Ở khu vực ASEAN, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Philippines đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh.
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ, điều quan trọng nhất là sự nhận thức và cảnh giác của người dân về bệnh này. Kèm theo đó là những biện pháp phòng, chống dịch đã được WHO hay Bộ Y tế đưa ra.
Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Đây là điều quan trọng để mọi người dân đều hiểu và nâng cao cảnh giác của người dân, không chủ quan về bệnh đậu mùa khỉ.
Ảnh minh hoạ |
Tại châu Âu và Nam Mỹ đã có những bệnh nhân đầu tiên chết do đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi.
Ngày 29/7, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên chết liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở châu Âu thiệt mạng do bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong số 3.750 bệnh nhân đậu mùa khỉ, có 120 trường hợp phải nhập viện và một trường hợp đã tử vong.
Bộ Y tế Tây Ban Nha không cung cấp thông tin cụ thể về trường hợp này trong khi chờ kết quả khám nghiệm tử thi.
Ngày 29/7, Brazil cũng đã báo cáo trường hợp tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên bên ngoài châu Phi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết. Cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu nghi ngờ tiếp xúc người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cần sát khuẩn tay, đồ dùng cá nhân.
Nếu nghi ngờ có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với cán bộ y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác.
Nhiều tỉnh, thành lớn có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đạt thấp
Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vắc-xin Covid-19. Trong ngày 28/7 có 933.258 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm trên cả nước nâng tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm là 244.757.059 liều. Đây là ngày có số liều vắc-xin tiêm nhiều nhất trong thời gian qua.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: Cả nước đã tiêm tổng số mũi vắc-xin là 12.052.878;
Mũi 1: 7.881.588 trẻ (đạt tỷ lệ 68,9%);
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 51% là: Hà Nội (50,5%); Hà Tĩnh (47,7%); Đà Nẵng (35,1%); Quảng Nam (37,7%); TP Hồ Chí Minh (43,3%).
Mũi 2: 4.171.290 trẻ (đạt tỷ lệ 36,5%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 19% là: Hà Nội (17,3%); Đà Nẵng (14,7%); Quảng Nam (12,0%); Khánh Hòa (17,0%); Đắc Lắc (19,0%).
3 tỉnh tiêm cao là: Ninh Thuận (72,6%); Sóc Trăng (73,9%); Vĩnh Long (69,8%).
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 47.840.193 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 71,9%) tăng 0,1%, trong ngày có 40 tỉnh triển khai với 49.248 người được tiêm:
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 53% là: Hải Phòng (52,3%);Quảng Nam (47,3%); Khánh Hòa (52,2%); Bình Thuận (50,1%); Đồng Nai (46,2%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 9.222.299 mũi tiêm (đạt tỷ lệ gần 49,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp là: Bắc Cạn (25,1%); Quảng Trị (21,7%); Phú Yên (18,8%); Đắc Lắc (24,1%); An Giang (24,9%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 2 cao là: Quảng Ninh (96,8%); BR-VT (96,3%); Kiên Giang (96,1%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 là: 2.890.514 trẻ (đạt tỷ lệ 33,0%) tăng 1,0%.
5 tỉnh tiêm mũi 3 thấp là: Hà Tĩnh (11,3%); Điện Biên (2,5%); Phú Yên (8,8%); Bình Thuận (10,7%); Bà Rịa – Vũng Tàu (10,8%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao là: Bắc Giang (76,3%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (66,9%).
Tháng 8 sẽ là tháng cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tại TP. HCM
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiêm vắc xin Covid-19 mũi cơ bản và nhắc lại cho trẻ em để đảm bảo miễn dịch đầy đủ, Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo TP. HCM phối hợp tổ chức cuộc họp với các quận, huyện và TP Thủ Đức nhằm rà soát tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng do biến thể Omicron BA.4, BA.5, để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại TP. HCM.
Các điểm tiêm sẽ được tổ chức tại trường học đối với trẻ đi học và điểm tiêm cộng đồng đối với trẻ không đi học.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của các quận, huyện và TP. Thủ Đức chịu trách nhiệm triển khai và công bố rộng rãi các điểm tiêm này để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa con em mình đến tiêm.
Nam Định: Phấn đấu tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 đạt trên 90% đối tượng đã đăng ký
Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, tính đến ngày 28/7, tỉnh đã tiếp nhận tổng số trên 3.711.940 liều vắc-xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm theo đúng kế hoạch năm 2021-2022.
Toàn tỉnh đã tiêm được hơn 3.392.430 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; trong đó, tỷ lệ bao phủ vắc-xin như sau: mũi 1 và 2 đạt trên 98%; mũi 3 đạt trên 87%.
Qua rà soát ban đầu của 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn có trên 145.770 người đủ điều kiện đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngành y tế tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai tiêm được hơn 94.730 liều vắc-xin mũi 4 cho nhóm đối tượng này (đạt 65% so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 50,4%).
Trong tháng 7, tỉnh đã tiếp nhận 114.000 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong tháng 8, tỉnh dự trù xin cấp thêm khoảng 140.000 liều để tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Tùy theo nhu cầu của các địa phương, Sở Y tế sẽ có công văn đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung vắc-xin kịp thời để tiêm cho nhân dân.
Trong tháng 8/2022, Nam Định sẽ triển khai tháng cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định. Địa phương phấn đấu đạt trên 90% đối tượng đã đăng ký tiêm mũi 4 trên địa bàn.