Hoại tử bàn tay vì tự chữa rắn cắn bằng đắp thuốc nam
Mu bàn tay trái của người bệnh đã hoại tử. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhân cho biết, trước đó 7 ngày bị rắn hổ mang cắn, nhưng không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà.
Đến sáng 6/5, bàn tay chảy mủ kèm theo sốt, tự uống 1 viên paracetamol tại nhà nhưng không đỡ nên bệnh nhân đã đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sỹ đã giảm đau, dùng kháng sinh, xử trí vết thương và chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Bệnh nhân được theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Trong những ngày gần đây, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn hổ mang cắn. Đây là thời điểm mùa sinh sôi phát triển của rắn, vậy người dân hãy cẩn trọng khi làm việc và dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ để tránh tạo nên môi trường phát triển của rắn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nếu bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (ví dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời.
Không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; sử dụng các loại thuốc nam, cổ truyền, chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn…..bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
Thông thường rắn khá sợ người nên sẽ bỏ đi nếu thấy có người đến gần và chỉ cắn khi cảm thấy bị đe dọa. Vậy nên bạn có thể tránh bị rắn cắn bằng một số cách như: Tránh bắt hay chọc phá rắn. Mang ủng, quần dày và găng tay nếu tới những nơi có thể có rắn. Nếu thấy rắn trong tự nhiên, hãy để rắn tự đi chứ không nên chọc phá hay bắt.
Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty Phyto Quang Trung
Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa ký ban hành quyết định số 2004/QĐ-BYT về việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung.
Cục Quản lý Dược quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 556/ĐKKDD-BYT ngày 27/1/2021 của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung. Địa chủ trụ sở chính: 97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Lý do thu hồi do nhu cầu kinh doanh thực tế của Công ty nên Công ty có văn bản thông báo ngừng hoạt động kinh doanh dược tại địa điểm kinh doanh 97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Quyết định của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, quyết định số 624 của Bộ Y tế về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung hết hiệu lực.
Các ông, bà Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, Giám đốc Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trước đó, ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, địa chỉ số 4, đường 30/4, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhẹ, tay chân miệng, thuỷ đậu giảm
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 29/4 – 5/5, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tăng nhẹ, còn ca tay chân miệng và thuỷ đậu đều giảm so với tuần trước đó.
Từ ngày 29/4 - 5/5, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 232 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 138/579 xã, phường, thị trấn.
Với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 35 ca mắc (giảm 6 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 506 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có ca tử vong.
Trong tuần cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng với 2 ca mắc tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã ghi nhận 23 ổ dịch, hiện 1 ổ dịch đang hoạt động.
Về bệnh thuỷ đậu, trong tuần có 35 ca mắc (giảm 32 ca so với tuần trước đó). Tính từ đầu năm cho đến nay, thành phố có 1.385 ca mắc thuỷ đậu (tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có ca tử vong.
Ngoài ra, các dịch bệnh khác như: Dại, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, liên cầu khuẩn lợn, uốn ván, trong tuần này không ghi nhận ca mắc.
Trong thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Cùng với đó, điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan. Riêng với sốt xuất huyết, tiếp tục giám sát các ổ dịch cũ tại huyện Đan Phượng và huyện Thạch Thất.