Thay đổi lối sống để ngăn chặn bệnh đái tháo đường
Trong 2 ngày 22-23/10, Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam và Hội Nội tiết- Đái tháo đường Hà Nội phối hợp tổ chức "Hội nghị khoa học về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022" .
Các thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỉ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TP.HCM là 2,5%. Theo kết quả điều tra năm 2012, tỉ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Mới đây, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%.
Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương khi nghiên cứu trên hơn 5.000 người dân từ 30-69 tuổi trên toàn quốc cho thấy tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường toàn quốc lần lượt là 7,3% và 17,8%. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, tỉ lệ này là 8,3% - 22,3%.
Các chuyên gia nhận định đái tháo đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, suy thận mạn, 60% đoạn chi không do chấn thương, đặc biệt 2/3 người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch. Đái tháo đường là một gánh nặng vì việc điều trị và chăm sóc rất tốn kém, phức tạp.
Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.
Theo các bác sĩ, đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỉ lệ tử vong.
Tại hội nghị các chuyên gia về nội tiết và đái tháo đường đều nhấn mạnh việc thay đổi lối sống là biện pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường, bao gồm: giáo dục tự chăm sóc, điều trị dinh dưỡng y học, hoạt động thể lực, ngưng thuốc lá và điều trị tâm lý. Điều trị dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thực hiện trong suốt quá trình điều trị đái tháo đường.
Nâng cao vai trò và tầm quan trọng của ngành điều dưỡng
Ngày 22/10, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điều dưỡng Việt Nam, khóa VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra tại Hà Nội.
Điều dưỡng luôn là lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách, thái độ phục vụ;
Đội ngũ điều dưỡng đã luôn là lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19... ngành y tế đạt được những thành tích như hiện nay, có một phần công sức rất to lớn của đội ngũ cán bộ điều dưỡng.
Tại các cơ sở y tế, những cán bộ điều dưỡng, hộ lý là những người hàng ngày, hàng giờ chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Dịch vụ do người điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Những năm qua, ngành điều dưỡng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều dưỡng viên đã được đào tạo ở các cấp, trình độ từ trung cấp tới trình độ tiến sĩ, trong đó quy mô đào tạo trung cấp đang thu hẹp để phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Hiện nay cả nước có 182 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ từ trung cấp tới đại học, trong đó có 43 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 102 trường đào tạo trình độ cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp.
Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được thành lập và kiện toàn ở các cấp của hệ thống y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ngành điều dưỡng còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa kết nối hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng nhân lực.
Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp (1,95) và tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân mới đạt 16,5, trong khi Nghị quyết số 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng/vạn dân, đến năm 2030 đạt 33 điều dưỡng/vạn dân.
Hiện nay, số sinh viên đăng ký theo học ngành điều dưỡng có xu hướng giảm trong khi nhân lực điều dưỡng tại nhiều bệnh viện thiếu hụt do nhiều nguyên nhân. Để đảm bảo chăm sóc toàn diện cho người bệnh, việc tăng cường cả về số lượng và chất lượng điều dưỡng tại các cơ sở y tế là vô cùng cần thiết.
Bộ Y tế hy vọng Hội Điều dưỡng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của hội nghề nghiệp, cùng với Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
TP.HCM: Nguy cơ thiếu nhiều loại vắc-xin trong thời gian tới
Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố về việc cung ứng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có nguy cơ thiếu nhiều loại vắc-xin trong thời gian tới.
Theo Sở Y tế, thành phố đang đối mặt với nguy cơ thiếu các loại vắc-xin sởi, DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm não Nhật Bản, lao (BCG), sởi-rubella (MR) và DPT-VGB-Hib (vắc-xin phối hợp 5 trong 1), bại liệt.
Từ đầu tháng 10/2022 Thành phố Hồ Chí Minh đã hết vắc-xin phòng sởi-rubella (MR), bắt đầu thiếu vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản (Jevax) khi còn tồn chỉ 4.290 liều nhưng trung bình mỗi tháng sử dụng lên đến 6.340 liều; vắc-xin dạng uống phòng bại liệt (bOPV) cũng đã hết từ giữa tháng 10/2022.
Có 2 loại vắc-xin còn sử dụng được đến tháng 12 là vắc-xin DPT-VGB-HiB (SII) và vắc-xin phòng lao (BCG). Hiện Thành phố Hồ Chí Minh còn 24.935 liều DPT-VGB-HiB, dự kiến sử dụng đến giữa tháng 12. Còn vắc-xin phòng lao (BCG) còn 26.770 liều, dự báo đến giữa tháng 12/2022, vắc-xin này sẽ không còn.
Riêng vắc-xin phòng sởi đơn và DPT, Chương trình tiêm chủng Quốc gia đã ngừng cấp từ tháng 5/2022.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện tại, thành phố vẫn chưa nhận được phân bổ thêm vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ Bộ Y tế. Do đó, khả năng cung ứng vắc-xin cho công tác tiêm chủng trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.
Sở Y tế đề nghị UBND thành phố có ý kiến với Bộ Y tế để sớm cung cấp vắc-xin, phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân.