Viêm gan siêu vi B là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến nhất thế giới.
Ở giai đoạn mãn tính, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Mỗi năm, có đến 884.000 người tử vong vì viêm gan siêu vi B và các bệnh lý liên quan.
Theo chuyên gia y tế, việc xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B là không cần thiết. |
Viêm gan siêu vi B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với HBV.
Đa phần người bị viêm gan siêu vi B cấp tính không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ, nhưng cũng có trường hợp tình trạng trở nên nghiêm trọng khiến người bệnh phải nhập viện để điều trị.
Nhiều người mắc viêm gan siêu vi B cấp, đặc biệt là những người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hoạt động của hệ miễn dịch và bình phục hoàn toàn sau vài tháng mà không để lại bất cứ di chứng nào. Trên thực tế, có đến 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV tự khỏi bệnh.
Trường hợp ngược lại, nếu hệ miễn dịch không thể loại bỏ được virus, viêm gan B cấp sẽ tiến triển sang dạng mãn tính.
Viêm gan siêu vi B mãn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh.
Theo thời gian, viêm gan mãn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
Khả năng viêm gan siêu vi B tiến triển thành mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người nhiễm bệnh. Người nhiễm có độ tuổi càng trẻ thì khả năng viêm gan phát triển thành mãn tính càng cao.
Cụ thể, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80 - 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong năm đầu đời và 30 - 50% trẻ em bị nhiễm bệnh trước 6 tuổi phát triển thành nhiễm trùng gan mãn tính. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người trưởng thành mắc bệnh thấp hơn rất nhiều (dưới 5%).
Viêm gan siêu vi B là loại viêm gan siêu vi thường gặp nhất trên thế giới. Theo thống kê từ tổ chức Hepatitis B Foundation, toàn cầu có khoảng 2 tỷ người đã và đang bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B (nghĩa là cứ ba người thì có một người nhiễm loại virus này), gần 300 triệu người mắc bệnh mãn tính và 30 triệu người bị nhiễm mới mỗi năm.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 10 triệu người mắc viêm gan siêu vi B, trong đó, phần lớn người bệnh mắc viêm gan ở dạng mãn tính.
Nguy hiểm hơn, rất nhiều người bị viêm gan không biết mình mắc bệnh, chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B được chẩn đoán.
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
Những đối tượng còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 - 50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, ăn mất ngon, buồn nôn và nôn, đau bụng, đau khớp, vàng da…
Các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính xuất hiện khoảng 60 - 150 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng thường nặng hơn ở những người bệnh trên 60 tuổi.
Hầu hết những người bị viêm gan siêu vi B mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có xuất hiện triệu chứng, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
Trường hợp người bệnh đã mắc viêm gan siêu vi B trong một khoảng thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng thì khả năng cao đó là triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xơ gan hoặc ung thư gan, chứ không chỉ đơn thuần là viêm gan nữa.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, nhiễm trùng viêm gan siêu vi B là do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV.
Viên gan siêu vi B có thể lây truyền qua đường máu như dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy
Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách
Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng (nail) hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh
Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, viêm gan siêu vi B lây nhiễm từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV có thể truyền virus sang con. Tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào thời điểm người mẹ bị nhiễm bệnh. Cụ thể, nếu mẹ bầu mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm virus sang con là 1%.
Tỷ lệ này là 10% nếu mẹ nhiễm virus trong 3 tháng giữa thai kỳ và trên 60% nếu mẹ bị mắc bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ lây truyền cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh.
Ngoài ra, viêm gan siêu vi B có thể lây truyền khi quan hệ tình dục khác giới hoặc đồng giới do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh.
Viêm gan siêu vi B không lây lan qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm… Bệnh cũng không lây lan khi ho, hắt hơi, dùng chung dụng cụ ăn uống, chơi đùa hoặc ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan siêu vi B.
Nếu nghi ngờ mình đã tiếp xúc với virus viêm gan B và không chắc bản thân đã được tiêm phòng hay chưa, người bệnh cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ. Tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với virus có thể giúp bạn tránh mắc bệnh.
Theo bác sĩ Hải, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan siêu vi B là tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.
Ngoài tiêm phòng, viêm gan siêu vi B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách, không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể
Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở; đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách
Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay, quan hệ tình dục an toàn.
Với câu hỏi sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B có cần xét nghiệm kháng thể để xem hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, bác sĩ Hải cho rằng, điều này không cần thiết.
Sở dĩ như vậy là do, theo chuyên gia, việc xét nghiệm này không có ý nghĩa chứng minh là vắc-xin có hiệu quả hay không bởi vắc-xin một khi đã tiêm là có hiệu quả bảo vệ.
“Suy nghĩ nếu xét nghiệm có kháng thể thì chứng minh vắc-xin có hiệu quả và ngược lại vắc-xin không có hiệu quả là không đúng”, bác sĩ Tuấn Hải nêu.