Chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng- dưới 5 tuổi
Việc rà soát, thống kê số lượng trẻ để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng- dưới 5 tuổi khi có đủ điều kiện, cơ sở khoa học.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả và theo đúng quy định, hướng dẫn đã ban hành.
Đến nay, cả nước đã triển khai tiêm chủng hơn 259 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 5 tuổi trở lên, trong đó tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 75%; mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế đạt 77%; mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88% và 60%.
Ảnh minh hoạ |
Để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại Việt Nam khi đủ căn cứ, cơ sở khoa học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn thuộc nhóm tuổi từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này.
Kết quả tổng hợp đề nghị gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur khu vực trước ngày 30/9/2022.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur tổng hợp gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước ngày 10/10/2022 để tổng hợp. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổng hợp số liệu gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 15/10/2022.
Ứng phó tình trạng bệnh nhi mắc virus Adeno gia tăng
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh vừa tổ chức cuộc họp với đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội và một số bệnh viện có khoa Nhi thuộc Sở Y tế Hà Nội về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc virus Adeno.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc virus Adeno chiếm nhiều nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh tại Hà Nội.
Do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám, dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.
Điều lo ngại là các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng nếu đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng. Hiện chưa ghi nhận các ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định việc nhiều trẻ mắc virus Adeno là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, tuy nhiên nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mắc thêm virus Adeno có nguy cơ tử vong cao.
Trước mắt, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh nhân hô hấp không nằm chung bệnh khác, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn…. không để lây lan dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông không gây hoang mang trong cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adeno trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc virus Adeno làm căn cứ cho các bác sĩ khi khám, chẩn đoán.
Sở Y tế Hà Nội lên kế hoạch và có phương án nếu bệnh nhân gia tăng thì có giải pháp để phân tuyến, thu dung, điều trị phù hợp, cần chủ động, theo dõi chặt diễn biến, theo dõi báo cáo hằng ngày và báo cáo Bộ, có phương án chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng.
Thu hồi 13 loại thuốc chứa Methylprednisolone sản xuất từ nguyên liệu giả mạo
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo thu hồi trên toàn quốc 13 loại thuốc chứa Methylprednisolone do nguồn gốc nguyên liệu bị giả mạo.
Căn cứ Văn thư phản ánh của Công ty Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co., Ltd, Công ty TNHH MTV Anpharma, Công ty TNHH Hóa dược Hoài Phương, Công ty CPDP Trung ương I – Pharbaco; Công ty CP US Pharma USA; Công ty CPDP Quảng Bình; Công ty CPDP Tipharco về việc báo cáo Công ty Bear Hill Co. Ltd nhận trách nhiệm về việc nguồn gốc 02 lô nguyên liệu Methylprednisolone ghi nhãn số lô: 04.1064- 191204 và số lô: 04.1064-220107, nhà sản xuất Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co., Ltd. đúng là không phải sản phẩm của Công ty Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co., Ltd. sản xuất.
Cục Quản lý Dược đề nghị thu hồi toàn quốc đối với toàn bộ các lô thuốc đã được sản xuất từ 02 lô nguyên liệu Methylprednisolone ghi nhãn số lô: 04.1064- 191204 và số lô: 04.1064-220107, nhà sản xuất Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co., Ltd.
Các cơ sở sản xuất thuốc phối hợp với các nhà cung cấp và phân phối thuốc trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký Công văn này, gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng và tiến hành thu hồi toàn bộ các lô thuốc trong danh sách đính kèm nêu trên.
Gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký Công văn này, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng sản xuất, ngày sản xuất. Số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/05/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi các lô thuốc không đúng qui định nêu trên; công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở; kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.
Các Sở Y tế có cơ sở sản xuất thuốc đóng trên địa bàn kiểm tra và giám sát cơ sở sản xuất thuốc thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.
Thuốc methylprednisolone được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số phản ứng dị ứng nguy hiểm, một số bệnh ung thư, bệnh về mắt, bệnh về da, thận, đường ruột và bệnh phổi hoặc bất thường hệ thống miễn dịch.
Quảng Bình: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình, hiện tỉnh đã ghi nhận 3.106 ca sốt xuất huyết tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Lệ Thủy (1.019 ca), huyện Bố Trạch (643 ca), huyện Quảng Ninh (477 ca), TP. Đồng Hới (375 ca), Quảng Trạch (275 ca), TX. Ba Đồn (237 ca); 2 huyện có số ca mắc mới thấp hơn các địa phương trong tỉnh là Tuyên Hóa (56 ca) và Minh Hóa (24 ca).
Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc mới gia tăng nhanh (gần 1.000 ca. Số bệnh nhân trong tỉnh mắc mới trung bình mỗi ngày từ 60 - 70 người.
Đến thời điểm hiện tại tuy chưa có trường tử vong do sốt xuất huyết nhưng đã có một số bệnh nhân chuyển biến nặng phải chuyển tuyến trên.
Hiện dịch sốt xuất huyết tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát cao, nhất là ở các địa bàn Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.
Để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường đào tạo, tập huấn, chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị; giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; đẩy mạnh giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm.
Truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh, tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tử vong.
Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch.