ hạn chế tối đa được các di chứng sau này.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp bỏng acid qua đường miệng, nếu nặng thì để lại những di chứng nặng nề do sẹo hẹp đường tiêu hóa, hô hấp trên. Chưa kể, trẻ có thể gặp những biến chứng nặng nề do loét đường tiêu hóa, loét thủng mạch máu thực quản có thể nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Thời gian qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận các trường hợp trẻ ngộ độc do uống nhầm hóa chất đựng vào các chai nước lọc, nước ngọt hoặc cha mẹ nhỏ nhầm acid, cồn 90 độ vào mũi, miệng trẻ… trong đó không ít ca rơi vào tình trạng cấp cứu nguy kịch tính mạng.