Đề xuất miễn áp dụng kê khai giá đối với trường hợp mua vắc-xin Covid-19
Ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có văn bản xin ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế chính sách trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo quy định trong hồ sơ đề nghị nhập khẩu vắc-xin có yêu cầu văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công an/Bộ Quốc phòng) hoặc văn bản phê duyệt vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế). Tuy nhiên Nghị định số 54 của Chính phủ chưa có hướng dẫn để Bộ Y tế ban hành văn bản phê duyệt vắc-xin.
Ảnh minh họa |
Đối với kê khai, kê khai lại giá vắc-xin theo quy định hiện nay đối với thuốc nước ngoài (bao gồm cả vắc-xin), cơ sở nhập khẩu thuốc phải thực hiện kê khai giá bán buôn dự kiến trước khi đưa lô thuốc đầu tiên lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 là cấp bách và rất lớn, trong khi vắc-xin sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.
Bằng chính sách ngoại giao phù hợp, thời gian qua chúng ta đã tiếp cận và mua được các nguồn vắc-xin chất lượng, với giá phi lợi nhuận. Tuy nhiên trong quá trình thương thảo, các nhà cung cấp vắc-xin Covid-19 đều yêu cầu Chính phủ (Bộ Y tế) ký kết Hợp đồng thỏa thuận bảo mật thông tin, trong đó có bảo mật thông tin về giá vắc-xin.
Chính vì vậy, việc thực hiện kê khai giá của các nhà nhập khẩu chưa thực hiện được do vi phạm điều khoản bảo mật thông tin.
Do đó, để đảm bảo tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ được miễn áp dụng kê khai giá đối với trường hợp mua vắc-xin vì lợi nhuận và nhà sản xuất/cung ứng vắc-xin có chính sách bảo mật thông tin về giá.
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp dưới 63%
Bộ Y tế vừa cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta. Tổng số mũi vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 255.132.271.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đến nay là 14.832.911; trong đó mũi 1: 9.022.843 trẻ (đạt tỷ lệ 80,9%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp dưới 63% là: Đà Nẵng (54,4%); Quảng Nam (51,6%); Bình Thuận (62,6%); TP Hồ Chí Minh (53,6%); Bình Dương (60,6%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Cần Thơ (98,1%); Vĩnh Long (96,8%), Bạc Liêu (99,5%).
Mũi 2: 5.710.068 trẻ (đạt tỷ lệ 51,2%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp dưới 31% là: Đà Nẵng (20,3%); Quảng Nam (17,2%); Khánh Hòa (29,4%); TP.Hồ Chí Minh (30,8%); Bình Dương (27,2%).
3 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm cao là: Đồng Nai (80,3%); Sóc Trăng (88,7%); Bạc Liêu (79,2%).
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.502.555 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 75,6%).
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (56,7%); Khánh Hòa (55,1%); Cần Thơ (56,6%); Đồng Tháp (56,8%), Bình Phước (57,5%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (95,6%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 13.260.800 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 70,2%).
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (48,3%); Đà Nẵng (43,9%); TP. Hồ Chí Minh (50,4%); Lâm Đồng (47,6%); Tây Ninh (52,6%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nam Định (98,3%(); Hưng Yên (97,2%); Long An (97,9%).
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.189.401 trẻ (đạt tỷ lệ 48,5%).
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thấp: Phú Yên (13,2%); Bình Thuận (24,6%); Bà Rịa - Vũng Tàu (14,4%); Đồng Nai (23,6%); Bình Dương (22,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (85,9%); Quảng Ninh (81,6%); Sóc Trăng (83,1%).
Hà Nội kiểm dịch đậu mùa khỉ tại sân bay Nội Bài
Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, gửi tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội được yêu cầu theo dõi sát diễn biến dịch đậu mùa khỉ trên thế giới, đồng thời liên tục cập nhật các hướng dẫn phòng, chống dịch. Phối hợp với các đơn vị nhằm giám sát, bao gồm thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, chẩn đoán, từ đó ngăn dịch xâm nhập, nhất là tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức tập huấn, hướng dẫn, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch đậu mùa khỉ phát sinh (nếu có), không để lan rộng; đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, sân bay cần thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ xử lý về bệnh đậu mùa khỉ.
TP. HCM đã có 18 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM, tính từ ngày 15 đến 21/8, thành phố ghi nhận 46.044 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số ca diễn biến nặng là 869 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,9% trên tổng số bệnh nhân mắc, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng trong tuần, thành phố có thêm 2.790 ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn, giảm 15% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca phải nhập viện điều trị nội trú cũng giảm 22,7%.
Đáng chú ý, trong tuần qua, TP. HCM có thêm một ca tử vong do sốt xuất huyết, qua đó nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 18 người.
Toàn thành phố xác định thêm 182 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh tại 98 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức. Số lượng ổ dịch mới đã giảm 17 khu vực so với tuần trước đó.
Về công tác phòng dịch, tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần qua tại TP. HCM là 369 ổ. 4 phường, xã đã được xử lý ổ dịch diện rộng. Tổng cộng 468 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, điểm nguy cơ thuộc 181 phường, xã trên 21/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức.
Từ đầu tháng 7, Sở Y tế TP. HCM đã triển khai chức năng phản ánh điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên ứng dụng Y tế trực tuyến.
Khi phát hiện những hộ gia đình, khu vực, cơ quan, đơn vị để đọng nước, có thể gây phát sinh, lăng quăng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, người dân cần nhanh chóng phản ánh lên ứng dụng để chính quyền địa phương biết, qua đó xử lý theo đúng quy định.