Theo lãnh đạo Hà Nội, việc tiêm mũi 4 nhằm củng cố, tăng cường miễn dịch phòng Covid-19 cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;
Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp bố trí được nguồn vắc-xin có thể mở rộng đối tượng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
UBND TP.Hà Nội vừa lên kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). |
Thành phố đặt mục tiêu trên 95% đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tiêm. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022; triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn thành phố.
Trước đó, Hà Nội là một trong 3 địa phương xin từ chối nhận và điều chuyển vắc-xin Pfizer cho địa phương khác.
Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 từ đầu tháng 5/2022, đến nay cả nước mới tiêm được 425.398 liều.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất rất nhiều lần Bộ có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn để đảm bảo tiến độ tiêm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu cho Bộ Y tế kiện toàn lại hội đồng định giá mức tiêu hao vắc-xin.
Đồng thời, đơn vị này phải đôn đốc các địa phương, bộ, ngành liên quan báo cáo về tiến độ tiêm; tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đôn đốc các địa phương báo cáo về nhu cầu vắc-xin.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng liên quan vận chuyển ngay vắc-xin đến các tỉnh, thành phố để bàn giao. Không trông chờ các tỉnh, thành đến nhận vắc-xin.
Trong trường hợp địa phương nào không nhận, đề nghị UBND tỉnh có văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ghi rõ là hết đối tượng tiêm nên không nhận vắc-xin và chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát.
Thanh Hóa bắt đầu tiêm vắc-xin mũi 4
Từ ngày 6/6, tỉnh Thanh Hóa triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 cho hơn 70 nghìn người.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với các nguồn có khả năng mang virus SARS-CoV-2, có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 và đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 được ít nhất 4 tháng là những người được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lần thứ 2.
Thanh Hóa đã tiếp nhận 7.800.188 liều vắc-xin, triển khai 22 đợt tiêm chủng nên có 2.374.722 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ mũi vắc-xin, đạt tỷ lệ 99,2%; 287.470 thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm đủ mũi vacine phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 100%.
Nhân lực của hệ thống y tế tỉnh đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi vắc-xin nhắc lại phòng Covid-19 cho người 18 tuổi trở lên.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.439.176 người đã tiêm mũi bổ sung, nhắc lại. Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi bổ sung, nhắc lại đạt tỷ lệ 110,5%. Trong tổng số 471.646 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 191.432 trẻ đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 40,6% và có 59.696 trẻ em đã tiêm mũi 2 vắc-xin, đạt tỷ lệ 12,7%.
Theo các chuyên gia y tế, miễn dịch được tạo ra bởi các loại vắc-xin phòng Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian nên tiêm các mũi nhắc lại nhằm nâng cao hiệu giá kháng thể, phát huy hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
Nâng mức cảnh báo với đậu mùa khỉ
Trong cảnh báo mới cập nhật ngày 6/6, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, châu Á và Australia.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca nhiễm đậu mùa khỉ có thể đã lan ra ngoài châu Phi mà không bị phát hiện trong nhiều năm, cho tới khi ca đầu tiên được xác nhận tháng 3 vừa qua.
Mỹ tới nay đã ghi nhận 25 ca nhiễm trên cả nước và CDC Mỹ đã nâng mức cảnh báo đối với đậu mùa khỉ lên mức 2, khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang khi đi lại.
CDC Mỹ đã bắt đầu phân phối khoảng 1.200 liều vắc-xin phòng virus đậu mùa khỉ có tên gọi Jynneos cho những đối tượng tiếp xúc gần có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Loại vắc-xin này đã được phê duyệt sử dụng tại Mỹ vào năm 2019 đối với những người từ 18 tuổi trở lên, để phòng chống các bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ.
Theo CDC Mỹ, virus đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh hơn dự kiến song giới chức trách cũng lưu ý rằng bệnh đậu mùa khỉ khác xa dịch Covid-19 về cả mức độ nghiêm trọng và tính lây nhiễm.
Giới chức y tế Mỹ khuyến cáo, những người có tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày, thường xuyên đo thân nhiệt, đặc biệt nếu có các triệu chứng như ớn lạnh, nổi hạch và phát ban thì cần tự cách ly.
Kể từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia và để phòng ngừa lây lan, nhiều nước đã triển khai mua dự trữ vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi phân phối công bằng vắc-xin để đảm bảo quyền lợi chung trong cộng đồng.
WHO cũng đưa ra cảnh báo những tác động tiêu cực của việc tích trữ thuốc và vắc-xin khi các ca bệnh vẫn còn tương đối thấp.
Bên cạnh đó, cơ quan y tế Liên Hợp quốc cũng khẳng định, thế giới có sẵn công cụ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời kêu gọi thiết lập một kho dự trữ để chia sẻ công bằng vắc-xin và thuốc điều trị căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người, linh trưởng, động vật gặm nhấm hoặc các vật thể bị nhiễm virus, qua đường hô hấp, mắt, mũi, miệng và có thời gian ủ bệnh từ 6 đến 13 ngày.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn, bao gồm các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch bạch huyết.
WHO cho rằng có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ nhờ việc phát hiện, cách ly và truy vết nhanh chóng. Những người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh được khuyến nghị cách ly trong vòng 21 ngày.
Việt Nam chủ động phòng chống đậu mùa khỉ
Tại Việt Nam, để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Công-gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Công-gô, Sierra Leone và Nam Sudan.
Mặt khác, tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh; chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà-phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Đối với những người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi-rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ;
Chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán và đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ.