Bộ Y tế thông tin về ca mắc cúm A/H5N1 tử vong
Bệnh nhân nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 11/3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.
Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm là rất lớn. |
Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa vào ngày 16-17/3/2024, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi.
Ngày 19/3/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm; theo kết quả xét nghiệm ngày 20/3/2024, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 và kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3/2024 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A(H5N1). Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3/2024.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực bệnh nhân sinh sống; xung quang khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hàng ngày; đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.
Đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%).
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng vi rút cúm A(H5N1). Tại Cam-pu-chia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh cúm A(H5N1) trên người từ cuối năm 2023.
Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 06 ổ dịch cúm gia cầm tại 06 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người, vi rút A(H5N1) là chủng cúm
độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%). Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Can thiệp cứu bệnh nhân tắc động mạch nguy cấp
Một bệnh nhân ở TP.HCM vừa nhập viện trong tình trạng tắc động mạch chân trái cấp tính, nguy cơ bị hoại tử phải cắt cụt chân.
Tiến hành siêu âm mạch máu, bác sĩ phát hiện nhiều cục huyết khối lấp kín lòng động mạch chân trái, gây tắc hoàn toàn động mạch khoeo, nguy cơ đoạn chi rất cao nếu không nhanh chóng can thiệp.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT mạch máu nhằm xác định chính xác giải phẫu mạch máu, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị suy thận nặng do biến chứng tăng huyết áp và đái tháo đường. Điều này gây khó khăn cho ê kíp vì quá trình chụp CT mạch máu cần dùng lượng lớn thuốc cản quang, nguy cơ gây suy thận tiến triển.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị thiếu máu nặng chưa rõ nguyên nhân. Bác sĩ không thể dùng thuốc tiêu huyết khối (một loại thuốc mạnh dùng để làm tiêu cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch) vì nguy cơ chảy máu dẫn tới mất máu rất cao.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đánh giá đây là trường hợp tắc động mạch chi dưới nặng và cấp tính, người bệnh có nhiều bệnh nền như suy thận nặng và nguy cơ chảy máu cao, gây ra thách thức rất lớn cho quá trình chẩn đoán và điều trị.
Kỹ thuật can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị kỹ thuật cao, được tiến hành nhanh chóng.
Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, không để lại vết mổ, lượng cản quang được sử dụng tối thiểu (12 ml, trong khi một ca can thiệp nội mạch thông thường cần dùng 60 – 80 ml cản quang). Nhờ đó rút ngắn thời hồi phục cũng như tránh được nguy cơ suy thận tiến triển cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, tắc động mạch cấp tính là tình trạng tắc nghẽn một trong các động mạch ngoại vi khiến máu không thể chảy đến các chi.
Bệnh thường xảy ra ở chân và cục máu đông là nguyên nhân phổ biến nhất. Bệnh có tỷ lệ mắc 1 : 4.500, độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 75.
Bác sĩ Long nhấn mạnh, tắc động mạch cấp tính là một trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng cần được can thiệp ngay lập tức để tránh nguy cơ đoạn chi, thậm chí tử vong.
Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các phương pháp: Tiêu huyết khối qua ống thông (sử dụng thuốc để làm tan cục máu đông), phẫu thuật bóc lớp trong động mạch (áp dụng cho những bệnh nhân tắc động mạch cấp tính ở chi có xơ vữa động mạch), phẫu thuật cắt bỏ đoạn động mạch tổn thương, phẫu thuật bắc cầu động mạch ngoại biên (tạo một con đường mới cho máu lưu thông xung quanh vị trí tắc nghẽn, tương tự như bắc cầu động mạch vành, hút huyết khối khỏi động mạch.
Ở những trường hợp quá nặng gây hoại tử đến mức không thể chữa lành, bệnh nhân buộc phải cắt cụt chân. Khoảng 1 trong 4 người sống sót sau tình trạng tắc động mạch cấp tính cần phải đoạn chi.
Để giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch chi dưới cấp tính, bạn nên tránh xa thuốc lá, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh, kiểm soát các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.