Hội thảo cũng là cơ hội để các thầy thuốc thảo luận, trao đổi, chia sẻ, cập nhật những tiến bộ trong điều trị can thiệp mạch máu cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch và đột quỵ não, góp phần giảm thiểu những gánh nặng bệnh tật cho người bệnh và gia đình người bệnh.
Theo Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư hay các bệnh về hô hấp khác. Các bệnh lý tim mạch đều bắt đầu với các yếu tố nguy cơ tim mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…
Ảnh minh hoạ. |
Tại Việt Nam, bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với tỷ lệ gia tăng ngày càng nhanh chóng. Theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp do hẹp tắc cấp tính động mạch vành.
Đột quỵ não cũng là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu với khoảng 6,5 triệu ca/năm.
Nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não là do biến chứng bệnh lý tim mạch và bệnh lý mạch máu não và bệnh này đang ngày càng gặp nhiều ở lứa tuổi trẻ hơn, để lại nhiều hậu quả nặng nề và dai dẳng nếu không được cấp cứu và can thiệp kịp thời.
Trong các chuyên ngành điều trị bệnh lý tim mạch, chuyên ngành tim mạch can thiệp tuy mới xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thập niên 90 nhưng đến nay đã phát triển khá mạnh và không còn là một vấn đề xa lạ với nhiều cơ sở y tế và các bệnh viện lớn trong nước.
Để đáp ứng với yêu cầu phục vụ số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch và mạch máu não ngày càng gia tăng, ngành y tế Việt Nam đã rất nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng được hầu hết những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị can thiệp tim và đột quỵ.
Trong những năm qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện những ứng dụng chẩn đoán hiện đại như: siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim đánh dấu mô, xạ hình tưới máu cơ tim và đánh giá cơ tim sống còn sau nhồi máu, chụp mạch vành bằng CT đa lớp cắt (320 dãy), thăm dò điện sinh lý...
Đồng thời thực hiện tốt những phương pháp điều trị tiên tiến và hiện đại như: Phẫu thuật tim mở, can thiệp nong và đặt stent điều trị bệnh mạch vành, can thiệp nội mạch điều trị bệnh mạch máu ngoại vi, thăm dò và can thiệp nhịp tim, can thiệp mạch máu não điều trị đột quỵ…
Bệnh viện tiếp tục triển khai các kỹ thuật chuyên sâu khác như: thay van động mạch chủ qua da; Phẫu thuật Hybrid: kết hợp phẫu thuật và can thiệp stent graft điều trị phồng động mạch chủ thường quy và cấp cứu; thực hiện ghép phổi, ghép tim, khối tim phổi…
Về cấp cứu điều trị đột quỵ não, bệnh viện thực hiện phối hợp chặt chẽ nội khoa-ngoại khoa-can thiệp mạch não, nhằm đẩy nhanh thời gian tái thông mạch não trong khung giờ vàng của bệnh.
Một số kỹ thuật được triển khai thường quy từ lâu như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học điều trị nhồi máu não cấp; Nút kín túi phình mạch não bằng coil kim loại trong điều trị và dự phòng chảy máu não cấp tính; Ứng dụng hệ thống Navigation trong chọc hút máu tụ tự phát kết hợp bơm tiêu sợi huyết điều trị chảy máu não và bơm thuốc tiêu sợi huyết vào não thất…
Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ hợp tác về quản lý chất thải nhựa y tế
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa tổ chức lễ ký kết thoả thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) về việc triển khai sáng kiến “Xây dựng Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế”.
Năm 2019, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/07/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, mỗi bệnh viện cũng đã xây dựng kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị, theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ không sử dụng túi nhựa khó phân hủy chuyển sang nhựa dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.
Vì vậy, dự án này khi được triển khai thí điểm tại bệnh viện sẽ giúp bệnh viện trở thành mô hình mẫu trong công tác quản lý bền vững chất thải nhựa.
Khi thiết lập kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, thì chất thải nhựa y tế thông thường được giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế tối đa; chất thải nhựa y tế lây nhiễm được khử khuẩn loại bỏ yếu tố lây nhiễm, tái chế để tạo ra sản phẩm quay lại phục vụ cơ sở y tế hoặc sử dụng cho cộng đồng, nhờ đó vòng đời của sản phẩm được kéo dài, giảm áp lực lên môi trường, cải thiện an ninh nguồn cung nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh, kích thích đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo vòng kinh tế tuần hoàn.
Thỏa thuận hợp tác gồm các hoạt động: khảo sát ban đầu về thực trạng quản lý chất thải nhựa tại bệnh viện và các hoạt động liên quan về phối hợp xây dựng, lập kế hoạch và triển khai thí điểm “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế” tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Thiết bị tài trợ cho bệnh viện đảm bảo đạt tiêu chuẩn QCVN 55:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò hấp chất thải lây nhiễm nên chất thải nhựa sau khi qua xử lý đã mất tác nhân lây nhiễm và chuyển thành chất thải thông thường có khả năng tái chế.
BS CKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Xử lý chất thải nhựa y tế là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của bệnh viện trong việc phân loại, xử lý hiệu quả, tránh những tác động đến môi trường đồng thời cũng là gánh nặng lớn về kinh phí và phương pháp xử lý.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là một trong năm đơn vị được chọn làm thí điểm, việc ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe về triển khai sáng kiến có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiều ý tưởng mới và thiết lập hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế.
Dự án giảm ô nhiễm do USAID tài trợ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm giảm lượng chất thải nhựa y tế, tăng cường hoạt động tái chế. Thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe, USAID hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ triển khai sáng kiến này, tạo nền tảng vững chắc hướng đến các mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa y tế tại bệnh viện tuyến cuối tại Cần Thơ là một bước đi cụ thể cho thấy cam kết của USAID đối với Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Quảng Bình: Công bố năng lực cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Sở Y tế tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản công bố năng lực các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để người dân biết và lựa chọn đăng ký bảo hiểm y tế.
Người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh có quyền đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu tại bất cứ cơ sở khám chữa, bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện và tuyến xã, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.
Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu vào đầu mỗi quý.
Tuyến trung ương có: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, số giường bệnh kế hoạch là 940/1.256 giường thực tế, đủ các khoa chuyên môn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Tuyến tỉnh có: Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh, số giường bệnh kế hoạch/thực tế là 125/160 giường, gồm nhiều khoa và bộ phận cận lâm sàng.
Tuyến huyện gồm: 7 bệnh viện tuyến huyện đủ các khoa chuyên môn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật: Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình (số giường bệnh kế hoạch/thực tế là 520/600 giường), Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy (300/458 giường), Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh (175/214 giường), Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới (320/356 giường), Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch (295/465 giường), Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa (180/236 giường) và Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa (170/210 giường).
Các Phòng khám đa khoa thực hành thuộc Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình và của các doanh nghiệp cũng được quy định rõ về năng lực các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo năng lực hiện có và quy mô đầu tư.
Sở Y tế Quảng Bình đã có quy định cơ cấu đối tượng, số lượng thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng số lượng thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu cho các cơ sở y tế công lập, giảm số lượng thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với một số phòng khám tư nhân để phù hợp với năng lực thực tế.