Bệnh hô hấp tăng ở trẻ
Theo ghi nhận, tại Khoa Nhi của các bệnh viện như Xanh Pôn, Hà Đông hay Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đều tăng số lượng trẻ nhập viện do liên quan đến bệnh đường hô hấp, truyền nhiễm.
Bác sĩ đang tư vấn cho phụ huynh về cách chăm sóc trẻ phòng chống bệnh lý hô hấp. |
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu thở khò khè, một số bị suy hô hấp, sốt cao.
Hiện, Khoa Nhi đang điều trị cho khoảng 100 trẻ, trong đó phần lớn là các bé mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virus, cúm A.
Theo các chuyên gia, trời lạnh, các loại virus rất dễ phát triển, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp. Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại, viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi- họng, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày.
Một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong.
Khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng (thở nhanh, co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng…) để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc điều trị theo sự mách nước của những người không có chuyên môn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, đề phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét, cha mẹ cần chú ý giữ đủ ấm cho trẻ (lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu), tuy nhiên cũng cần chú ý không ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.
Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo), ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh giá để trẻ bị trì hoãn tiêm chủng.
WHO cảnh báo mối đe dọa của bệnh sốt xuất huyết
Ngày 22/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo mối đe dọa của bệnh sốt xuất huyết, sau khi căn bệnh do muỗi lây truyền này xuất hiện tại các nước chưa từng bị ảnh hưởng trước đây, khiến số ca mắc trên toàn thế giới trong năm nay vượt 5 triệu người, trong đó có tới trên 5.000 người tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp hằng tuần của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Diana Rojas Alvarez, trưởng nhóm nghiên cứu của WHO về arbovirus (virus lây truyền qua động vật chân đốt), nhấn mạnh gần 80% số ca mắc, tương đương khoảng 4,1 triệu người, được ghi nhận ở châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Theo bà Diana Rojas Alvarez, biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân dẫn tới số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao do mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ tăng cao hơn, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Bà Alvarez cho rằng mối đe dọa này cần có "sự quan tâm và phản ứng tối đa" của tất cả các cấp trong WHO nhằm hỗ trợ các nước kiểm soát đợt bùng phát sốt xuất huyết hiện nay, cũng như chuẩn bị cho mùa sốt xuất huyết sắp tới.
Thống kê của WHO cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết lên mức kỷ lục 5,2 triệu người trong năm 2019, gấp 10 lần so với năm 2000.
Mặc dù 4 tỷ người trên thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, song hầu hết những người mắc bệnh thường hồi phục trong từ 1 - 2 tuần.
Những người mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc, chảy máu hoặc suy tạng nghiêm trọng, dẫn tới tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này.
Vắc-xin Rota sắp được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Dự kiến vắc-xin Rota sẽ được phân bổ sử dụng tại 33 tỉnh, thành phố theo chương trình tiêm chủng mở rộng vào quý II/2024.
PGS-TS.Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Dịch tễ Trung ương cho hay, theo dự kiến, ngành Y tế triển khai vắc-xin phế cầu trong năm 2025; vắc-xin HPV trong năm 2026 và vắc-xin cúm mùa trong năm 2030.
Đặc biệt, ngành Y tế đang triển khai sử dụng vắc-xin Rota (vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota) tại 33 tỉnh, thành phố trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai từ quý II/2024.
PGS-TS.Dương Thị Hồng cũng cho hay, giữa tháng 12/2023, chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận gần 500.000 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (vắc-xin 5 tromg 1) để triển khai trong tiêm chủng vào các tháng đầu năm 2024.
Đối tượng ưu tiên tiêm sẽ được sắp xếp theo đúng nguyên tắc về miễn dịch học, dịch tễ học. Theo đó, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên đối tượng này sẽ được ưu tiên tiêm. Các trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc-xin sớm.
“Đồng thời, các trẻ trên 12 tháng tuổi ở những vùng khó khăn chưa có cơ hội tiêm hoặc bị trì hoãn cũng sẽ được ưu tiên tiêm chủng trong thời gian tới đây", PGS-TS.Dương Thị Hồng cho hay.
Sau khi tiêm hết các đối tượng ưu tiên sẽ tiến hành tiêm trả mũi 2,3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib để đảm bảo cho tất cả trẻ sinh ra trong năm 2023 có thể phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
"Khi có nguồn vắc-xin, vắc-xin sẽ được cung ứng cho 63 tỉnh thành trên cả nước để tiến hành tiêm bù, tiêm trả các mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib cho trẻ”, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.
Cũng theo bà Hồng, năm 2023, việc cung cấp vắc-xin, nguồn cung vắc-xin gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.
Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ đã bố trí ngân sách trung ương để thực hiện chương trình tiêm chủng và đảm bảo việc cung ứng vắc-xin trên quy mô toàn quốc bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước.
Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có đầy đủ 2 loại vắc-xin uốn ván và vắc-xin bại liệt, cho tới nay 1 số xã, huyện vẫn còn vắc-xin sản xuất trong nước.