Ghi nhận 637 ca Covid-19 mới trong nước tại 39 tỉnh, thành phố
Tính từ 16h ngày 26/6 đến 16h ngày 27/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 637 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 39 tỉnh, thành phố, có 598 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-32), TP. Hồ Chí Minh (-18), Thừa Thiên Huế (-12). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+64), Đà Nẵng (+48), Yên Bái (+20).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 697 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.744.085 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.447 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.736.318 ca, trong đó có 9.653.650 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.605.226), TP. Hồ Chí Minh (610.032), Nghệ An (485.541), Bắc Giang (387.725), Bình Dương (383.801).
6.653 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.656.467 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 16 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 11 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; thở máy không xâm lấn: 0 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 0 ca
Từ 17h30 ngày 26/6 đến 17h30 ngày 27/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.084 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.515.710 mẫu tương đương 85.826.548 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 229.854.734 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 204.556.392 liều: Mũi 1 là 71.498.305 liều; Mũi 2 là 68.859.116 liều; Mũi 3 là 1.509.344 liều; Mũi bổ sung là 14.975.472 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 44.400.839 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 3.313.316 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.936.986 liều: Mũi 1 là 8.973.738 liều; Mũi 2 là 8.617.259 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 345.989 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 7.361.356 liều: Mũi 1 là 5.637.039 liều; Mũi 2 là 1.724.317 liều.
Cả nước ghi nhận 77.000 ca sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong
Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước ghi nhận khoảng hơn 77.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Như vậy, số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó.
Dịch sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại nhiều địa phương khiến cho nhiều cơ sở y tế đối diện tình trạng quá tải. |
Bộ Y tế nhận định hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa Hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, dịch sốt xuất huyết bùng phát trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị.
Các chuyên gia cũng cho hay năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Từ thực tế điều trị, chuyên gia nhấn mạnh cán bộ y tế cần chẩn đoán phân biệt Covid-19 cấp tính, sốt phát ban, viêm não, sốc nhiễm khuẩn… phải luôn nghĩ tới bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khi bệnh nhân có triệu chứng sốt, để không bỏ qua thời gian điều trị sớm.
Khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sỹ để thăm khám. Người bệnh không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định.
Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu các địa phương không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hay bản thân người dân không có ý thức thực hiện các biện pháp phòng dịch tại gia đình.
Thực hư biến thể Omicron mới độc hơn Delta gấp 5 lần?
Những ngày qua có thông tin lan truyền trên mạng xã hội về biến thể Omicron mới gây dịch Covid-19 độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần và có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Thông tin lan truyền trên mạng còn khẳng định biến thể Covid-19 - Omicron mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn cũng như lẩn tránh miễn dịch từ vắc-xin tốt hơn so với các biến chủng hiện nay.
Những thông tin được lan truyền khiến người dân lo lắng như nhiễm biến thể Covid-19 - Omicron mới không gây ra nhiều triệu chứng ở mũi họng mà ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, nơi được coi là cửa sổ sự sống và do vậy gây tử vong rất nhanh... Xét nghiệm test nhanh ngoáy mũi thường âm tính với biến thể Covid - Omicron mới, và do vậy ngày càng có nhiều âm tính giả trong các xét nghiệm dịch mũi họng.
Với thông tin trên, đại diện Bộ Y tế khẳng định đây là tin giả. Bộ Y tế chưa có bất kỳ thông báo nào về thông tin biến thể mới của Covid-19 như trên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa có các cảnh báo với nội dung như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Được biết, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng các ca Covid-19 trong thời gian tới
Trước đó, WHO nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch. Tổ chức này cũng cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong đó, Omicron hiện là biến thể phổ biến trên thế giới, nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng.
Trong khi Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây và khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/6 nhận định bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, dù Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh này.
Thông báo về quyết định của cuộc họp ủy ban chuyên gia hôm 23/6, ông Tedros cho biết ủy ban khẩn cấp này đã chia sẻ quan ngại nghiêm túc về quy mô và tốc độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, với lưu ý về những yếu tố không xác định liên quan đến đợt bùng phat và khoảng trống trong dữ liệu.
Theo Tổng Giám đốc WHO, báo cáo của ủy ban khẩn cấp đã thể hiện lập trường chung giữa những quan điểm khác biệt của các thành viên.
Tuy nhiên, theo ông Tedros, bản thân việc WHO triệu tập ủy ban đang thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng lây lan quốc tế của đậu mùa khỉ.
Kể từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ngoài các nước khu vực Tây và Trung Phi, vốn lâu nay bệnh được coi là đặc hữu.
Tổng cộng đã có hơn 3.200 ca mắc và 1 ca tử vong được báo cáo lên WHO từ hơn 50 quốc gia, phần lớn ở các nước Tây Âu.
Đến nay WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là khẩn cấp kể từ năm 2009, với lần gần nhất là với đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Ủy ban khẩn cấp của WHO về bệnh đậu mùa khỉ gồm 16 thành viên, do ông Jean-Marie Okwo-Bele - một cựu quan chức WHO, cùng Phó Giáo sư Đại học Bern Nicola Low là đồng chủ tịch. 14 thành viên còn lại là các chuyên gia đến từ Brazil, Anh, Nhật Bản, Maroc, Nigeria, Nga, Senegal, Thụy Sĩ, Thái Lan và Mỹ.
Ngoài ra, 8 cố vấn đến từ Canada, CHDC Congo, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ cũng tham gia cuộc họp hỗn hợp hôm 23/6 vừa qua.