Theo Bộ Y tế, qua thống kê từ các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 52.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 74,9%, số ca tử vong tăng 24 trường hợp.
Trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao.
Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế kêu gọi người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết |
Đặc biệt, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Đồng thời người dân có ý thức loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Mỗi người nên ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đông thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Người dân khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Đặc biệt, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết.
Đề phòng bệnh dại do nắng nóng
Mới đây, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi bệnh dại do bị mèo cắn. Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do dại tính từ đầu năm đến nay tại địa phương này.
Từ cuối năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 04 trường hợp tử vong do bệnh dại. Mới đây nhất là trường hợp của nam thanh niên tử vong sau khi bị chó dại cắn trong lúc chơi thể thao. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lào Cai đã ghi nhận hơn 600 trường hợp người dân đi tiêm phòng dại do bị chó mèo cắn, cào.
Điều đáng nói là cả các trường hợp này đều không đi tiêm phòng vắc-xin dại sau khi bị chó cắn.
Theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vắc-xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tiêm vắc-xin dự phòng trước phơi nhiễm để chủ động phòng tránh, không để đến khi bị động vật cào/cắn/liếm mới tiêm vắc-xin. Bởi virus dại ngay khi xâm nhập vào cơ thể di chuyển rất nhanh đến hệ thần kinh trung ương, nếu để đến khi virus lên đến não thì đã quá muộn.
Người dân ngay sau khi chó mèo cắn, cẩn rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút; hoặc bằng các chế phẩm sát trùng như cồn trắng, cồn i-ốt, hoặc ô-xy già. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam hay tự chữa bệnh tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Đối với vắc-xin phòng bệnh dại, mỗi người nếu bị chó mèo cắn cần tiêm 5 mũi. Tuỳ tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vắc-xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại. Để chủ động phòng bệnh dại, người dân cần tiêm vắc-xin phòng dại định kỳ cho chó mèo và không thả rông vật nuôi.
Hiện nay, vắc-xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều. Vắc-xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm.
Không chủ quan với sốc nhiệt ngày hè
Sốc nhiệt gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng bao gồm uống đủ chất lỏng và tránh nhiệt độ quá cao.
Trong thời gian này, cả nước đang trải qua một đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40oC. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.
Sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Sốc nhiệt có thể khởi phát có thể đột ngột hoặc từ từ. Một số biểu hiện của sốc nhiệt là: Ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, choáng hoặc ngất.
Sốt cao trên 39-40oC. Da khô, nóng. Rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay rồi đưa đi cấp cứu.
Để hạn chế tác hại do nắng nóng chuyên gia khuyến cáo người dân đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính. Cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh sốc nhiệt như hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm.
Nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng cần chia nhỏ thời gian làm và nghỉ ngơi xen kẽ; khi đi ra đường phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung đồ uống giàu chất điện giải; bôi kem chống nắng và tăng cường rèn luyện sức khỏe.
Cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 37oC. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41oC, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật.
Các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra với người có bệnh lý mạn tính, người già, trẻ nhỏ thì diễn biến nặng và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.
Trong khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%.
Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao.