Hệ lụy lớn với sức khỏe
Trong một báo cáo mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới công bố, trong 2 năm đầu bùng phát, đại dịch Covid-19 đã cướp đi gần 337 triệu năm tuổi thọ của con người trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 14,9 triệu người đã tử vong do các lý do liên quan Covid-19, qua đó rút ngắn 336,8 triệu năm tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới. |
Những số liệu thống kê cho thấy đại dịch Covid-19 tàn phá toàn cầu và cướp đi sinh mạng của gần 7 triệu người trên thế giới tính đến thời điểm này.
Tuy nhiên, con số trên thực tế được cho là gần 20 triệu người đã tử vong do đại dịch. Theo số liệu chính thức của WHO, trong giai đoạn 2020-2021, khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, thế giới ghi nhận khoảng 5,4 triệu ca tử vong do virus Sars-Cov2 gây bệnh Covid-19 và những biến thể của virus này.
WHO cũng ước tính khoảng 14,9 triệu người đã tử vong do các lý do liên quan Covid-19, qua đó rút ngắn 336,8 triệu năm tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là sự bất bình đẳng trong xã hội, cũng như việc hạn chế trong khả năng tiếp cận vaccine tại nhiều khu vực.
Theo cơ quan trên, đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ nhiều tiến bộ trong dịch vụ y tế mà toàn cầu đã đạt được trong những năm qua.
WHO cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thế giới đã chứng kiến những sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong đó, tỷ lệ tử vong của nhóm đối tượng này đã giảm xuống lần lượt hơn 30% và gần 50% trong giai đoạn 2000-2010.
Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV/AIDS, lao, sốt rét, cũng như nguy cơ tử vong sớm do các bệnh mạn tính cũng giảm một cách đáng kể.
Tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ mức 67 tuổi ghi nhận trong năm 2000, lên 73 tuổi trong năm 2019. Vậy mà đại dịch Covid-19 đã cuốn đi những nỗ lực cải thiện dịch vụ y tế nhiều năm qua, làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, tiêm chủng định kỳ và các vấn đề tài chính.
Ngoài ra, báo cáo công bố thường niên của WHO cũng cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn của các bệnh mạn tính không lây (NCD) như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường.
Cụ thể, trong năm 2019 có đến 74% số ca tử vong trên thế giới là những trường hợp mắc NCD, tăng 13% so năm 2000. Trước xu hướng này, WHO cảnh báo "các bệnh NCD sẽ là nguyên nhân gây ra 86% trong số 90 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm vào giữa thế kỷ này".
Tuy các nguy cơ gây bệnh như: việc tiếp xúc khói thuốc lá, uống rượu, điều kiện vệ sinh và chất lượng nguồn nước đã được cải thiện, nhưng một số rủi ro khác như ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ béo phì trên thế giới cũng đang ở mức đáng báo động. Trước thực trạng trên, WHO kêu gọi các nước tăng cường đầu tư cải thiện hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, qua đó đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong tương lai.
Thêm 3 trường hợp ngộ độc Botulinum ở TP.HCM
Trong mấy ngày gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã hội chẩn cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện thêm 3 trường hợp ở nghi ngờ ngộ độc Botulinum. Trước đó, có 3 người khác nhập viện do ăn bánh mì chả lụa dạo.
Cụ thể, mới đây nhất, 2 anh em ruột (26 tuổi và 18 tuổi) ăn bánh mì chả lụa từ người bán dạo, sau đó có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, đau bụng và tiêu chảy.
Tình trạng tiến triển nhiều hơn và người bệnh bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Bệnh nhân 18 tuổi có biểu hiện sớm nhất và cũng yếu cơ nặng nhất nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM).
Người anh 26 tuổi bị tình trạng nhẹ hơn nên nhập Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đón người em về cùng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trường hợp thứ 3 là người đàn ông 45 tuổi, nhập vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng có các triệu chứng tương tự. Người đàn ông này ngộ độc Botulinum do ăn loại mắm để lâu ngày.
TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trưởng đơn vị Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đối với nhiều chùm ca ngộ độc Botulinum được ghi nhận gần đây, sau khi căn cứ vào biểu hiện, các bệnh viện đều chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc Botulinum.
Hiện tại, bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy, sức cơ chỉ còn 1/5. Còn nam thanh niên 26 tuổi thì sức cơ là 3/5, chưa cần hỗ trợ hô hấp nhưng diễn tiến nguy cơ có thể cần thở máy.
Bác sĩ Hùng cho hay, ngộ độc Botulinum do vi khuẩn kỵ khí có tên là Clostridium botulinum gây ra. Độc tố thần kinh được tiết ra từ vi khuẩn này có thể xâm nhập vào dạ dày, ruột... mà không bị axit của dịch vị tiêu hủy. Đây cũng là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết.
Hiện nay, thuốc duy nhất trung hòa độc tố Botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất.
Trước đó, ngày 13/5, TP.HCM cũng ghi nhận 3 bệnh nhi là anh em ruột, bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc.
Sau khi ăn khoảng 12-18 giờ cùng ngày, các bé xuất hiện nhiều triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần nên được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Hai lọ thuốc giải BAT cuối cùng tại Việt Nam đã được truyền để cứu các bệnh nhi này
Liên quan đến chùm ca ngộ độc botulinum tại Thủ Đức, tối 20-5, đại diện Phòng Y tế TP.Thủ Đức cho hay ngay sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulinum do ăn giò lụa từ người bán dạo, cơ quan này đã phối hợp công an kiểm tra cơ sở kinh doanh giò lụa nghi gây ngộ độc ở Thủ Đức
Trước đó, theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, khu vực miền Nam hiện đã hết thuốc hiếm BAT, thông thường Việt Nam không dự trữ loại thuốc này hoặc cả nước chỉ có vài lọ.
Cũng theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, muốn có thuốc hiếm phải nhập khẩu vì Việt Nam không sản xuất được. Thuốc hiếm cũng có nhiều loại, đặc trị nhiều bệnh khác nhau. Riêng thuốc BAT dùng giải ngộ độc tố botulinum là thuốc cực hiếm, hiện chỉ sản xuất ở Canada.
Trước đây, mỗi lọ thuốc có giá dao động từ 7.000-10.000 USD. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang tìm nhập nguồn thuốc hiếm, kiếm được nguồn nào bán thì nộp hồ sơ, chưa nói trước được. Được biết Bộ Y tế đã có chủ trương dự trữ nguồn thuốc hiếm giải độc này, song tiến độ cần xúc tiến nhanh hơn.
Lý giải về tình trạng khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đối với một số thuốc hiếm, Bộ Y tế cho biết hiện việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm đấu thầu thuốc.
Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu vì phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời).
Năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có.
Để bảo đảm nguồn cung, Bộ Y tế ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định; cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; cho phép chuyển nhượng các thuốc hiếm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có và đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc; chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn;
Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.