Người nhà bệnh nhi cho biết, trước vào viện 30 phút, trẻ có chơi đùa cạnh chai thuốc tẩy mốc quần áo, khi gia đình phát hiện thấy chai thuốc mở nắp và miệng trẻ có mùi thuốc tẩy gia đình vội đưa trẻ đi cấp cứu.
Ảnh minh họa. |
Bệnh nhi nhanh chóng được thực hiện rửa dạ dày cấp cứu, truyền dịch thải độc. Bé được nhập viện khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực.
Trước đó, tháng 1/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận bé L.A. (10 tuổi, Nghệ An) trong tình trạng nguy kịch. Theo lời kể gia đình bệnh nhi, bé L.A. sống cùng với ông nội, bố mẹ đi làm xa.
Trưa 18/1 trẻ cùng hai bé khác cùng độ tuổi, đang chơi trong vườn, thấy ống nước màu đỏ, 3 trẻ cùng bẻ ra uống, sau đó khoảng 30 phút L.A. xuất hiện triệu chứng nôn, lơ mơ, co giật.
Trẻ được đưa vào bệnh viện huyện, đặt ống nội khí quản rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc xử trí các bước ban đầu, trẻ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, xác định là ngộ độc thuốc diệt chuột và được chuyển điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.,
Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ tử vong sau gần 1 ngày vào viện dù đã được hỗ trợ tích cực chức năng các cơ quan.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ với rất nhiều hình thái: Vết thương ngoài da, chảy máu, bong gân, gãy xương, chấn thương các tạng, bỏng, đuối nước, ngộ độc, hóc dị vật,...
Thời gian qua, đã không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn đã uống phải nước lau kính, dầu hỏa, dung dịch axetone, các chất tẩy rửa… dẫn đến ngộ độc. Theo các bác sĩ trẻ uống nhầm phải thuốc hay hóa chất thì sẽ rất nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một cặp vợ chồng ở Hà Nội nhập viện do nhầm lẫn nước làm mát động cơ ô tô là nước ngọt và uống hết 2 lon này.
Theo lời kể của gia đình, gia đình được người quen cho 2 lon nước một màu xanh và một màu đỏ.
Nhìn vỏ lon, hai vợ chồng nghĩ là bia và nước giải khát có ga nên buổi tối sử dụng uống trong bữa cơm. Thấy loại nước không có mùi vị, nên gia đình tra cứu trên mạng theo chữ trên vỏ lon, thì mới biết đó là nước làm mát động cơ ô tô.
Hai vợ chồng đã đến Bệnh viện 108 và được rửa dạ dày tại Khoa Cấp cứu, rồi chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực theo dõi. Nhờ phát hiện và xử trí kịp thời, hai bệnh nhân may mắn không có triệu chứng nghiêm trọng và xuất viện sau 3 ngày.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (54 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) ngộ độc do uống nhầm cồn.
Trước khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhân có uống nhầm khoảng 100 ml cồn, sau đó thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ.
Trung tâm đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 56%. TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, loại cồn sát trùng thực sự chúng ta cần dùng phổ biến là ethanol, còn cồn công nghiệp methanol thì lại là hóa chất độc hại không được dùng làm sát trùng.
Các bác sĩ cảnh báo, đối với các trường hợp trẻ uống phải các chất tẩy rửa tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, suy hô hấp.
Do đó, các gia đình cần hết sức cẩn trọng đối với các hóa chất, chất tẩy rửa tại gia đình. Đặc biệt là không nên đựng trong các loại chai dễ nhầm lẫn với nước uống.
Ngay khi phát hiện trẻ uống phải chất tẩy rửa cần uống thật nhiều nước để làm loãng lượng dung dịch và đưa đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị.