Cải tiến chất lượng Bệnh viện đã trở thành phong trào trong hệ thống khám, chữa bệnh
Phát biểu tại Lễ Gala Tổng kết, GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã biểu dương Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Ban Tổ chức Diễn đàn và tất cả các bệnh viện đã gửi poster.
Đại diện Bộ Y tế trao thưởng cho 6 tác giả đoạt giải. |
Theo Thứ trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phát động phong trào và có đông đảo bệnh viện hưởng ứng. Những đơn vị chưa đạt giải cần tiếp tục cải tiến để đạt kết quả cao hơn.
Trước Diễn đàn 2 tháng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phát động phòng trào thi đua và đề nghị các bệnh viện gửi bài trình bày và poster.
Tổng số có 150 bài trình bày và gần 500 poster đã gửi về. Ban tổ chức đã chọn các bài trình bày xuất sắc của các bệnh viện về cải tiến chất lượng và mời báo cáo tại Diễn đàn, đồng thời đã chấm và xét chọn được 148 poster tiêu biểu vào chung kết, để in và trình chiếu.
Theo Ban Tô chức, trong các đơn vị gửi về có 32 poster thuộc 22 đơn vị tuyến trung ương, 71 poster thuộc 56 đơn vị tuyến tỉnh, 22 poster thuộc 20 đơn vị tuyến quận/huyện, 23 poster thuộc 23 đơn vị khối tư nhân. Tích cực nhất là Sở Y tế tích TP.HCM có tới 93 Poster của các đơn vị trực thuộc, riêng của Sở Y tế TP.HCM đã tham gia 7 poster.
Ban Tổ chức đã trao đã trao 6 giải Nhất, 26 nhì, 57 giải Ba, 58 Giải Khuyến khích cho các Poster về cải thiến chất lượng bệnh viện.
Trong 6 Giải nhất về Poster đề án cải tiến chất lượng bệnh viện, các bệnh viện, Sở Y tế khu vực phía Nam chiếm ưu thế. Đó là Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM với cải tiến quy trình và phương thức thanh toán viện phí (Tiêu chí A4.3);
Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM cải tiến chất lượng quy trình khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú “Tròn khâu- Tại chỗ- Một điểm dừng” (tiêu chí A1.3); Sở Y tế TP.HCM với sổ tay khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện (tiêu chí D1.1, D1.3, D3.3);
Bệnh viện Bà Rịa với Hành trình phát triển hoạt động cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh tại bệnh viện Bà Rịa (Tiêu chí C7.5); Hệ thống BV Vinmec với cải tiến xây dựng văn hoá an toàn tại Hệ thống y tế Vinmec (Tiêu chí D2.2); Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội: Đặt nội khí quản đường dưới cằm trong phẫu thuật chấn thương hàm mặt (Tiêu chí C5.2)
Theo PGS-TS.Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, sau 10 năm triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí, triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đề án bác sĩ gia đình, các nội dung về chất lượng bệnh viện, chuyển giao kỹ thuật, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, bác sĩ gia đình đã được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Công tác quản lý chất lượng bệnh viện đã tạo ra phong trào thi đua trong hệ thống khám, chữa bệnh với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn và chất lượng bệnh viện.
Đề xuất chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung được bảo hiểm y tế chi trả
Theo các chuyên gia y tế, chi phí điều trị ung thư rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc loại trừ dựa vào tiêm vắc-xin HPV, sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ Việt Nam còn thấp.
Nghiên cứu của Bộ Y tế và UNFPA năm 2021 cho thấy, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung thấp là do vaccine HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết, đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị ung thư cổ tử cung.
Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ ung thư cổ tử cung do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2020 đã đưa ra mục tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được ung thư cổ tử cung (90% trẻ em gái được tiêm chủng vắc-xin HPV đầy đủ trước tuổi 15;
70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45; 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị).
Các phương pháp sàng lọc UTCTC ở Việt Nam gồm VIA (QS bằng mắt thường với axit axetic), độ nhạy 40-70%, độ đặc hiệu 88 - 95% (thực hiện 3 năm/lần).
Xét nghiệm tế bào CTC (Pap's test), độ nhạy 50-55%, độ đặc hiệu 96.8% (thực hiện 3 năm/lần) và Xét nghiệm HPV độ nhạy 94.6%, độ đặc hiệu 94.1% (5 năm/lần). Như vậy xét nghiệm HPV là một trong các biện pháp sàng lọc, phòng ngừa bệnh hiệu quả và có giá trị lâu dài.
Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế thông tin, trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, người có bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; Khám bệnh để đánh giá nguy cơ đối với một số bệnh (ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, C…..);
Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi sẽ thực hiện xây dựng danh mục bệnh được quỹ thanh toán chi phí khám sàng lọc; Xác định đối tượng, điều kiện được quỹ thanh toán chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú, khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, C; Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản …
Cảnh báo bệnh viêm phổi cộng đồng có xu hướng gia tăng
Ngày 19/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết nơi này liên tục tiếp nhận các các bệnh viêm phổi mắc phải ở cộng đồng. Đáng lưu lý, có nhiều người bệnh còn trẻ tuổi, không có bệnh nền nhưng mức độ tổn thương phổi khá nặng nề.
Được biết, theo thống kê từ Khoa Nội hô hấp, Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 10 – 15 ca bệnh mắc viêm phổi cộng đồng. Riêng trong tháng 11 và đầu tháng 12, số ca bệnh có xu hướng tăng đột biến cả về số lượng và mức độ.
Mới đây nhất là trường hợp người bệnh nữ 34 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, không mắc bệnh lý mạn tính, vào viện vì ho khạc đờm, sốt, khó thở. Người bệnh tự dùng kháng sinh đường uống tại nhà nhưng tình trạng không cải thiện.
Xét nghiệm cho thấy chỉ số viêm tăng cao, phim chụp ngực ghi nhận thâm nhiễm viêm cả hai phổi. Người bệnh được điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch tích cực, xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân khác (lao, u phổi,…). Bệnh cải thiện, sức khỏe người bệnh ổn định và ra viện sau 10 ngày điều trị.
Theo các chuyên gia, viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các phế nang, tiểu phế quản, phế quản tận,… Viêm phổi xảy ra ở ngoài cộng đồng dân cư được gọi là viêm phổi cộng đồng.
Khi bị viêm phổi, trong các phế nang của người bệnh chứa đầy dịch viêm xuất tiết, gây ra các triệu chứng lâm sàng và biến đổi trên phim chụp ngực.
Viêm phổi có thể do nhiều tác nhân gây ra như vi khuẩn, virus, nấm, do thuốc. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, viêm phổi cộng động có thể xảy ra ở mọi người, kể cả người khỏe mạnh, không có bệnh nền.
Do vậy, trước tình trạng bệnh có xu hướng gia tăng như hiện nay, người dân cần tiêm vaccine phế cầu phòng ngừa viêm phổi, tiêm vắc-xin phòng cúm, đặc biệt người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như COPD, suy tim mạn…
Bên cạnh đó, thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao. Rửa tay thường xuyên và đúng cách, che miệng và mũi bằng khẩu trang để ngăn ngừa nguồn bệnh, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh dùng chung đồ cá nhân, tránh tiếp xúc với những người mắc/nghi mắc bệnh.
Giữ ấm cơ thể, nếu bị cảm lạnh cần chú ý điều trị khỏi, tránh để chuyển thành viêm phổi. Không hút thuốc, tránh môi trường có khói thuốc.