Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét công bố hết dịch Covid-19
Theo đó, công văn nêu, xét báo cáo số 626 ngày 13/5/2023 của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch. Công văn yêu cầu Bộ Y tế trình hồ sơ này để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ảnh minh họa. |
Công văn cũng nêu rằng, Thủ tướng đồng ý việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Y tế tại báo cáo số 626 nêu trên.
Đồng thời giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chuẩn bị nội dung, chương trình, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức họp Ban Chỉ đạo quốc gia vào ngày 27/5/2023 để công bố kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025, ban hành theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, Tổng giám đốc WHO chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ ngày 5/5, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.
Việc dỡ bỏ cảnh báo PHEIC với Covid-19 là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã đạt được tiến bộ trong đối phó bệnh. Tuy nhiên WHO cho biết Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất, ngay cả khi nó không còn là tình trạng khẩn cấp nữa.
Theo dữ liệu của WHO, tỉ lệ tử vong đã chậm lại từ mức cao nhất là hơn 100.000 người mỗi tuần vào tháng 1/2021 xuống chỉ còn hơn 3.500 người trong tuần tính đến ngày 24/4/2023.
Phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh cho bé trai 6 ngày tuổi
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh, thiểu sản cung động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ nặng cho bé trai 6 ngày tuổi, nặng chưa đầy 3 kg.
Bốn năm sau khi sinh con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Ngọc Khanh vui mừng khi có tin vui 2 vạch. Thế nhưng, vào tam cá nguyệt thứ 2, chị bất ngờ khi được thông báo bào thai có bất thường tim qua siêu âm hình thái học.
"Con tôi được chẩn đoán dị tật thiểu sản cung động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ nặng. Đây là một bệnh lý tim bẩm sinh nặng, do cung động mạch chủ không phát triển như bình thường mà bị teo nhỏ. Gia đình rất bàng hoàng", chị Khanh chia sẻ.
Ths. Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, trong bào thai nhờ có ống động mạch mà thai nhi gần như phát triển bình thường. Sau khi bé ra đời, ống động mạch sẽ đóng lại.
Lúc này, nếu có hiện tượng thiểu sản cung động mạch chủ sẽ dẫn đến tình trạng không đủ máu nuôi các phần dưới của cơ thể, bao gồm: tạng (gan, thận, ruột), chi dưới… Nếu không được phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và xử lý ngay sau sinh, bé có thể bị suy tim cấp, sốc tim và tử vong.
Ngày 21/4, chị Khanh sinh mổ khi thai được gần 39 tuần. Các bác sĩ Sản khoa đã phối hợp với bác sĩ Sơ sinh hồi sức cho bé tại phòng sinh, hỗ trợ hô hấp, giữ cho chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy) trên 95%… Sau đó, bé được chuyển ngay về Trung tâm Sơ sinh bằng nôi chuyên dụng. Bác sĩ tim mạch nhi siêu âm tim chẩn đoán ngay tại giường.
TS. Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bé được duy trì mở ống động mạch bằng thuốc Prostaglandin E1.
Các cuộc kiểm tra, siêu âm tim và hội chẩn liên chuyên khoa được thực hiện ngay sau sinh, đồng thời thiết lập chế độ chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt bảo đảm sức khỏe cho bé bước vào ca mổ lúc 6 ngày tuổi.
Các bác sĩ chọn thời điểm phẫu thuật trong vòng một tuần sau sinh để các cơ quan của bé có độ trưởng thành nhất định và tình trạng sức khỏe cũng ổn định hơn, tạo tiền đề cho ca mổ diễn ra an toàn.
Khó khăn lớn nhất là em bé còn quá nhỏ, mới 6 ngày tuổi với cân nặng chưa đầy 3kg. Các mạch máu của trẻ có kích thước rất nhỏ, đòi hỏi các bác sĩ phải có kỹ năng phẫu thuật vi phẫu rất cao. Đặc biệt, trẻ phẫu thuật dưới 2 tuần tuổi phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng chức năng tim, thận, phổi khi các cơ quan chưa ổn định.
Các khâu gây mê, phẫu thuật, hồi sức sau mổ đều chuẩn bị kỹ lưỡng để ca mổ diễn ra thuận lợi, an toàn. Sau 5 giờ cân não, bác sĩ cắt nối thành công chỗ hẹp, cung động mạch chủ được mở rộng. Bé được chuyển về phòng hồi sức tích cực để chăm sóc hậu phẫu.
Sau mổ, bé được các bác sĩ Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo dõi chặt chẽ từ dinh dưỡng, nhiệt độ cũng như huyết động. 7 ngày sau mổ, bé được rút nội khí quản hoàn toàn. Ngày thứ 8, bé được chuyển từ phòng Hồi sức tích cực về Trung tâm Sơ sinh, bắt đầu tự tập thở và tập ăn sữa.
Nghiên cứu ứng dụng, phát triển các kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tổ chức Hội nghị khoa học Xạ trị ung thư nhằm cập nhật, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu ứng dụng và phát triển các kỹ thuật xạ trị hiện đại.
Theo dữ liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng. Trên thế giới hàng năm có trên 18 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư.
Tại Việt Nam, năm 2020 có hơn 180.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 người tử vong vì ung thư. Hậu quả ghê gớm mà ung thư gây ra đang trở thành gánh nặng lớn đối với gia đình bệnh nhân và cả xã hội.
GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, bệnh ung thư luôn là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Để điều trị ung thư không thể dùng một phương pháp mà phải thực hiện đa mô thức.
Trong đó xạ trị là một trong ba phương pháp chủ đạo để điều trị ung thư. Ở Việt Nam, nhờ đời sống kinh tế xã hội phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với sự đầu tư máy móc tiên tiến hiện đại, xạ trị đã có những tiến bộ vượt bậc góp phần quan trọng trong việc tiên lượng điều trị ung thư.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật xạ trị tiên tiến trong điều trị ung thư.
Bệnh viện có quan hệ hợp tác chặt chẽ thường xuyên với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) thông qua Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, với Viện Y học phóng xạ Hàn Quốc KIRAMS, do đó Khoa Xạ trị - Xạ phẫu nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ từ các tổ chức nêu trên và đã từng bước phát triển trưởng thành trong 10 năm qua, trở thành một trung tâm xạ trị có uy tín trong nước và khu vực.
Khoa Xạ trị - Xạ phẫu của Bệnh viện được thành lập từ năm 2013 với lực lượng nhân viên được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, được trang bị các hệ thống máy xạ trị, xạ phẫu tiên tiến, điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư trong và ngoài quân đội.
Đặc biệt, vào tháng 10/2018 để nâng cao hiệu quả điều trị đa mô thức bệnh ung thư, Bệnh viện đã thành lập Viện ung thư gồm 04 khoa: khoa Ung thư tổng hợp, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ và chống đau, khoa Hóa trị và khoa Xạ trị - xạ phẫu.
Viện Ung thư hàng ngày tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Viện liên tục được đào tạo, cập nhật những kiến thức và phương pháp mới nhất để giúp chẩn đoán, điều trị điều trị bệnh nhân ung thư ngày càng hiệu quả.
Nhiều bệnh nhân ung thư đã lựa chọn điều trị tại Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thay vì phải đi nước ngoài điều trị như trước kia.