Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Sở Y tế TP.HCM |
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc-xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" với thông điệp "Thực hiện – 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Tổng kết công tác Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, sức khoẻ sinh sản năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023
Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em/Chăm sóc sức khoẻ sinh sản năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2022, hệ thống y tế nói chung, mạng lưới Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em/Chăm sóc sức khoẻ sinh sản trên toàn quốc đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vừa tham gia tích cực trong công tác giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, vừa thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Y tế giao cho lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 của toàn ngành Y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục duy trì cung ứng các dịch vụ chăm sóc phụ nữ có thai, bà mẹ sau sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh ngay cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: Mạng lưới chăm sóc được củng cố và phát triển, công tác quản lý điều hành ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả và toàn diện; hợp tác quốc tế ngày càng được củng cố và tăng cường; sự phối hợp hỗ trợ, lồng ghép giữa các hoạt động quản lý nhà nước với các Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án đem lại hiệu quả thiết thực.
Hoạt động chỉ đạo chuyên môn, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật được đẩy mạnh; Các chỉ tiêu về chuyên môn như chăm sóc trước, trong và sau sinh, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng thấp còi đều đạt tốt hơn so với năm 2021, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Y tế.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn tồn tại như: Tử vong trẻ em tuy đã giảm nhưng còn có sự chênh lệch, cách biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc; Tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em đã có xu hướng chậm lại rõ rệt trong những năm gần đây;
Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn cao ở một số khu vực. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em lại có xu hướng gia tăng ở khu vực đồng bằng và thành thị;
Tỷ lệ phụ nữ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ có xu hướng gia tăng.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị còn khó khăn, chưa đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn được giao cũng như nhu cầu công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản của nhân dân ngày càng cao;
Đội ngũ cán bộ chuyên ngành sản, nhi còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế nhất là ở tuyến huyện và xã, vùng sâu, vùng xa; Đầu tư ngân sách còn hạn hẹp, chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân.
Những thực tế trên đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp, hành động quyết liệt hơn trong công tác công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong giai đoạn tới.
Đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 13399/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh.
Căn cứ Công văn số 2545/SYT-NVD ngày 29/11/2022 của Sở Y tế tỉnh Yên Bái và Công văn số 59/BC-TTKN ngày 23/11/2022 của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Yên Bái gửi kèm Phiếu kiểm nghiệm số 22L- 63MP ngày 23/11/2022 và hồ sơ liên quan báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 (Số lô: BA001#21; NSX: 14/01/2022; HSD: 03 năm kể từ ngày sản xuất; trên nhãn sản phẩm ghi thông tin: “Nhà nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh, 29/150 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Số GPLH: 149758/21/CBMP-QLD; MFG: Kolmar Korea Co., Ltd; Made in Korea”.
Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Yên Bái lấy mẫu tại Hộ kinh doanh Đinh Ngọc Toàn (Địa chỉ: Số nhà 48, đường Đinh Tiên Hoàng, tổ 8, phường Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) để kiểm tra chất lượng.
Mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu định tính Tocopheryl acetate, có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng lô mỹ phẩm, trả về cơ sở cung ứng sản phẩm và tiến hành thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả về từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định. Gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/01/2023.
Đề nghị Sở Y tế TP. Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm. Giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 31/01/2023.