Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại Đồng Nai
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy, các bệnh viện đã xây dựng kế hoạch ứng phó với các hoạt động như: Tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế; Phổ biến các nội dung về kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh đậu mùa khỉ cho đội ngũ điều dưỡng thông qua sinh hoạt điều dưỡng định kỳ của bệnh viện.
Tăng cường công tác truyền thông bằng hình thức xây dựng Clip chuyên môn tuyên truyền về các nội dung nhận biết các triệu chứng thông thường và cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ cho người dân, cán bộ nhân viên y tế.
Ảnh minh hoạ |
Các bệnh viện đều có phương án tổ chức phân luồng bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, thu dung và điều trị cho bệnh nhân đậu mùa khỉ tại bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn đối với nhân viên y tế và những bệnh nhân khác.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến những thông tin cần thiết, cách nhận biết, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ cho cán bộ, nhân viên y tế.
Việt Nam đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, đều ngụ tại TP.HCM. Cả 2 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện. Tỉnh Đồng Nai ở gần TP.HCM, có sự giao thương lớn với nhiều tỉnh, thành lân cận nên cần sẵn sàng các phương án để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa nguy cơ để mắc và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, không để xảy ra dịch chồng dịch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương…
Đắk Lắk: Ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh Whitmore
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore.
Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1982, trú tại huyện Krông Pắk.
Theo bệnh nhân chia sẻ, vào ngày 10/10, ở nhà bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội nên nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe lá lách nên được tiến hành phẫu thuật điều trị.
Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân vẫn tiếp tục có biểu hiện đau bụng không khỏi nên ngày 31/10, bệnh nhân nhập viện khám lại.
Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2 và hiện đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi trùng có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei gây ra, trong đó có thể gây loét và hoại tử nên người dân hay gọi đây là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người", thực chất là do vi khuẩn tiết ra độc chất làm hoại tử các tổ chức.
Sau khi được chẩn đoán mắc Whitmore, Khoa Truyền nhiễm phối hợp với Khoa Ngoại đang tích cực điều trị cho bệnh nhân.
Dự kiến, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị tấn công bằng kháng sinh mạnh trong vòng 4 tuần tại bệnh viện. Sau đó, nếu hồi phục tốt, bệnh nhân sẽ được cho về nhà tiếp tục điều trị duy trì trong vòng 3 tháng.
Được biết, đây là trường hợp thứ 3 mắc bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh. Trước đó đã có 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Ea Súp và Cư Kuin.
Phú Yên: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Theo Sở Y tế Phú Yên, tính đến ngày ngày 6/11, Phú Yên đã sử dụng 2 triệu/2,1 triệu liều vắc-xin. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 31,6%, (thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 62,6%).
Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 82,5%, mũi 2 đạt 51,9%, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với trung bình chung cả nước.
Tỉnh Phú Yên được Bộ Y tế phân bổ 46.800 liều vắc-xin phòng Covid-19 có thời hạn sử dụng theo quy định là 30/11. Mặc dù các địa phương đã tích cực tổ chức tiêm chủng nhưng số lượng vắc-xin đến ngày 8/11 vẫn còn hơn 27.000 liều.
Trước tình trạng này, ngày 8/11, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp khẩn đưa ra các giải pháp đẩy tiến độ. Mục tiêu là các địa phương phải tiêm hết số lượng vắc-xin phòng Covid-19 đã được phân bổ. Từ đây, tỷ lệ bao phủ vắc-xin đối với trẻ em ở tỉnh Phú Yên mới được nâng cao.
Tỉnh đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đa số trẻ em cần được tiêm chủng là học sinh nhưng cần sự đồng ý của phụ huynh, nên công tác tuyên truyền cần hướng đến các đối tượng này.
Công tác tuyên truyền phải kết hợp với tinh thần nêu gương đối với người đứng đầu đơn vị; người có uy tín ở khu dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phản bác lại những thông tin sai lệch về hiệu quả của vắc-xin.