Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2023
Thời gian nghỉ Tết dài ngày, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội với nhiều lượt khách tham dự. Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm; Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Ảnh minh hoạ. Trong ảnh: Đội Quản lý thị trường kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối. Nguồn: DMS |
Việc triển khai thực hiện kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2023, trong đó hướng đến các mục tiêu cụ thể:
Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2023; Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố:
Đoàn số 1: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam.
Đoàn số 2: Thanh tra (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa.
Đoàn số 3: Thanh tra (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bến Tre.
Đoàn số 4: Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh: Nam Định, Thái Bình.
Đoàn số 5: Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế Công cộng TP.HCM tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Long An.
Đoàn số 6: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế Công cộng TP.HCM tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long.
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn gia tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 25-11 đến 2-12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 0,5% so với tuần trước đó).
Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).
Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 16.314 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 18 ca tử vong.
Trong tuần qua, thành phố có thêm 55 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện; trong đó nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch, tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch…
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.292 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 178 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân như thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 290 bệnh nhân; thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 69 bệnh nhân; thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có 38 bệnh nhân…
Trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng thì kết quả giám sát tại một số ổ dịch kéo dài cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng; việc vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy chưa hiệu quả.
Cụ thể, tại ổ dịch xóm Hạnh Phúc, thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín có BI=40 (cao gấp 2 lần ngưỡng quy định); ổ dịch tổ 12, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (BI=35, gấp hơn 1,5 lần quy định)…
Dù nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân không được chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống.
Các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Huy động các ban, ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, bảo đảm các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng.
Đồng Nai tạm hoãn uống bổ sung Vitamin A đợt 2
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, dù đã đến thời gian triển khai chiến dịch cho trẻ bổ sung Vitamin A liều cao và tẩy giun đợt 2 năm 2022 (vào ngày 1 - 2/12 hằng năm), nhưng đến nay Đồng Nai vẫn chưa nhận được nguồn thuốc Vitamin A từ Viện Dinh dưỡng.
Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đã đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thành phố không mời trẻ đến uống Vitamin A liều cao cho đến khi có kế hoạch triển khai. Khi nào nhận được nguồn thuốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai sẽ thông báo đến các đơn vị liên quan và sớm tổ chức cho trẻ uống bù.
Toàn tỉnh dự kiến có gần 140.000 trẻ uống bổ sung Vitamin A. Bổ sung uống Vitamin A liều cao là giải pháp can thiệp cộng đồng quan trọng cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên đây chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp khác nhau giúp phòng chống thiếu vitamin A trong cộng đồng.
Trong thời gian chưa có nguồn thuốc, người dân nên tự xây dựng cho gia đình mình một chế độ ăn giàu Vitamin A, đặc biệt đối với gia đình có trẻ từ 06 -36 tháng tuổi. Nguồn thực phẩm giàu Vitamin A như thịt, cá, trứng sữa, gan, lươn, cá chép; các loại củ, quả có màu cam (gấc, cà rốt, cam,...) và các loại rau có màu xanh đậm (rau ngót, cải xanh, rau muống, rau dền cơm, rau đay...). Ngoài ra, người dân có thể cho con bổ sung thêm bằng các thuốc vitamin tổng hợp có chứa Vitamin A. Cuối cùng là việc tẩy giun định kỳ mỗi sáu tháng một lần.