Bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế
Trong đó, Nghị định 75/2023/NĐ-CP bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế là: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chính phủ đã bổ sung nhóm được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. |
Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4, Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.
Đó là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Nghị định sửa đổi, bổ sung quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cụ thể, các cơ sở này được cung cấp thông tin kịp thời khi hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế phát hiện có gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để kịp thời rà soát, kiểm tra xác minh, thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi nguyên tắc thanh toán theo giá dịch vụ. Theo đó, chi phí dịch vụ khám bệnh, chi phí dịch vụ ngày giường bệnh và chi phí dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Gia hạn hơn 600 loại thuốc chữa bệnh
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 600 loại thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch.
Theo đó, trong số 626 loại thuốc trong nước và nước ngoài được Cục Quản lý Dược gia hạn số đăng ký đợt này gồm có 435 thuốc sản xuất trong nước, 191 thuốc còn lại là thuốc nước ngoài.
Trong số 435 thuốc sản xuất trong nước có 372 loại được gia hạn trong 5 năm, 56 loại gia hạn trong 3 năm và 7 loại thuốc được gia hạn từ nay đến ngày 31/12/2025.
Đối với 191 thuốc nước ngoài được gia hạn đợt này có 177 loại gia hạn trong 5 năm, 9 loại gia hạn trong 3 năm, 5 thuốc còn lại gia hạn đến ngày 31/12/2025.
Đối với thuốc sản xuất trong nước, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.
Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Đối với thuốc nước ngoài, Cục Quản lý Dược yêu cầu phải cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc.
Phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định
Như vậy, trong tháng 10/2023, tính đến thời điểm này, Cục Quản lý Dược đã gia hạn gần 2.000 loại thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Tính đến nay Bộ Y tế đã có hơn 10 đợt công bố thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80.