Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 20/3: Tập trung nguồn lực cứu chữa các trường hợp ngộ độc tại Quảng Nam; Hà Nội phòng, chống sốt xuất huyết
D.Ngân - 20/03/2023 09:39
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về việc cứu chữa bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Tập trung nguồn lực cứu chữa các trường hợp ngộ độc tại Quảng Nam

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các cơ sở y tế tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân 10 trường hợp người dân bị ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua tại Quảng Nam.

Sau khi nhận được thông tin về 10 trường hợp người dân sau khi ăn cá chép muối ủ chua đã xuất hiện tình trạng ngộ độc và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam.

Để phối hợp Bệnh viện cấp cứu, điều trị bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ đến trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam.

Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa và Viện Pasteur Nha Trang đã tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Để tiếp tục cứu chữa, tìm nguyên nhân và phòng, chống ngộ độc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đánh giá cao Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam và Viện Pasteur Nha Trang đã chủ động, tích cực và phối hợp kịp thời để cấp cứu, chống độc, điều trị cho người bệnh, đồng thời tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam và các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân.

Trong trường hợp cần huy động sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện khác, Bộ Y tế sẽ huy động các bệnh viện hỗ trợ.

Cục đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến cáo cho người dân, cộng đồng về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn (đặc biệt truyền thông để người dân biết được các thông tin về ngộ độc Botulium theo hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulium ban hành kèm theo Quyết định số 3875/QĐ-BYT ngày 7/9/2020 của Bộ Y tế như loại thực phẩm gây ngộ độc, cách sử dụng thực phẩm để loại bỏ độc tố, các dấu hiệu nghi ngờ để đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh…).

Hà Nội: Triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết năm 2023

Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 984/KH-SYT về triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn.

Tại Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành địa phương, hàng năm đều ghi nhận số mắc cao so với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 19.668 trường hợp mắc SXHD, số mắc tăng nhiều so với năm 2021.

Sở Y tế cũng xây dựng các tình huống dịch. Cụ thể, đó là tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn, trong đó có các tình huống như: Khi chưa có bệnh nhân; Khi có bệnh nhân, nhưng chưa có ổ dịch; Khi xuất hiện ổ dịch.

Tiếp đến là tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; Tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội là đơn vị thường trực trong công tác phòng, chống dịch của Ngành.

Đơn vị này tăng cường công tác dự báo dịch, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định, đồng thời tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên địa bàn thành phố.

CDC Hà Nội xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch sốt xuất huyết chi tiết, cụ thể theo từng cấp độ dịch.

Đơn vị phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động điều tra và xử lý ổ dịch, thực hiện điều tra, giám sát khác theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đơn vị này cũng là đầu mối xây dựng kế hoạch và triển khai phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (ngày 15/6/2023), xây dựng và phổ biến nội dung các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại đơn vị.

Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân nhắc sốt xuất huyết.

Các cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế tham gia công tác khám cấp cứu điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Các bệnh viện tuyến trên thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã xây dụng và triển khai kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết năm 2023 theo từng cấp độ dịch; Đề xuất UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết, các tổ giám sát và huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương.

Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Y tế phát triển triển khai đánh giá việc thực hiện Đề án chủ động phòng chống SXH trên địa bàn để rút kinh nghiệm và có phương án thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

Kiện toàn đội đáp ứng tuyến nhanh quận, huyện, thị xã theo hướng dẫn tại quyết định 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 của Bộ Y tế về công tác ban hành “Hướng dẫn thiết lập và đội đáp ứng vận tải” ứng dụng nhanh” dưới sự hướng dẫn của CDC Hà Nội; Bố trí đủ và ổn định nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch đáp ứng công tác giám sát, điều tra và xử lý dịch vụ.

Tin liên quan
Tin khác