Phối hợp của 2 bệnh viện hạnh đặc biệt
Ngày 24/2/2023, trực tiếp chứng kiến sự nỗ lực bất thành của ekip điều trị trước tình trạng quá nặng của con mình, mẹ của bệnh nhân M (bệnh nhân M sinh năm 1988, ngụ An Giang) đã quyết định hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. để cứu sống những bệnh nhân không may đang từng ngày chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật.
Các bác sĩ đang thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân. |
Ngay khi tiếp nhận thông tin, ekip hiến ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức được kích hoạt. Sau khi kiểm tra và đánh giá tình trạng của bệnh nhân, để có thể tiếp nhận trọn vẹn những quà tặng thiêng liêng này, bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo với Trung tâm điều phối Quốc gia tiếp nhận sự hiến tặng đa mô tạng của trường hợp hiến chết não này.
Do trong danh sách chờ tại Bệnh viện Chợ Rẫy không có người chờ ghép tim nhóm máu B, vì vậy Trung tâm Điều phối quốc gia đã điều phối tim đến Bệnh viện Việt Đức;
Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 thận, 2 giác mạc và da của người hiến, đồng thời phối hợp hỗ trợ để bệnh nhân suy tim có thể kịp thực hiện được phản ứng chéo, tiếp nhận và vận chuyển quả tim để ghép tại Bệnh viện Việt Đức.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, do bệnh nhân được chỉ định ghép tim ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang ở xa, việc ê-kíp ghép tạng phải chờ đợi đến lúc bệnh nhân có mặt ở bệnh viện để lấy máu xét nghiệm phản ứng chéo có thể làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các tạng hiến.
Do đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã trao đổi và đề xuất bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ nhân sự đưa máu của người hiến ra Bệnh viện Việt Đức để thực hiện kỹ thuật này.
Trong tình huống đó, lần đầu tiên trong lịch sử ghép tạng, bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện hỗ trợ các kỹ thuật an toàn nhất để bảo đảm thời gian an toàn cho tim của người hiến được tiếp nhận trong tình trạng khỏe mạnh, nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên chuyến bay 22 giờ ngày 25/2/2023, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo.
Cũng cùng thời điểm này, ê-kíp ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức cũng lên máy bay vào TP.HCM ngay trong đêm để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận chuyển tạng về Hà Nội.
Liên tục theo dõi tình trạng của người hiến cũng như cập nhật chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline, sau khi thống nhất với Hội đồng, được sự chấp thuận của Ban lãnh đạo bệnh viện, ê-kíp ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định tiến hành nhận tạng sớm hơn 1 giờ để kịp vận chuyển tim trên chuyến bay sớm nhất từ TP.HCM ra Hà Nội.
Đến 4 giờ sáng 26/2/2023, ê-kíp ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã rời khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển tim của người hiến ra sân bay về Hà Nội. Ê-kíp ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy nối tiếp nhận 2 quả thận và 2 giác mạc cùng da của người hiến.
Song song đó, tại phòng ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 ca ghép thận đã được hoàn thành, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Tiếp nhận da từ người hiến vừa xong thì ê-kíp ghép da cũng khởi động ghép cho nữ bệnh nhân N. T. C. N (sinh năm 1999, ngụ Kiên Giang) và đã hoàn thành trong buổi sáng cùng ngày. Riêng 2 giác mạc của người hiến được bảo quản chờ người nhận đang trên đường đến Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép vào ngày 27/2.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tim của người hiến đã được ghép thành công bước đầu và đã đập trong lồng ngực người nhận sau 8 giờ ghép, với sự tham gia của hơn 40 y bác sĩ thuộc nhiều đơn vị. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định đã được được đưa đến phòng Hồi sức và tiếp tục theo dõi.
Số người mắc tiểu đường tăng cao
Theo thống kê hiện số người mắc tiểu đường tăng cao, 50% trong số này phát hiện muộn, chưa đến 30% được điều trị nên gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, người bệnh không hay biết mình mắc tiểu đường cho đến khi tình trạng yếu nửa người mỗi ngày tăng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Bệnh đang trong giai đoạn biến chứng, đường huyết tăng cao, dẫn đến rối loạn tri giác.
Theo dự báo của Bộ Y tế, tới năm 2045, Việt Nam có 6,3 triệu người bị tiểu đường so với con số khoảng 5 triệu người hiện nay. Đáng nói, có tới 50% phát hiện muộn, chưa đến 30% người bệnh tiểu đường được điều trị.
“Bệnh tiểu đường gia tăng do người bệnh ít tập thể dục, ăn nhiều tinh bột, chất béo xấu, thức ăn nhanh, nước ngọt… làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Mức đường huyết cao trong thời gian dài không kiểm soát gây tổn thương mạch máu, dây thần kinh gây ra các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, suy tim, đột quỵ, cắt bỏ chân…” bác sĩ Trâm cảnh báo.
Theo chuyên gia, bệnh tiểu đường được chia thành nhiều loại như tiền tiểu đường, tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Sớm nhận biết những dấu hiệu bệnh tiểu đường sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển.
Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cùng có chung một số dấu hiệu cảnh báo sớm như hay đói và mệt mỏi; đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước; khô miệng và ngứa da; nhìn mờ.
Ngoài ra, ở người bị tiểu đường type 2 còn có các dấu hiệu đặc trưng như dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm rãnh giữa các ngón tay, ngón chân, dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục; Vết loét hoặc vết cắt lâu lành; Tê bì, mất cảm giác ở chân…
Còn ở bệnh tiểu đường type 1, thường có dấu hiệu như sụt cân bất thường; buồn nôn và nôn, hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, ngưng thở khi ngủ…
Chính vì vậy, mọi người nên đi viện kiểm tra khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hoặc khi thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ như: Tuổi từ 45 trở lên; thừa cân hoặc béo phì; lối sống ít vận động; gia đình có bệnh nhân tiểu đường; tiền sử tăng huyết áp, tim mạch… Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp ổn định đường huyết, tránh biến chứng.
Bác sĩ cũng chỉ ra những sai lầm rất thường gặp, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm… Đó là dùng thuốc điều trị bệnh sai cách, nhiều bệnh nhân chỉ tuân thủ điều trị thời gian đầu, sau khi sức khỏe ổn hơn, đã tự ý bỏ thuốc hoặc thêm bớt liều lượng, hoặc dùng thuốc “truyền miệng” không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân không tái khám bệnh; theo dõi đường huyết không đúng cách; Không biết cách xử trí hạ đường huyết; Không luyện tập thể dục, thể theo vì lo sợ hạ đường huyết.
Đáng lưu tâm, nhiều bệnh nhân tiểu đường có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu cân đối, ví như kiêng hoàn toàn thực phẩm chứa đường và tinh bột vì lo sợ tăng đường huyết hoặc quá ỷ lại vào thuốc mà không điều chỉnh chế độ ăn phù hợp…
Để có hiệu quả điều trị tốt nhất, ngoài chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất, cần luyện tập nhẹ nhàng, vừa sức; tuân thủ chỉ định thuốc của bác sĩ, tái khám định kỳ và theo dõi sức khỏe thường xuyên.