Không chủ quan với viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma
Hiện tại, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 150 - 160 bệnh nhân điều trị nội trú, trong có khoảng 30% bệnh nhi viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma; trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 bệnh nhân nằm điều trị vì nguyên nhân này. Các bệnh nhi này được cách ly, điều trị theo phác đồ phù hợp.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma, với các triệu chứng không điển hình. |
Nói về bệnh viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó có nguyên nhân do vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae (hay còn gọi là vi khuẩn không điển hình).
Đây là tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở cộng đồng ở trẻ em. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn. Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ từ 5 - 10 tuổi, tỷ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae là 16%, trong khi đó nhóm trẻ 10 - 17 tuổi, tỷ lệ này lên đến 23%”.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, viêm phổi do Mycoplasma ở trẻ rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác như: Viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn khác vì có những biểu hiện giống nhau như: Sốt, ho, khó thở hoặc chụp phim X- Quang phổi có những tổn thương trên phim.
Để chẩn đoán xác định tác nhân viêm phổi do Mycoplasma, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện. Hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang áp dụng kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán (Mycoplasma IgM), hoặc kỹ thuật xác định chuỗi ADN của Mycoplasma Pneumoniae trong dịch tiết đường hô hấp bằng kĩ thuật xét nghiệm Real-time PCR để chẩn đoán bệnh.
“Tuy nhiên việc xét nghiệm tràn lan để phát hiện nguyên nhân bệnh do Mycoplasma là không cần thiết; các bác sĩ chỉ chỉ định xét nghiệm tìm nguyên nhân cho trẻ khi có các dấu hiện điển hình và chỉ khi thật cần thiết”, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ có những biểu hiện như viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho khó thở và đặc biệt là xảy ra ở những trẻ lớn từ 4-10 tuổi, thì nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể bệnh nhân có những biến chứng mà cha mẹ không thể phát hiện ra như: sốt cao có biểu hiện ngoài phổi, hoặc có thể viêm phổi nặng và suy hô hấp.
Hiện chưa có vắc-xin phòng Mycoplasma. Vì vậy, theo chuyên gia để đảm bảo dự phòng cho trẻ cha mẹ cần đảm bảo một số nguyên tắc phòng bệnh như thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng; đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát; Không tiếp xúc với những trẻ có những biểu hiện ho, sốt...
Ngoài ra, cho trẻ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ăn đủ ô vuông thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng theo đúng lịch, bởi vì nhiễm Mycoplasma Pneumoniae có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hip.
Nguy cơ sức khoẻ vì tự ý sử dụng thuốc
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (38 tuổi, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, mạch nhanh.
Theo người nhà, khoảng 1 tuần nay, người bệnh có uống thuốc giảm cân mua trên mạng. Sau đó, có biểu hiện ăn ít, ngủ ít, mệt mỏi, tức ngực, nói nhảm. Gia đình đã đưa người bệnh đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển-Uông Bí (Quảng Ninh).
Sau khi tiến hành thăm khám, trên các kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cấp, nghi do ngộ độc thuốc giảm cân. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc rất nguy kịch, tim loạn nhịp nặng, người bệnh có hiểu hiện suy thận, hạ kali máu nặng. Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ đã thống nhất phương án chuyển tuyến để điều trị cho bệnh nhân.
Cũng về tình trạng này, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) cũng cho biết vừa cứu sống một nữ bệnh nhân nguy kịch, phản vệ độ 2 khi tự ý mua thuốc hạ sốt về uống.
Theo đó, nữ bệnh nhân B.K.D. (29 tuổi, TP.Cẩm Phả) được người thân đưa đến nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, tức ngực, sẩn ngứa toàn thân.
Được biết, trước đó 1 ngày chị D. bị sốt nên có ra hiệu thuốc mua thuốc giảm sốt về uống. Trong quá trình mua, chị D. có nói với nhà thuốc bản thân có tiền sử dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen nhưng nhân viên bán thuốc nói Ibuprofen là thuốc chống viêm, hạ sốt, ít gây dị ứng nên vẫn bán cho bệnh nhân.
Sau khi uống 1 viên Ibuprofen 400mg được khoảng 1 giờ, chị D. xuất hiện tức ngực, khó thở, nổi ban ngứa toàn thân. Trước tình thế khẩn cấp, chị D. đến phòng khám tư gần nhà và được xử trí tại đó. Sau khi được xử trí, chị D. hết khó thở, hết nổi ban ngứa và được bác sĩ tư vấn nên vào viện ngay để theo dõi, điều trị tiếp.
Tuy nhiên, thấy cơ thể đã khỏe nên chị D. không vào viện mà quay về nhà. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện nổi ban ngứa toàn thân, khó thở... chị D. mới vào viện cấp cứu.
Quá trình thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị D. bị sốc phản vệ độ 2 với thuốc Ibuprofen nên kíp cấp cứu xử trí phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau xử trí, bệnh nhân đỡ khó thở, còn tức ngực nhẹ, các chỉ số sinh tồn ổn định và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục theo dõi, điều trị.
Thiết nghĩ hiện nhiều người thường có thói quen tự ý dùng thuốc mỗi khi mắc phải một số triệu chứng thông thường như: Ho, sốt, đau đầu, mất ngủ, cảm thấy không được khỏe...
Chuyên gia y tế lo ngại rằng đây là hành động có thể rất nguy hiểm do những tác hại không thể lường trước được, như có thể gây kháng thuốc, sốc thuốc nguy hiểm đến tính mạng, các tác dụng phụ không mong muốn, rối loạn chức năng của các cơ quan không hồi phục... thậm chí có thể làm bỏ sót các bệnh nguy hiểm.
Sử dụng chưa đứng cách thuốc kháng sinh không đúng liều, không đúng bệnh dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, đa kháng thuốc. Đến khi thực sự cần thiết thì các thuốc kháng sinh này không còn hiệu quả làm khó khăn và thất bại trong điều trị.
Các nhóm thuốc giảm đau, corticoid sử dụng lâu ngày, chưa đúng cách gây ra nhiều tác dụng không mong muốn từ viêm loét dạ dày tá tràng cho tới xuất huyết nội tạng, rối loạn điều hòa hoạt động các cơ quan như loãng xương, hội chứng cushing do thuốc, suy vỏ thượng thận.
Các thuốc này còn làm giảm hoặc mất các triệu chứng quan trọng khiến chúng ta dễ bỏ sót các nguyên dân gốc nguy hiểm như các khối u, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa... hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng một số bệnh.
Ngoài ra, hầu hết tất cả các loại thuốc kể cả thực phẩm chức năng đều chuyển hóa và đào thải qua gan, thận nên chúng ta có thể vô tình làm tổn thương hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh sẵn có của các cơ quan này...