"Chúng ta phải có các biện pháp để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu với bệnh đậu mùa khỉ. Công điện mới đây của Thủ tướng cũng nhấn mạnh chúng ta cần chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch..."- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/8.
Ảnh minh hoạ |
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng các Vụ/Cục trực thuộc Bộ phối hợp với các địa phương có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu, cần làm gì để địa phương dễ dàng triển khai được ngay.
Mới đây, UBND TP. HCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho thực hiện khai báo y tế với tất cả trường hợp nhập cảnh tại các cửa khẩu để nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, từ đó ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch đậu mùa khỉ; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng, chống dịch và chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh...
5 tỉnh/ thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chỉ đạt dưới 20%
Tối ngày 2/8, Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vắc-xin Covid-19 nước ta. Tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm là 246.381.970 liều;
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm trên cả nước: 12.325.532, kết quả tiêm mũi 1 là: 7.984.428 trẻ (đạt tỷ lệ 69,9%); tăng 0,3%.
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 52% là: Hà Nội (51,3%); Hà Tĩnh (47,7%); Đà Nẵng (35,4%); Quảng Nam (40,0%); TP Hồ Chí Minh (44,2%).
Mũi 2: 4.341.104 trẻ (đạt tỷ lệ 38,0%); tăng 0,3%; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 20% là: Hà Nội (17,9%); Đà Nẵng (14,7%); Quảng Nam (12,6%); Khánh Hòa (17,4%); Đắc Lắc (19,4%).
3 tỉnh tiêm cao là: Ninh Thuận (72,8%); Sóc Trăng (76,9%); Bạc Liêu (72,5%).
Kết quả tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Kết quả tiêm mũi 3 đến chiều cùng ngày là:: Tổng số có 48.091.599 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 72,3%) tăng 0,1%, trong ngày có 41 tỉnh triển khai với 50.266 người được tiêm:
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 là: Quảng Nam (53,4%); Khánh Hòa (54,5%); Bình Thuận (50,3%); Đồng Nai (46,4%); Cần Thơ (52,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).
Kết quả tiêm mũi 4: Tổng số có 9.803.339 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 50,6%) tăng 0,1%, trong ngày có 43 tỉnh triển khai với 154.616 người được tiêm.
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Bắc Cạn (26,9%); Nghệ An (26,5%); Sơn La (25,0%); Quảng Trị (27,4%); Đắc Lắc (25,4%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Điện Biên (99,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (98,1%); Vĩnh Long (89,2%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 3.051.935 trẻ (34,9%) tăng 0,4%.
5 tỉnh, thành tiêm mũi 3 thấp cho trẻ trong độ tuổi này là: Điện Biên (13,2%); Đà Nẵng (12,9%); Phú Yên (9,3%); Bình Thuận (13,3%); Bà Rịa – Vũng Tàu (10,9%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (79,1%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (67,1%).
TP. HCM xử phạt các cá nhân, tổ chức gây bùng phát dịch sốt xuất huyết
Để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết, TP.HCM tăng cường giám sát và xử phạt hành chính mạnh tay để răn đe các các cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp phòng bệnh gây bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC), thành phố đã ghi nhận tổng cộng 35.125 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 568 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tính đến tuần 30 là 1.6% tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5%.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân sự có chuyên môn, người dân còn lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Các công trình xây dựng chưa được hoàn thành, các khu đất trống có nhiều mương, hầm hào chứa nước. Đây là điểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Số ca mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng cao, ngành y tế Thành phố đã đến các quận/huyện để giám sát, hướng dẫn. Đặc biệt là 6 quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc cao nhất là quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú.
Qua giám sát thực tế Sở Y tế TP. HCM phát hiện công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đạt yêu cầu. Điển hình là huyện Cần Giờ, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng. Toàn huyện ghi nhận 240 ca mắc mới.
Huyện Nhà Bè hiện cũng là điểm nóng của sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm tới nay huyện ghi nhận 59 ổ dịch và 574 ca. Chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 7, huyện Nhà Bè ghi nhận số ổ dịch tăng đột biến với 44 ổ dịch (tăng 200%) và còn 128 điểm nguy cơ cần xử lý.
Nhiều địa phương tỷ lệ kiểm soát điểm nguy cơ rất thấp, chỉ 10 - 20%, cao nhất cũng chỉ 80%. Vậy nên việc xử phạt vi phạm các quy định phòng, chống dịch sốt xuất huyết cần được xử lý mạnh tay hơn nữa để răn đe, cảnh báo.
Để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số ca mắc, tử vong và tránh để dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, Sở Y tế Thành phố sẽ tăng cường giám sát và xử phạt các cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gây bùng phát dịch bệnh để răn đe.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không chỉ trông chờ vào riêng ngành y tế mà cần sự phối hợp đồng bộ với các lực lượng trong hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là huy động sự tham gia của người dân trên toàn Thành phố.