Ghi nhận 1.118 ca Covid-19 mới
Tính từ 16h ngày 29/5 đến 16h ngày 30/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.118 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước tại 45 tỉnh, thành phố, có 999 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-39), Hà Nội (-21), Hòa Bình (-13). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+265), Hải Dương (+43), Hải Phòng (+20).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.186 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.718.369 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.260 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.710.611ca, trong đó có 9.453.724 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.600.234), TP. Hồ Chí Minh (609.368), Nghệ An (484.563), Bắc Giang (387.569), Bình Dương (383.774).
8.189 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.456.541 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 144 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 87 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 24 ca; thở máy không xâm lấn: 3 ca; thở máy xâm lấn: 24 ca; ECMO: 6 ca.
Từ 17h30 ngày 29/5 đến 17h30 ngày 30/5 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.509.577 mẫu tương đương 85.817.003 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 220.779.518 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.122.014 liều: Mũi 1 là 71.465.100 liều; Mũi 2 là 68.757.883 liều; Mũi 3 là 1.507.014 liều; Mũi bổ sung là 15.053.978 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.121.909 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 216.130 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.465.014 liều: Mũi 1 là 8.937.014 liều; Mũi 2 là 8.528.000 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.192.490 liều: Mũi 1 là 3.938.599 liều; Mũi 2 là 253.891 liều.
Hà Nội có 261 ca Covid-19
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 24h qua thành phố ghi nhận 261 ca Covid-19.
Số bệnh nhân được phân bố tại 97 xã, phường, thị trấn thuộc 20/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (25); Đông Anh (24); Hoàng Mai (23); Long Biên (22); Đống Đa (11); Nam Từ Liêm (21).
Cộng dồn số mắc tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là hơn 1,6 triệu ca, trong đó có 1.336 ca tử vong. Đây là ngày thứ 42 Hà Nội không có ca tử vong vì Covid-19.
Trên địa bàn thành phố còn 81.079 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 97 ca điều trị tại bệnh viện và hơn 80.900 ca theo dõi tại nhà. Trong 97 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 90 ca mức độ trung bình.
Công bằng phân phối vắc-xin
Kể từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia và để phòng ngừa lây lan, nhiều nước đã triển khai mua dự trữ vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi phân phối công bằng vắc-xin để đảm bảo quyền lợi chung trong cộng đồng.
WHO cũng đưa ra cảnh báo những tác động tiêu cực của việc tích trữ thuốc và vắc-xin khi các ca bệnh vẫn còn tương đối thấp.
Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, cơ quan y tế Liên Hợp quốc cũng khẳng định, thế giới có sẵn công cụ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời kêu gọi thiết lập một kho dự trữ để chia sẻ công bằng vắc-xin và thuốc điều trị căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người, linh trưởng, động vật gặm nhấm hoặc các vật thể bị nhiễm virus, qua đường hô hấp, mắt, mũi, miệng và có thời gian ủ bệnh từ 6 đến 13 ngày.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn, bao gồm các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch bạch huyết.
WHO cho rằng có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ nhờ việc phát hiện, cách ly và truy vết nhanh chóng. Những người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh được khuyến nghị cách ly trong vòng 21 ngày.
Tại Việt Nam, để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Công-gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Công-gô, Sierra Leone và Nam Sudan.
Mặt khác, tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh; chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà-phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Đối với những người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi-rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ;
Chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán và đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ.
TP.HCM đưa ra kịch bản ứng phó đậu mùa khỉ
Tại TP.HCM, Sở Y tế thành phố cũng đã yêu cầu Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) chuẩn bị kịch bản để xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Sở Y tế TP.HCM chia ba mức độ liên quan đến bệnh này, là nghi ngờ mắc, có thể mắc và trường hợp xác định.
Trong đó, nhóm nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ là người mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân; có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng kể từ ngày 15/3 như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.
Trường hợp có thể mắc là người trong nhóm nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với người bệnh;
Tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của người nghi hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng...
Người được xác định bệnh khi có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ. Trường hợp được loại trừ là nghi ngờ nhưng kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus đậu mùa khỉ.
Các cửa khẩu tại TP.HCM tăng cường giám sát bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng đậu mùa khỉ ở người nhập cảnh; trạm y tế là nơi tiếp nhận khai báo nghi mắc bệnh này.
Theo đó, trạm y tế địa phương sẽ tiếp nhận trường hợp khai báo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này và hướng dẫn đến các cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Nếu sàng lọc, phát hiện ca nghi, bệnh viện báo HCDC xử lý.
Vùng xanh, vùng vàng cấp độ Covid-19 gần như bao phủ toàn quốc
Những chỉ số tích cực về phòng chống dịch Covid-19 đã làm cho bản đồ dịch tễ cấp độ dịch uy mô xã, phường trên cả nước cũng có sự thay đổi theo chiều hướng vùng xanh, vùng vàng gần như bao phủ toàn quốc.
Cập nhật cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết trong số 10.604 xã phường cả nước, có đến hơn 98% xã, phường được xếp nhóm vùng xanh (nguy cơ thấp) và vùng vàng (nguy cơ trung bình). Con số này tăng so với vài ngày trước đó.
Hiện cả nước chỉ còn 7 xã phường (dưới 0,1%) là vùng đỏ (nguy cơ cao); Số xã phường thuộc vùng cam của cả nước hiện chỉ còn khoảng dưới 2%.
Theo Bộ Y tế, vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế liên tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng bảo đảm tiến độ tiêm vắc-xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; tăng cường truyền thông về tiêm chủng và vận động đưa trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 an toàn.