Phương thức cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam có một số điều chỉnh phù hợp với tình hình mới |
Vẫn còn nhiều mối lo
Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025, chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát dài hạn, nhiều quốc gia trên thế giới đã hạ cấp quản lý Covid-19 xuống ngang bằng cúm mùa. Trước đó, các quy định về khẩu trang, kiểm dịch biên giới đã được dỡ bỏ.
Liên quan vấn đề này, GS-TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế ự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổng giám đốc WHO cũng đã nhấn mạnh, việc công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19 không có nghĩa là dịch bệnh này không còn là mối đe dọa hay ít nguy hiểm hơn.
Vì vậy, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến việc có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng.
“Bên cạnh đó, chúng tôi đa dạng hóa các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên. Việc giám sát ngẫu nhiên ở cửa khẩu không mang tính bắt buộc, nhưng vẫn mang lại lợi ích trong cộng đồng nên người dân cần phối hợp”, GS-TS. Phan Trọng Lân nói.
Hiện nay, nguy cơ của Covid-19 vẫn ở mức cao, bởi dù số ca mắc và tử vong trên toàn cầu giảm, nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có sự biến đổi. Đầu tháng 4/2023, WHO công bố có khoảng 400 - 500 biến thể phụ của Omicron, nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900.
Thay đổi về cách ly và điều trị
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo. Hiện nước ta ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày (trong đó có các trường hợp nhập viện, tử vong), 1/10 trong số này có liên quan đến tình trạng hậu Covid-19. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo, trong thời gian tới, người dân vẫn cần duy trì thực hiện 2K, tiêm vắc-xin, nâng cao ý thức trong việc phòng, chống Covid-19 lâu dài.
Về công tác cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét nội dung về các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách ly đối với người bệnh Covid-19. Về cơ bản, các chuyên gia cũng thống nhất sẽ có một số điều chỉnh, tập trung chủ yếu vào việc sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với Covid-19 theo các khuyến cáo, các bằng chứng mới nhất của WHO và các báo cáo khoa học trên thế giới.
Với câu hỏi, cần làm gì để giảm và hạn chế thấp nhất tử vong do Covid-19 khi trong thời gian qua, số ca mắc có xu hướng gia tăng và vẫn ghi nhận một số ca tử vong, ông Khoa cho biết, qua phân tích, tất cả các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, có bệnh nền, cao tuổi hoặc có rất nhiều bệnh kèm theo, bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước.
Chuyên gia nhận thấy, không phát hiện trường hợp người bệnh Covid-19 tử vong mà không có bệnh nền hay người trẻ tuổi không có
bệnh nền.
Cần nhấn mạnh rằng, những bệnh nhân Covid-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng; những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế thì hầu hết được điều trị tại nhà hoặc được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.
Để giảm tử vong do Covid-19, theo TS. Nguyễn Trọng Khoa, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục cảnh giác với Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh. Các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có những bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi vì, nếu xảy ra lây nhiễm, thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỷ lệ tử vong có thể gia tăng;
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu; các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.
Ngoài ra, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM quá tải, thì các địa phương phải giữ bệnh nhân lại điều trị. Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh Covid-19, triển khai áp dụng mang khẩu trang cho tất cả các khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định.
Đặc biệt, chú trọng bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao; trong trường hợp đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của Covid-19, phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay. Đồng thời theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng Covid-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của vi rút.
“Các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể. Đặc biệt lưu ý những trường hợp không mắc bệnh nền”, ông Nguyễn Trọng Khoa yêu cầu.